Hàng chục học viên, giáo viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa) đã đến Sở GTVT Đồng Nai kêu cứu.

hang chuc hoc vien va giao vien trung tam day nghe lai xe sai gon 3t keu cuu
Giáo viên, học viên mong muốn có hướng giải quyết việc tồn đọng hồ sơ học viên sau khi giám đốc bị bắt, trung tâm tạm dừng hoạt động. (Ảnh: Chụp màn hình/video.tuoitre.vn)

Ngày 30/6, hàng chục học viên, giáo viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T (trụ sở tại phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tập trung cùng xe ô tô tập lái và băng rôn.

Những người này mong muốn trung tâm này giải quyết công bằng cho giáo viên cũng như hàng trăm học viên đã đầu tư, đăng ký hồ sơ và đóng học phí để học lái xe tại trung tâm này.

Lực lượng Công an phường Tân Tiến có mặt thuyết phục giáo viên và học viên tại đây bình tĩnh, giữ trật tự, phối hợp với cơ quan ban ngành giải quyết.

Sau đó, nhóm người này kéo đến Sở GTVT tỉnh Đồng Nai.

Tại đây, đại diện giáo viên và học viên liên hệ gặp đại diện Sở GTVT, cầu cứu về việc hồ sơ tồn đọng tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T.

Đồng thời, các học viên cũng yêu cầu ông chủ tịch hội đồng thành viên của trung tâm đứng ra giải quyết hoạt động của trung tâm. Trong đó, có việc ký cho học viên được thi sát hạch và giải quyết lương, chế độ liên quan cho giáo viên…

Nói với Người Đưa Tin, anh Đỗ Ngọc Bình, học viên Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T cho biết anh nộp hồ sơ từ tháng 5/2022, đến nay đã hoàn thành lý thuyết, thực hành, chạy date thành công. Tuy nhiên, gần tới ngày thi tốt nghiệp thì giám đốc trung tâm bị bắt và trung tâm tạm dừng hoạt động.

Từ đó đến nay, anh Bình không nghe động thái gì từ trung tâm. “Tôi gọi điện miết nhưng không ai trả lời. Việc ai làm người đó chịu chứ bắt học viên chịu theo đâu có được”, anh nói và mong muốn trung tâm sớm giải quyết sớm nhất quyền lợi cho học viên.

Trong khi đó, anh Phạm Hoàng Hiệp, giáo viên tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T cho biết đã nhận khoảng 30 bộ hồ sơ đăng ký thi bằng lái của học viên.

Hồ sơ và chi phí sau đó anh đã nộp cho trung tâm đầy đủ nhưng đến nay chưa thể mở lớp. Do đó, anh Hiệp mong muốn nếu trung tâm nếu không khai giảng thì trả lại tiền cho giáo viên để họ trả tiền cho học viên.

Đối với hạng B1,b2 thời gian học kể từ ngày khai giảng đến ngày thi sát hạch kéo dài khoảng 4 tháng rưỡi đến 5 tháng. Đến thời điểm này hàng trăm học viên đã hoàn thành các môn học lý thuyết và thực hành gần 2 năm mà vẫn chưa được thi để được cấp bằng.

“Bây giờ rất áp lực, ngày nào học viên cũng gọi hỏi khi nào được thi hoặc đòi hoàn tiền. Bản thân tôi thất nghiệp 2 tháng nay nên cũng không có tiền trả cho học viên. Còn hỏi thì trung tâm nói công an đang điều tra, chưa cho học lại”, anh Hiệp nói.

Cùng tâm trạng trên, anh Nguyễn Văn Thọ, giáo viên và nhà đầu tư ở Trung tâm dạy nghề lái xe Sài gòn 3T, cho biết, “ăn không ngon, ngủ không yên” 2 tháng nay và sợ nghe điện thoại.

Theo anh Thọ, một số học viên đã hoàn thành khóa học, thi tốt nghiệp rồi nhưng chưa được thi sát hạch khiến họ rất nóng ruột.

Mặt khác, nhiều giáo viên vay mượn tiền, đầu tư hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mua xe đưa vào trung tâm. Tuy nhiên, sau khi giám đốc trung tâm là ông Hồ Đình Thái Hòa bị bắt vào tháng 4, trung tâm vẫn chưa hoạt động lại. Điều này khiến xe bị “giam” không thể hoạt động, giáo viên thất nghiệp. Cuộc sống của những nhà đầu tư này không chỉ chật vật mà còn lo sợ bị thu hồi xe.

Trước đó, ngày 28/4, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T và một số địa phương liên quan.

Đồng thời, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Hồ Đình Thái Hòa (Giám đốc trung tâm) để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác.

Khánh Vy