Giới chức Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án phân vùng hạn chế hoạt động, tiến tới dừng hoạt động xe máy tại 12 quận nội đô vào năm 2030.

cam xe may noi do ha noi
Giới chức Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án phân vùng hạn chế hoạt động, tiến tới dừng hoạt động xe máy tại 12 quận nội đô vào năm 2030. (Ảnh minh họa: The Escape of Malee/shutterstock)

UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị, trong đó nêu cụ thể mục tiêu giải pháp phát triển kinh tế đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đáng chú ý, trong 33 nhiệm vụ, chương trình ưu tiên thực hiện, có đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên các quận vào năm 2030”.

Việc cấm xe máy sẽ được áp dụng tại 12 quận nội thành gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.

Ngoài ra, đề án “thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” cũng được giao các đơn vị liên quan thực hiện trong giai đoạn 2025 – 2030.

Cấm xe máy, người dân đi lại, làm ăn bằng gì?

Giới chức Hà Nội trước đó đã nhiều lần đề cập đến việc cấm xe máy vào khu vực nội đô.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, nói trên báo Tuổi Trẻ, Hà Nội chưa đáp ứng được những điều kiện cần thiết để cấm xe máy đi vào nội đô.

Theo ông Thủy, hiện nay hạ tầng giao thông còn yếu kém, đường sá còn hẹp, đường 4 làn xe rộng 20-30m còn rất ít.

“Đường sá hẹp như vậy, ô tô sao có thể vào được, nhưng xe máy thì có thể vào được những đường hẹp, đường nhánh để làm ăn. Hà Nội cấm xe máy sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc đi lại của người dân”, ông Thủy nhận định.

“Thực tế hiện nay hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như đòi hỏi ngày càng cao của người dân thủ đô. Mỗi ngày TP có khoảng 14 triệu lượt đi lại, nhưng giao thông công cộng mới chỉ phục vụ trên dưới 10% nhu cầu.

Giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu, tức là phương tiện đi lại cho người dân chưa có, vậy nếu cấm xe máy, là phương tiện chiếm tới 70% lưu lượng, thì người dân đi lại, làm ăn bằng gì?”, ông Thủy nói.

Ông lo ngại trong trường hợp TP cấm xe máy, khả năng người dân sẽ đổ xô đi mua ô tô, lúc đó nguy cơ ùn tắc giao thông nội đô có thể tăng gấp 3 – 4 lần so với hiện nay.

TS. Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, nói trên báo Vietnamnet “khi cấm xe máy thì 100% người đi xe máy sẽ chuyển sang giao thông công cộng mà một bộ phận có khả năng chuyển sang đi ô tô cá nhân”.

“Nếu tỷ lệ này cao thì sẽ có nguy cơ dù cấm xe máy vẫn không giảm được ùn tắc. Bởi vì ô tô chiếm diện tích lớn hơn nhiều và không linh hoạt bằng xe máy”.

Ông Bình đặt vấn đề khi hạn chế xe máy thì hoạt động vận chuyển hàng hóa, đồ ăn bằng xe máy có bị cấm không?

“Cấm xe máy giao hàng sẽ gây tác hại lớn đối với các hoạt động kinh tế tiêu dùng. Nếu cho phép xe máy loại này chạy thì làm sao phát hiện được xe máy chở người nhưng giả làm xe giao hàng?”.

Do đó, hai chuyên gia đều cho rằng không nên đặt vấn đề cấm xe máy lúc này, phương án này không khả thi vì thời gian đến năm 2030 còn quá ngắn.

Hoàng Minh