Từ nay đến năm 2030, TP.HCM có 80 phường phải sáp nhập thuộc các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận.

r chi tiet 80 phuong cua tp hcm thuoc dien phai sap nhap
Toàn cảnh TP.HCM nhìn từ trên cao. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Ngày 4/12, truyền thông Nhà nước dẫn tờ trình mà UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Nội vụ về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 cho hay TP.HCM có quận 6 và huyện Nhà Bè thuộc diện sáp nhập nhưng do yếu tố đặc thù nên không thực hiện. Tuy nhiên, có 129 xã, phường, thị trấn thuộc diện sáp nhập, 49 phường thuộc diện đặc thù nên không cần sáp nhập.

Về đơn vị hành chính cấp xã, có 80 phường thuộc 10 quận (gồm các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận) sẽ sáp nhập thành 38 phường.

Cụ thể, quận 3 nhập phường 9 và 10 thành phường 9; nhập phường 13 và 12 thành phường 12. Quận 4  nhập phường 6 và 9 thành phường 9; nhập phường 8 và phường 10 thành phường 8; nhập phường 14 và 15 thành phường 15.

Quận 5 nhập phường 2 và 3 thành phường 2; nhập phường 5 và 6 thành phường 5; nhập phường 7 và 8 thành phường 7; nhập phường 10 và 11 thành phường 11.

Quận 6 nhập phường 2, 6 và một phần phường 5 thành phường 2; nhập phường 1, 3 và 4 thành phường 1; nhập phường 9 và một phần phường 5 thành phường 9; nhập phường 11 và một phần phường 10 thành phường 11; nhập phường 14 và một phần phường 13 thành phường 14.

Quận 8 nhập phường 1, 2 và 3 thành phường mới tên Rạch Ông; nhập phường 8, 9 và 10 thành phường mới tên Hưng Phú; nhập phường 11, 12 và 13 thành phường mới tên Xóm Củi.

Quận 10 nhập phường 6 và 7 thành phường 6; nhập phường 5 và 8 thành phường 8; nhập phường 10 và 11 thành phường 10.

Quận 11 nhập phường 1 và 2 thành phường 1; nhập phường 4, 6 và 7 thành phường 7; nhập phường 8 và 12 thành phường 8; nhập phường 9 và 10 thành phường 10; nhập phường 11 và 13 thành phường 11.

Quận Bình Thạnh nhập phường 5 và một phần phường 6 thành phường 5; nhập phường 7 và một phần phường 6 thành phường 7; nhập phường 11 và một phần phường 13 thành phường 11; nhập phường 2 và 15 thành phường 15; nhập phường 19 và 21 thành phường 19; nhập phường 14 và 24 thành phường 24.

Quận Gò Vấp nhập phường 1, 4 và 7 thành phường 1; nhập phường 8 và 9 thành phường 8; nhập phường 14 và một phần phường 13 thành phường 14; nhập phường 15 và một phần phường 13 thành phường 15.

Quận Phú Nhuận nhập phường 3 và 4 thành phường 4; nhập phường 15 và 17 thành phường 15.

Theo UBND TP.HCM, việc sắp xếp này sẽ làm tinh gọn bộ máy, nhưng số lượng sắp xếp lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, đặc thù quận huyện, phường xã của TP.HCM có diện tích nhỏ nhưng dân đông, vượt nhiều so với quy chuẩn, nếu nhập hai đơn vị hoặc ba đơn vị thành đơn vị mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích theo quy định.

Không chỉ vậy, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính có diện tích và quy mô dân số lớn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức không tăng nên mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước sẽ không cao.

Việc sắp xếp trong giai đoạn Thành phố thực hiện Nghị quyết 98 và đang sắp xếp khu phố, ấp cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống chính trị cơ sở.

TP.HCM dự báo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc khó, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động đến người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc sắp xếp ngoài việc đúng theo quan điểm chỉ đạo còn phù hợp với thực tiễn của từng địa phương…

Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho TP.HCM vận dụng 7 yếu tố đặc thù để sắp xếp.

Để “không gây xáo trộn lớn” trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho thành phố vận dụng 7 yếu tố đặc thù.

Thứ nhất, ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, nhưng có địa giới đã hình thành ổn định và từ khi có Quyết định 300/QĐ-UB ngày 10/5/1976 của UBND Cách mạng TP.HCM về điều chỉnh thành phố còn 3 cấp đến nay, chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Thứ hai, ĐVHC nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ làm quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 – 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Thứ ba, ĐVHC đô thị cấp huyện, cấp xã có 2 yếu tố đặc thù sau đây thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định đối với ĐVHC đô thị tương ứng. Cụ thể: Có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận hoặc có di sản văn hóa vật thể được cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Được xác định hoặc trực thuộc ĐVHC được xác định là trung tâm du lịch quốc gia hoặc quốc tế trong nhiệm vụ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tư, ĐVHC cấp huyện trên địa bàn thành phố có hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định. Thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Thứ năm, ĐVHC quận có từ 10 ĐVHC phường trực thuộc trở lên thì chỉ thực hiện sắp xếp một số phường, để đảm bảo sau khi sắp xếp đơn vị hành chính quận phải có tối thiểu 10 phường trực thuộc.

Thứ sáu, trong giai đoạn 2023 – 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC cấp xã trực thuộc ĐVHC cấp huyện đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021.

Thứ bảy, không sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã liền kề mà sau khi sắp xếp thành đơn vị hành chính mới, khối lượng công việc của cán bộ, công chức tăng lên hơn 50% so với thời điểm trước khi sắp xếp ĐVHC.

 

Bảo Khánh