Cơ quan tố tụng xác định hành vi của các bị cáo lặp đi lặp lại trong thời gian dài, lấy việc mua bán hóa đơn làm nguồn thu nhập chính, làm rối loạn thị trường.

mua ban hoa don
Tang vật vụ án dùng công ty “ma” mua bán trái phép hóa đơn GTGT trị giá trên 1.000 tỷ đồng của Trần Hồng Yến (Hà Nội) – hoạt động từ năm 2012, bị bắt năm 2016. (Ảnh minh họa: pbgdpl.hanoi.gov.vn)

TAND TP Hà Nội vừa kết thúc phiên tòa xét xử các bị cáo trong 2 đường dây mua bán hóa đơn với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng vào sáng 12/9.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hào (SN 1983, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) 4 năm tù; Nguyễn Văn Hồng (SN 1983, anh trai Hào) 3,5 năm tù; Nguyễn Văn Cường (SN 1981, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) 2,5 năm về tội Mua bán trái phép hóa đơn.

Các bị cáo còn lại bị tuyên án từ 9 tháng tù treo – 20 tháng tù cùng về tội Mua bán trái phép hóa đơn.

Cơ quan tố tụng xác định hành vi của các bị cáo lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Các bị cáo lấy đây là nguồn thu nhập chính, thể hiện tính chuyên nghiệp. Hành vi mua bán hóa đơn trái phép gây thất thu ngân sách nhà nước, làm rối loạn thị trường, giảm uy tín của các cơ quan và doanh nghiệp chân chính.

Theo hồ sơ vụ án, thủ đoạn của các bị cáo là mua lại pháp nhân của các công ty với giá từ 19-25 triệu đồng/1 công ty, sử dụng CCCD/CMND của người khác để đứng tên giám đốc, giả chữ ký giám đốc để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu công ty, hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) và biến các pháp nhân này thành công ty “ma”.

Các bị cáo trực tiếp hoặc thông qua môi giới để liên hệ, trao đổi với cá nhân có nhu cầu mua hóa đơn GTGT. Sau khi thống nhất nội dung ghi trên hóa đơn, giá, hình thức thanh toán, giao, nhận…, các bị cáo nhận hóa đơn ký, đóng dấu, xuất hóa đơn viết tay hoặc hóa đơn điện tử sau đó chuyển lại cho người mua.

Với các hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng (theo quy định phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng), các bị cáo hẹn môi giới, người mua trực tiếp đến ngân hàng thực hiện chuyển tiền theo giá trị trên hóa đơn GTGT vào tài khoản ngân hàng của công ty xuất hóa đơn, rồi rút tiền trả lại cho người mua và trừ số tiến mua bán hóa đơn.

Nếu người mua không có tiền để chuyển khoản thì các bị cáo thuê bên thứ 3 hoặc chính bên bán ứng tiền để chuyển khoản với lãi suất 1% trở lên. Chuyển khoản và thu tiền xong, các bị cáo sẽ giao hóa đơn và các tài liệu hợp thức cho người mua.

Với trường hợp hóa đơn có giá trị dưới 20 triệu đồng, các bị cáo sẽ hẹn gặp người mua để giao nhận hóa đơn, chứng từ và tiền mua hóa đơn.

Hồ sơ thể hiện Nguyễn Văn Hào cầm đầu nhóm đường dây mua bán trái phép hóa đơn từ năm 2020. Anh trai của ông Hào là Nguyễn Văn Hồng trực tiếp mua lại 14 pháp nhân rồi biến chúng thành các công ty “ma”, mua bán trái phép 2.413 tờ hóa đơn với nội dung tiền hàng trước thuế là hơn 775 tỷ đồng.

Ông Hào thuê 3 người làm nhân viên, trả lương 8 triệu đồng/tháng để làm các việc khởi tạo hóa đơn điện tử, lập hóa đơn giấy, rút, chuyển tiền…

Ông Hào thừa nhận hưởng lợi từ hoạt động mua bán hóa đơn trái phép từ 2%-4%, tương đương 22 tỷ đồng. Trừ các chi phí như thuê địa điểm hoạt động, tiền điện nước, nộp thuế…, cơ quan điều tra xác định hai anh em ông Hào hưởng lợi 1 tỷ đồng/người.

Tương tự, đường dây của Nguyễn Văn Cường sử dụng pháp nhân gồm 5 công ty “ma” như Công ty TNHH Hồng Long, CTCP Xây lắp Thăng Long Hà Nội, Công ty TNHH Khải Hoàn, Coong ty Techcom, Công ty CNL Việt Nam để mua bán trái phép 660 tờ hóa đơn với sô tiền trước thuế là hơn 377 tỷ đồng.

Ông Cường thuê các bị cáo gồm Giang, Hải, Vui, Đại để giúp sức. Đường dây này thu về khoảng 11 tỷ đồng. Trừ các chi phí, ông Cường hưởng lợi 1 tỷ đồng.

Với nhóm môi giới, gồm Hoàng Văn Trường, Phạm Ngọc Sơn, Tô Sỹ Lực, Hoàng Thị Phượng, Các bị cáo này mua hóa đơn từ Trường và bán lại cho các cá nhân khác để hưởng phần chênh lệch khoảng 1%.

Cụ thể, Trường mua trái phép 31 tờ hóa đơn với giá trị hàng trước thuế là hơn 7,8 tỷ đồng, hưởng lợi 70 triệu đồng; Sơn mua 17 tờ hóa đơn giá trị hơn 22,6 tỷ đồng, hưởng lợi 20 triệu đồng; Lực mua 68 tờ hóa đơn giá trị hơn 29 tỷ đồng; Phượng mua 13 tờ hóa đơn hưởng lợi 50 triệu đồng.

Nguyễn Sơn