Ngoài mục tiêu bảo vệ hơn 2,2 triệu ha rừng tự nhiên hiện có, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng diện tích rừng lên khoảng 2,72 triệu ha, phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. 

rung tay nguyen
Vạt rừng trắng, đồi trọc tại Đắk Lắk, năm 2013. (Ảnh tư liệu)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 297/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030”.

Mục tiêu của đề án là nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng; đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,5%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Hiện nhiệm vụ là bảo vệ 2.246.068 ha rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái luật, mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, chống người thi hành công vụ; phòng chống cháy rừng, giảm căn bản diện tích rừng bị thiệt hại…

Đồng thời, xử lý dứt điểm đối với 282.896 ha rừng và đất lâm nghiệm đang có chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm; sắp xếp đổi mới 55 công ty lâm nghiệp trên địa bàn…

Về khôi phục, phát triển rừng, đặt mục tiêu trồng 7.100 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 136.600 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh rừng bình quân 36.600 ha/năm; trồng cây phân tán 48,4 triệu cây.

Tổng vốn để thực hiện đề án là 28.554 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước là 7.800 tỷ đồng (chiếm 27%), vốn vay ODA 3.750 tỷ đồng (13%) và vốn ngoài ngân sách 17.000 tỷ đồng (60%).

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký – 18/3/2019. Đề án do Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức thực hiện.

Tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên Tây Nguyên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai, trừ các dự án liên quan quốc phòng an ninh quan trọng.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 31/12/2014, tổng diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên còn 2,253 triệu ha, giảm 273.000 ha so với năm 2010. Độ che phủ của rừng từ 54,6% (2010) giảm xuống còn 48,5% (2014); trữ lượng rừng giảm hơn 57 triệu m3; khu vực được đánh giá là “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%.

Sau gần 3 năm thực thi lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên, tính tới thời điểm phê duyệt đề án nói trên, rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên mất khoảng 6.932 ha; 282.896 ha rừng và đất lâm nghiệp đang trong tình trạng chồng lấn, bị tranh chấp, lấn chiếm…

Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016, Bộ NN-PTNT cho biết nguyên nhân giảm diện tích rừng ở Tây Nguyên do: chuyển mục đích sử dụng sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả khoảng 110.000 ha; chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác (thủy điện, giao thông, công trình công cộng…) khoảng 37.800 ha; phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp khoảng 122.900 ha;…

Về chủ quản lý, chủ rừng có diện tích giảm lớn nhất là doanh nghiệp nhà nước với 408.518 ha (tương ứng 20%); đơn vị vũ trang giảm 59.812 ha (15%); tổ chức khác giảm 617.993 ha (30%)…

Nguyễn Quân

Xem thêm: