Ngay khi có hướng dẫn chi tiết và nhận được vắc-xin COVID-19 từ Bộ Y tế, ngành y tế Hà Nội sẽ tiến hành tiêm đại trà cho khoảng 680.000-840.000 trẻ em từ 12-17 tuổi tại TP, sau đó tiếp tục tiêm cho trẻ từ 3-12 tuổi. 

tiem vac xin tre em 1
Ngày 28/10, toàn bộ trẻ em từ 12-17 tuổi tại TP Thủ Đức (TP.HCM) được đưa vào đợt tiêm đại trà vắc-xin COVID-19, gồm cả trẻ đang đi học và không đi học. (Ảnh minh họa: HCDC)

Tại tọa đàm về tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 cho trẻ em sáng 28/10, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết thành phố đang thống kê, xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết số lượng trẻ sẽ tiêm vắc-xin COVID-19 tại TP tùy thuộc vào lượng vắc-xin phân bổ, dẫn theo báo Hà Nội Mới ngày 28/10.

“Chúng ta sẽ tiến hành tiêm cho trẻ ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ lượng vắc xin cần thiết. Nếu vắc xin không đủ, thành phố sẽ tiêm từ độ tuổi cao đến độ tuổi thấp. Nếu bảo đảm được nguồn vắc-xin, thành phố sẽ triển khai tiêm diện rộng cho trẻ, có thể tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi”, ông Tuấn nói.

Dự kiến, Hà Nội sẽ tiêm trước cho nhóm trẻ từ 16-17 tuổi, sau đó hạ dần độ tuổi. Việc tổ chức tiêm đang được dự trù theo 2 phương án, nếu học sinh đi học trở lại đầy đủ sẽ tiêm tại trường học, còn nếu tình hình dịch phức tạp sẽ triển khai tiêm cho trẻ em tại các điểm tiêm tổ chức ngoài cộng đồng.

Về việc nhiều phụ huynh lo lắng về phản ứng sau tiêm vắc -xin ở trẻ, ông Tuấn khẳng đinh “điều này là không đáng lo ngại”, dẫn thông tin rằng nhiều quốc gia đã tiêm xong cho trẻ từ 12-17 tuổi, thậm chí đang tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

“Trẻ từ 12 tuổi có cơ thể phát triển tương đương người lớn, do đó phản ứng sau tiêm hầu như không khác biệt so với người lớn”, ông Tuấn lý giải, song đồng thời thừa nhận nguy cơ sốc phản vệ là có. “Quan trọng nhất vẫn là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm vắc xin COVID-19 để có được chỉ định chính xác, bảo đảm tiêm an toàn, đúng đối tượng vì hiện nay, nhiều trẻ em trong độ tuổi 12-17 cũng đã xuất hiện những bệnh lý nền, bao gồm ung thư, tim mạch, tiểu đường…”, ông Tuấn nói.

“Trẻ còn nhỏ tuổi, đôi khi chểnh mảng, chưa thể tự theo dõi và báo kịp thời các phản ứng sau tiêm. Do đó gia đình cần quan tâm phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu, đặc biệt là 30 phút sau khi tiêm cần được cán bộ y tế theo dõi sát sao”, ông Tuấn lưu ý.

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ trong sáng cùng ngày, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết Hà Nội cũng như tất cả các tỉnh thành đều đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế, từ đó mới có căn cứ pháp lý để triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em. Tuy nhiên, dự định nhóm tuổi, thời gian và loại vắc-xin sẽ tiêm cho trẻ đã được giới chức ngành y tế Hà Nội lập kế hoạch xong.

“Chúng tôi lên kế hoạch sẽ tiêm hết cho các cháu từ 17 tuổi rồi mới bắt đầu tiêm cho các cháu 16 tuổi, tuần tự như vậy. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã lập sẵn kế hoạch tiêm cho các cháu từ 3 tuổi cho đến 12 tuổi”, ông Việt nói.

Về thời gian tiêm chủng, theo ông Việt, Hà Nội dự kiến sẽ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi trong những tháng cuối năm 2021, sang đầu năm 2022 sẽ bắt đầu tiêm cho trẻ từ 3-12 tuổi.

