Chuyên gia dự báo xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL năm nay cao hơn trung bình nhiều năm, vì vậy các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

dong bang song cuu long xam nhap man tang cao tu ngay 7 13 3
Giới chức Hậu Giang kiểm tra và vận hành hệ thống cống để ứng phó xâm nhập mặn. (Ảnh: baohaugiang.com.vn)

Tại Bến Tre, ngày 5/3, ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh, cho biết hiện độ mặn trên các sông ở TP. Bến Tre đạt mức gần 5 phần nghìn. Từ 2 đến 7 ngày tới, độ mặn sẽ tăng dần.

Tại trạm Mỹ Hóa (phường 7, TP. Bến Tre) cách cửa sông 48 km độ mặn có thể ở mức cao nhất khoảng 10 phần nghìn, ảnh hưởng hơn 50.000 hộ dân.

Tại Tiền Giang, độ mặn trên hệ thống sông Tiền tại TP. Mỹ Tho đạt mức từ 2,2 đến 3,2 phần nghìn, cao hơn cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng tới hơn 51.000 hộ dân. Hiện nhà máy xử lý nước tại TP. Mỹ Tho tạm ngưng hoạt động. Đơn vị cấp nước phải dùng nguồn nước sạch từ các nhà máy phía thượng nguồn sông Tiền cung cấp cho người dân.

Tại Hậu Giang, nồng độ mặn xâm nhập từ triều biển Tây vào các tuyến kênh chính ở TP. Vị Thanh và huyện Long Mỹ đang tăng cao, có nơi nồng độ mặn đã tăng lên ở mức hơn 9 phần nghìn.

Chuyên gia dự báo 2 ngày tới, ĐBSCL sẽ bước vào một đợt xâm nhập cao khi vào kỳ triều cường con nước cuối tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong những đợt xâm nhập mặn gay gắt nhất trong mùa khô năm nay.

Các ngày từ 7 – 13/3, chiều sâu ranh mặn 4g/l ảnh hưởng đến lúa có thể vào sâu 50-60km tính từ cửa sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu, ranh mặn vào sâu khoảng 40-50km. Sông Cái Lớn khoảng 37-45km. Xâm nhập mặn năm nay cao hơn trung bình nhiều năm, vì vậy các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Minh Long