Thống kê sơ bộ đến ngày 27/8, giới chức Hải Dương đã phát hiện 46.154 tấn than, khoáng sản không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc… tại 17 điểm kinh doanh than, khoáng sản tại thị xã Kinh Môn.

than lau kinh mon hai duong
Hải Dương phát hiện hơn 46.000 tấn than, khoáng sản lậu ở thị xã Kinh Môn. (Ảnh: dms.gov.vn)

Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) – Bộ Công an vừa kiểm tra 21 điểm kinh doanh than, khoáng sản của các cá nhân, doanh nghiệp nằm rải rác tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 19/8.

Lực lượng chức năng phát hiện có nhiều bãi than (có bãi rộng tới hàng chục ha) có dấu hiệu sai phạm, với hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ.

Mỗi bãi than nằm cách nhau từ 5-7km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thủy, đường đi lại khó khăn, nằm ở xa khu dân cư. Tại mỗi bãi than có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức, cá nhân quản lý…

Theo Cục Quản lý thị trường Hải Dương, tính đến sáng 27/8, kiểm tra sơ bộ 17 điểm, cơ quan chức năng cho biết tổng lượng than, khoáng sản là khoảng 379.072 tấn.

Trong đó, 6 tổ chức, cá nhân có số lượng than, khoáng sản thực tế tồn trữ tại điểm kinh doanh lớn hơn số lượng theo hóa đơn, chứng từ đầu vào hoặc quá trình kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ đầu vào với tổng khối lượng khoảng 46.154 tấn (dư).

“Số lượng than, khoáng sản này không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thương mại. Số lượng hàng hóa này đã được tạm giữ để xác minh, làm rõ”, Cục Quản lý thị trường cho biết.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường, có 11 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa thực tế tồn tại địa điểm kinh doanh bằng hoặc ít hơn số lượng theo hóa đơn chứng từ đầu vào cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho với tổng khối lượng 56.319 tấn (hụt).

Các cơ sở cho biết nguyên nhân dẫn đến việc hàng hóa thực tồn ít hơn so với số lượng theo hóa đơn… là do quá trình kinh doanh kéo dài dẫn đến hao hụt cơ-lý tự nhiên; sai số phép đo trong quá trình xuất-nhập hàng hóa; bùn than lắng đọng tại bể rửa, khu vực bãi chứa khó thực hiện phép đo; một số loại qua phân loại có giá trị thấp nên sử dụng để san mặt bằng…

3 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện xong việc đo, vẽ mặt bằng, xác định khối lượng hàng hóa tồn trữ tại địa điểm kinh doanh cũng như chưa thực hiện xong việc lấy mẫu hoặc cơ sở kiểm tra chưa xuất trình hết hóa đơn, chứng từ có liên quan.

Theo báo Giao Thông, tại khu vực sông Kinh Môn chảy qua địa phận thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành (Hải Dương) từ lâu đã trở thành khu vực tập kết than lậu cực lớn ở miền Bắc. Than lậu được khai thác tại Quảng Ninh rồi vận chuyển bằng đường thủy về tập kết tại đây, hợp thức hóa hồ sơ rồi mang đi tiêu thụ.

Tại cuộc họp liên quan đến tài nguyên khoáng sản vào hôm 27/8, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch thường trực tỉnh, cũng thừa nhận thời gian qua, các ngành, địa phương chưa thực sự phối hợp quản lý chặt chẽ, dẫn đến hoạt động tại các bến bãi chưa đảm bảo về môi trường, an ninh trật tự.

Trong một diễn biến khác, trước đó, ngày 25/8, Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 người về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Các bị can gồm:

  • Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước;
  • Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, anh em song sinh cùng trú tại phường Mạo Khê (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh);
  • Hà Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương;
  • Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương;
  • Ngô Đăng Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương;
  • Ngụy Quang Thuyên, nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước;
  • Doãn Thị Định, nhân viên kế toán Công ty Cổ phần Yên Phước;
  • Bùi Hữu Thương, quản lý bãi than tại Mỏ đá Núi Voi của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương;
  • Bùi Hữu Khoa, quản lý khai thác than của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Đỗ Thị Luyến, nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước;
  • Nguyễn Tuấn Anh, kinh doanh vận tải.

Theo cơ quan công an, bị can Châu Thị Mỹ Linh cùng Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến ở xã Minh Tiến và xã Na Mao (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Phạm Toàn

Xem thêm:

Nhiệt điện Quảng Ninh và Cẩm Phả thua lỗ trăm tỷ vì ‘mùa mưa’