Ông Việt cho biết mỗi độ tuổi có khoảng 130.000-140.000 trẻ, dự kiến cần hơn 2 triệu liều vắc-xin COVID-19 để tiêm mũi 1, tổng 2 mũi là cần khoảng hơn 4 triệu liều.

Hai ngày trước, ngày 26/10, tại cuộc họp với các bên liên quan về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em, Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thanh Long công bố từ tháng 11/2021 sẽ tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc, sử dụng vắc-xin Pfizer (Mỹ).

“Đây là vắc-xin đảm bảo an toàn cho trẻ em” – ông Long đưa ra tuyên bố.

Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, đại diện Bộ Y tế cho hay bộ này đã lên kế hoạch triển khai tiêm trong năm 2022 “trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vắc-xin cho trẻ em”.

Chỉ 163/39.576 trẻ em tại TP.HCM hoãn tiêm, chống chỉ định tiêm

Tại cuộc họp báo vào chiều 28/10 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết từ ngày 27/10 sang ngày 28/10, tổng cộng TP.HCM đã tiêm cho 39.576 trẻ em.

Trong đó có 162 trường hợp trẻ bị hoãn tiêm, 59 trẻ được tiêm tại bệnh viện và chống chỉ định 1 trẻ em.

Việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em đã được TP.HCM tiến hành tại 21 quận, huyện, TP; riêng quận Gò Vấp bắt đầu tiêm từ ngày 29/10.

Vẫn bà Mai cho hay TP.HCM chỉ đạo trong 5-7 ngày tiêm xong mũi 1, sau đó, trong khoảng 7 ngày tiêm xong mũi 2. Số lượng trẻ sẽ tiêm theo dự kiến ban đầu của Sở này là 780.000 trẻ em.

Nguy cơ viêm cơ tim ở trẻ em sau tiêm vắc-xin COVID-19

Táp chí điện tử VietTimes ngày 26/10 dẫn ý kiến của TS Bùi Lê Minh – Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành), trong đó khuyến nghị cần đặc biệt lưu ý khi nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm vắc-xin COVID-19 ở trẻ em cao hơn so với người trưởng thành.

Không phản đối việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi, nhưng đặt trong bối cảnh Việt Nam, ông Minh cho hay việc triển khai tiêm trên diện rộng là chưa cần thiết, do 2 lý do.

Thứ nhất, nguy cơ bệnh nặng với nhóm tuổi này là thấp hơn so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là nguy cơ này rất thấp khi so với nguy cơ nặng và tử vong của nhóm trên 65 tuổi và người trưởng thành có bệnh nền.

Thứ hai, trẻ em có những đặc điểm sinh lý riêng và đang phụ thuộc vào gia đình nên mức độ quan tâm tới tính an toàn của vắc-xin có phần còn cao hơn so với việc tiêm chủng cho người lớn.

“Nếu nói chính thức thì WHO mới chỉ khuyến cáo có thể cân nhắc sử dụng vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, nhưng chỉ trong trường hợp có nguy cơ cao như mắc bệnh nền và ngay bản thân vắc-xin Pfizer cũng gây ra những lo lắng nhất định ở phụ huynh do có liên quan tới nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm cao hơn với người trưởng thành.“, ông Minh nhận định.

Theo ông Minh, vắc-xin COVID-19 không phải phương án duy nhất để tăng khả năng bảo vệ cho trẻ (ví dụ như tiêm các vắc-xin loại khác đã chứng minh dùng an toàn cho trẻ em và có tác dụng bảo vệ chéo, đảm bảo 5K cho trẻ, bổ sung vitamin, dinh dưỡng tăng cường sức khỏe…). “Chúng ta vẫn chưa hiểu được hết virus này và chưa có chỉ thị nào có thể dùng để tiên lượng ca bệnh sẽ trở nặng hay không nên việc phòng bệnh vẫn là cần thiết”, chuyên gia đưa ra ý kiến.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Nghiên cứu mới về tác dụng phụ xuất hiện sau tiêm vắc-xin COVID-19 Pfizer và AstraZeneca