Tại Bình Định, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum… mực nước và lưu lượng trên các sông suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Hàng nghìn ha cây trồng héo rũ vì thiếu nước.

r ca phe nguoi dan dak mil
Diện tích cà phê của người dân Đắk Mil (Đắk Nông) bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước tưới. (Ảnh: baodaknong.vn)

Tại Bình Định, theo Sở NN&PTNT tỉnh, hiện lượng nước của 164 hồ tại tỉnh này là 479/683 triệu m3, đạt trên 70% dung tích thiết kế, nguy cơ hạn hán xảy ra trong vụ sản xuất hè thu rất cao.

Đáng chú ý, có 22 hồ chứa đã cạn nước, tăng 6 hồ so với tuần trước, lượng nước tại các hồ chứa khác đang tiêu hao nhanh.

“Qua theo dõi trung bình mỗi tuần, lượng nước các hồ suy giảm từ 14 đến gần 20 triệu m3”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở này, nói.

Theo ông Phúc, trong điều kiện dự báo nắng hạn, vụ hè thu năm nay, tỉnh dự kiến ngừng sản xuất gần 2.000ha.

Ngoài ra, có khoảng 24.000 người dân tại tỉnh nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Tại Kon Tum, huyện Đắk Hà – “thủ phủ” cà phê với hơn 12.000 ha, tuyến kênh dẫn nước vào xã Hà Mòn cạn trơ đáy, bên cạnh là những rẫy cà phê vàng úa, cháy lá. Đặc biệt hồ chứa C3 dung tích 370.000 m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha cây trồng ở thôn Bình Minh chỉ còn đọng lại vũng nhỏ, phía đầu nguồn đất đai nứt nẻ, khô khốc.

Một người dân nói trên báo Lao Động, hồ chứa nước có dấu hiệu cạn nước gần 1 tháng nay, bây giờ múc lên chỉ toàn nước bùn, nước phèn. Phần lớn cây ở khu vực này đều đã vàng lá, còi cọc, không thể đạt được năng suất như các năm trước. Người dân có thể chịu làm việc dưới thời tiết nắng nóng, nhưng cây cối thì không thể chịu được.

Nhiều gia đình phải kéo những đường ống nước dài gần 2-3km để dẫn nước từ hồ chứa C3. Tuy nhiên, với những vườn cà phê ở trên đỉnh đồi thì rất khó để dẫn nước lên và phải chấp nhận nhìn những cây cà phê đang chết dần chết mòn vì thiếu nước.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, địa phương có 80 hồ chứa thủy lợi. Do vào cao điểm mùa khô, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, mực nước ở các hồ chứa, các công trình thủy lợi đang xuống thấp, đạt khoảng 60% công suất thiết kế.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cảnh báo, trong tháng 4, 5, TP. Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Đắk Glei có nguy cơ cao thiếu nước trên diện rộng. Sông Đắk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và TP. Kon Tum lưu lượng nước thấp hơn từ 40-65%, mực nước thấp hơn các năm 0,2-1,2 m.

Tại Đắk Nông, các huyện phía bắc như Đắk Mil, Cư Jut, Krông Nô đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Phần lớn các ao, hồ, sông, suối đã cạn, phải điều nước từ những nơi khác về để cứu cây trồng từ tháng 3.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Krông Nô, chỉ tính riêng hai xã Nam Xuân và Đắk Sôr hiện đang có khoảng 1.500ha cây trồng các loại thiếu nước tưới. Tại huyện Đắk Mil gần 8.000ha đối diện với nguy cơ chết khô vì thiếu nước.

Ông Doãn Gia Lộc, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Nô, cho biết mực nước 12 hồ đập thủy lợi tại huyện đã giảm sâu hơn khoảng 15% so với mọi năm.

ho chua dak nong can nuoc
Một hồ chứa nước tại Đắk Nông cạn trơ đáy. (Ảnh: boadaknong.vn)

Tại Gia Lai, tại vùng cà phê xã Ia Sao (huyện Ia Grai), hiện các hồ chứa thủy lợi đã cạn kiệt, người dân đang dựa hoàn toàn vào nguồn nước từ giếng khoan.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cho biết từ tháng 4 tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ sẽ gia tăng tại nhiều địa phương. Đặc biệt là các nơi không chủ động nguồn nước, xa công trình thủy lợi.

Lượng mưa và dòng chảy các sông suối thời điểm này cũng rất ít, thấp hơn trung bình nhiều năm. Nhiều hồ chứa thủy lợi lượng nước chỉ còn dưới 50% và nhiều đập dâng đã hết nước. Từ đầu năm tới nay, hơn 170ha lúa và hoa màu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước. Trong đó, các huyện thiệt hại nặng là Phú Thiện, Chư Păh, Kbang.

Tại Đắk Lắk, hiện nay mực nước trên các sông, suối phổ biến dao động theo xu thế giảm, lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10 – 30%, một số sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt. Dự báo đến cuối vụ, toàn tỉnh sẽ có khoảng 8.000ha cây trồng các loại thiếu nước tưới.

han han dak lak
Lúa của gia đình chị H Luin Bkrông (buôn Cuôr Tar, xã Yang Tao) bị còi cọc, vàng úa sau thời gian dài không có nước. (Ảnh: baodaklak.vn)

Tại Lâm Đồng, ông K’Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, huyện Di Linh, cho biết đây là đợt nắng hạn khắc nghiệt trong khoảng 10 năm trở lại đây. Gần như các hồ chứa, khe suối và ao hồ tự đào đều đang ở mực nước chết.

Tại xã Lộc Bắc và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) nắng nóng kéo dài khiến hạn hán xảy ra trên diện rộng, nhiều diện tích cà phê, chè, cây ăn quả của người dân khan nguồn nước tưới. Hầu hết những diện tích cây trồng bị khô héo đều nằm ở những khu vực không có nguồn nước tưới, hoặc nguồn nước tại các công trình thủy lợi đang cạn kiệt.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng El Nino, nền nhiệt khu vực mùa khô năm nay tăng cao hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời mùa khô sẽ kéo dài hơn do mùa mưa đến muộn, mưa trái mùa có diễn biến cực đoan như mưa đá, mưa kèm dông lốc, sét.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, cho biết từ nay tới cuối tháng 4 khu vực có khả năng sẽ hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Do đó, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn nhiều năm.

Theo ông Huấn, dự báo mùa mưa Tây Nguyên năm nay tại một số nơi sẽ đến trễ khoảng 15 – 20 ngày so với các năm. Ngay trong mùa mưa vẫn có khả năng thiếu nước do mưa gián đoạn trong thời kỳ các tháng đầu mùa mưa (tháng 6, tháng 7), do vậy khô hạn vẫn có thể xảy ra.

Minh Long