Nhiều trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học tại các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… bị bỏ hoang sau sáp nhập.

hang loat cong so tai nhieu tinh bi bo hoang sau sap nhap
Công trình nhà văn hóa tại mặt bằng quy hoạch khu dân cư phố Quảng Xá 3, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá được đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng bị bỏ hoang. (Ảnh: vtv.vn)

Tại Thanh Hóa, theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến ngày 12/10, tỉnh này còn tổng cộng 923 công sở bỏ hoang, nhà đất công dôi dư.

Trong đó, có 47 trụ sở làm việc, 43 trạm y tế, 13 trường học (bao gồm có 9 điểm lẻ), 820 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư, chưa được bố trí, sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng.

Có thể kể đến như công sở cũ phường An Hoạch ở trung tâm TP. Thanh Hóa đang xuống cấp vì bị bỏ hoang đã 4 năm, kể từ khi thực hiện việc sáp nhập phường An Hoạch và xã Đông Hưng (TP. Thanh Hóa), lấy tên phường An Hưng.

Cạnh công sở này là hội trường cũng để không, rêu mốc, cây dại đã bao phủ khắp nơi.

Khu hành chính xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương được đầu tư gần 10 tỷ đồng cũng bỏ hoang đã 4 năm qua

Trong khu hành chính này, công sở 2 tầng (trị giá 5,6 tỷ đồng) đã xây dựng hoàn thành hơn 90% khối lượng nhưng phải dừng lại sau khi sáp nhập

Hội trường của xã được đầu tư hơn 4 tỷ đồng, cũng mới tổ chức được vài cuộc họp rồi để không. Hiện, khu nhà này đang được cho thuê để làm sợi dệt.

Công sở xã Hà Toại (nay là xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung) được đầu tư xây dựng năm 2016 với một dãy nhà 2 tầng khang trang, nhiều phòng làm việc cũng bị bỏ hoang chỉ sau 3 năm hoạt động.

Công sở xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc cũ được đầu tư gần 5 tỷ đồng bỏ không từ năm 2019 sau khi xã này sáp nhập với xã Văn Lộc. Nhà văn hóa xã Thuần Lộc và Trạm y tế xã gần đó cũng rơi vào cảnh bỏ hoang tương tự.

Khu trung tâm hành chính xã Phúc Đường, huyện Như Thanh mới được đầu tư xây dựng chưa lâu cũng bỏ không nhiều năm qua, sau khi xã này sáp nhập vào xã Xuân Phúc.

Thời điểm đầu năm 2023, bên trong một số phòng tại công sở còn trở thành nơi nuôi nhốt lợn của người dân.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2019-2020, địa phương này tiến hành sáp nhập và giảm từ 262 xã xuống còn 216 xã. Từ đó có 46 trụ sở xã dôi dư, chưa có phương án sử dụng, nhiều trụ sở vừa được xây, sửa chữa với số tiền hàng tỷ đồng.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tây Trà nhập vào huyện Trà Bồng từ ngày 1/4/2020.

Sau sáp nhập, tất cả tài sản của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý, gồm hàng chục khu nhà công vụ, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 589 nghìn m2, tổng giá trị hơn 516 tỷ đồng; cùng với 12 ô tô, máy móc, trang thiết bị hơn 72 tỷ đồng.

Gần 4 năm sáp nhập các đơn vị hành chính của huyện Tây Trà (cũ) về huyện Trà Bồng, đến nay chỉ có một số trụ sở như: Huyện ủy Tây Trà (cũ), trụ sở của Mặt trận và các hội đoàn thể… được bàn giao cho một đơn vị sử dụng. Số còn lại chỉ chuyển giao trên “giấy tờ”, không sử dụng, quản lý nên đã xuống cấp trầm trọng.

Tại tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019-2021, địa phương này cũng đã tiến hành sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP. Hạ Long và 9 đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng trụ sở các đơn vị cấp xã sau sáp nhập dôi dư là 9. Trong đó, có một trụ sở mới được xây với kinh phí 2,1 tỷ đồng, 4 trụ sở mới cải tạo với tổng đầu tư 5,1 tỷ đồng.

Mới đây, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho biết hiện có nhiều trụ sở hành chính bỏ trống, lãng phí, trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc; đề nghị ông Phớc cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này và giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng trên.

Trả lời, ông Phớc cho biết tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành. Còn tài sản công của các cơ quan huyện, xã do UBND tỉnh quản lý.

“Đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý; trong đó, có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Về nguyên nhân gây ra lãng phí tài sản công, theo ông Phớc, khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều nơi khác nhau không có nhu cầu. Hơn nữa, khi muốn định giá để bán tài sản công cũng khó khi muốn tìm cơ quan định giá.

Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác, những trụ sở này cần phải được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất cùng một loạt các thủ tục khác; khi đó, mới chuyển sang đất sản xuất kinh doanh, hay bán cho hộ gia đình cá nhân để ở.

Giai đoạn 2019-2021, Việt Nam đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị (giảm 8 đơn vị).

Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định giai đoạn 2023-2025, dự kiến Việt Nam sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã. Con số này chưa kể các huyện, xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Minh Long