Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế gần 5-6 tỷ đồng, ông Nguyễn Danh Thắng, người đại diện hãng đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

chu tich hang phim truyen viet nam bi tam hoan xuat canh
Ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam), bị tạm hoãn xuất cảnh do công ty nợ thuế. (Ảnh: vov.vn)

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam). Ông Thắng cũng là đại diện theo pháp luật của đơn vị này.

Ông Thắng bị tạm hoãn xuất cảnh do Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế.

Báo Lao Động dẫn lời ông Thắng cho biết hãng phim hiện đang nợ thuế đất khoảng 5-6 tỷ đồng. “Tôi đang có chuyến công tác tại Điện Biên, khi trở về tôi sẽ giải quyết vụ việc”, ông Thắng nói.

Hãng phim truyện Việt Nam đặt tại số 4 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Cách đây gần 7 năm, kể từ tháng 6/2017, khi Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso) mua lại Hãng phim truyện Việt Nam với 32,5 tỷ đồng cho 65% cổ phần, những tranh cãi bất tận giữa doanh nghiệp và nghệ sĩ đã bùng nổ và kéo dài không hồi kết.

Ông Thắng từng cho biết “ngay khi tiếp nhận hãng, chúng tôi đã phải trả 23,2 tỷ đồng tiền thuế do hãng nợ nần, chuyển sang. Sau đó, năm 2018, chúng tôi xin thoái vốn, nhưng quy trình thoái vốn kéo dài do không tìm được nhà đầu tư mới. Chính vì điều này, chúng tôi không thể đầu tư cơ sở vật chất cho hãng phim, đồng thời chịu rất nhiều tổn thất”.

Hãng Phim truyện Việt Nam sau quá trình cổ phần hóa đã rơi vào hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay.

Năm 2023, nghệ sĩ hãng tiếp tục phản ứng, kêu khóc, tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy bi kịch ở hãng phim được giải quyết.

“Trong suốt những năm qua, chúng tôi vẫn đợi thoái vốn, nên mọi hoạt động đều diễn ra cầm chừng. Không doanh nghiệp nào dám đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị máy móc… khi đang đợi thoái vốn. Khi thời gian đợi thoái vốn càng kéo dài, doanh nghiệp càng thiệt hại.

Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị xin được tiếp tục đầu tư, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. Nếu trong trường hợp, nhà nước vẫn yêu cầu chúng tôi thoái vốn, cũng cần phải đưa nhà đầu tư mới đến để chúng tôi bàn giao.

Chúng tôi sẽ phải tính đến phương án vay tiền từ công ty mẹ để trả nợ thuế đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam”, ông Thắng nói, theo báo Lao Động.

Minh Long