Bộ Y tế đang đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó, Bộ đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT.

lam dung xet nghiem
Đám đông người ngồi đợi tại bệnh viện ở TP.HCM, tháng 4/2015. (Ảnh minh họa: Xuanhuongho/Shutterstock)

Sửa đổi, bổ sung quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT

Bộ Y tế vừa đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại Điều 12 Luật BHYT.

Trong đó, Bộ đề xuất sửa đổi để làm rõ hơn nội hàm của các đối tượng như: học viên công an nhân dân tại điểm a khoản 3, bao gồm học viên người Việt Nam và người nước ngoài, con của liệt sỹ tại điểm i khoản 3 bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, tách đối tượng cựu sĩ quan công an nhân dân nghỉ hưu trong nhóm đối tượng hưu trí tại điểm a khoản 2 thành 1 nhóm đối tượng riêng, để điều chỉnh mức hưởng cho đồng bộ với mức hưởng của đối tượng cựu chiến binh.

Sửa đổi, bổ sung khoản 5 về nhóm tự đóng BHYT, trong đó bổ sung người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo, người Việt Nam không có giấy tờ tuỳ thân, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật, người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương, hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động tự đóng, hoặc tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 12 về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang trình Quốc hội ban hành.

Số này bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, bổ sung người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Bổ sung đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Người dân ám ảnh chờ đợi khi tham gia BHYT

Trên thực tế, người bệnh từ khâu đi khám BHYT đến khi cầm được thuốc BHYT phải mất cả buổi sáng, thậm chí qua buổi chiều.

Đây cũng chính là điều người bệnh than phiền nhiều nhất khi có ý kiến khảo sát, trong đó đặc biệt là khâu làm thủ tục khám BHYT và khâu đăng ký khám.

Gần 11h trưa, ngồi tại khu vực chờ khám bệnh đợi kết quả xét nghiệm máu cho con mắc bệnh đái tháo đường đã biến chứng suy tim, suy thận, ông H.P. (SN 1968, ngụ Bình Thạnh) cho biết đây cũng là tình cảnh thường ngày mỗi lần đưa con đi khám BHYT.

Đều đặn mỗi tháng ông P. phải đưa con đến bệnh viện thăm khám và lấy thuốc. Mỗi lần đi là một nỗi “ám ảnh” với ông vì thời gian chờ đợi rất lâu, sớm thì mất nửa buổi, muộn thì phải đợi đến cuối giờ chiều.

Để được về ngay trong buổi sáng, mỗi lần đến bệnh viện thăm khám hai cha con ông P. phải tranh thủ dậy sớm lúc 5h30 để chuẩn bị đồ đạc đến bệnh viện chờ bốc số. Mặc dù bốc số khám sớm nhưng đợi đến lượt mình cũng phải đợi chờ ít nhất là nửa tiếng đồng hồ.

“Mỗi lần đến bệnh viện là tôi xác định hôm đó sẽ mất nửa ngày, hôm nào muốn khám xong sớm trong buổi sáng là phải tranh thủ đi sớm. Khâu chờ đợi lâu nhất vẫn là đợi kết quả xét nghiệm, tôi mong muốn có thể giảm được thời gian chờ đợi để người bệnh BHYT không còn vất vả”, ông P. nói với báo Tuổi trẻ ngày 19/01.

Cũng mất cả buổi sáng mới nhận được thuốc sau thăm khám BHYT tại Bệnh viện quận Gò Vấp, nhưng ông N.V.T. (SN 1958 , ngụ quận Gò Vấp) khá hài lòng khi bác sĩ tận tình.

Ông T. cho biết từ 8h sáng 18/1, ông đã đến Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) khám vì bị chuột rút, kèm bệnh nền đái tháo đường. Sau thăm khám, lấy máu xét nghiệm, đến hơn 11h cùng ngày ông mới tới quầy “phát thuốc BHYT ngoại trú” để chờ tới lượt lấy thuốc.

Ông T. thấy khoảng thời gian đợi lâu nhất là chờ kết quả xét nghiệm, tiếp đến là khâu đăng ký khám BHYT. Tuy nhiên, ông T. không phàn này điều này và cho biết sẽ quay lại tái khám theo lịch hẹn. “Khâu chờ kết quả xét nghiệm tốn nhiều thời gian lắm, nhưng tôi hiểu các bác sĩ không làm gì khác được vì còn phụ thuộc máy móc chạy để ra kết quả”.

Vì thấy người nhà của mình mỗi khi khám bệnh bằng BHYT phải chờ đợi lâu, chị P.T. (27 tuổi, ngụ TP.HCM) dù có thẻ BHYT đăng ký khám ban đầu tại bệnh viện địa phương nhưng chị thường chọn khám dịch vụ, nếu bệnh nhẹ thì mua thuốc bên ngoài về uống cho nhanh.

Khánh Vy (t/h)