Theo người dân phản ánh, hệ thống kênh thủy lợi ở xã Buôn Chóah (tỉnh Đắk Nông) xây mới tốn hàng trăm tỷ đồng nhưng lại thiết kế “cuối kênh cao hơn đầu kênh 50cm”, khiến nước chảy ngược làm hàng trăm ha đồng ruộng lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng.

hang tram ha dat chet khat khi he thong xa buon choah
Hàng trăm ha đồng ruộng của người dân đang có nguy cơ chết khát. (Ảnh: laodong.vn)

Báo chí nhà nước cho biết người dân tại xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bức xúc khi hàng trăm ha ruộng đồng của họ đang thiếu nước trầm trọng để cày ải, gieo sạ. Hàng trăm ha lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng.

Nguyên nhân được cho là do hệ thống kênh dẫn nước được đầu tư gần 200 tỷ đồng lại thiết kế theo kiểu “cuối kênh cao hơn đầu kênh tới 40 đến 50 cm” nên “nước chảy ngược”.

Bà Nguyễn Thị Duyến, ở thôn Ninh Giang có 3 ha lúa cho biết, những năm trước bà thấy hệ thống máy bơm, kênh mương cũ… hoạt động ngon lành, ruộng đồng chưa bao giờ thiếu nước.

“Bây giờ có kênh mương mới, máy bơm mới thế nhưng phía cuối kênh thì lại cao hơn phía nguồn nên nước không thể đẩy về được. Cuối kênh khô rang, đầu kênh thì nước tràn ra cả ngoài đường”, bà Duyến bức xúc nói.

Anh Phạm Huy Thuần (thôn Bình Giang) có trồng 10 ha lúa nhưng phần lớn ruộng nhà anh vẫn chưa đủ nước để xuống giống nên chắc chắn đã bị “trễ hẹn”. Mới đây, anh Thuần phải bỏ ra gần 20 triệu đồng mua máy bơm về tự bơm nước.

“Kênh dẫn nước này chỉ dẫn được một đoạn rồi đổ ngược lại trạm bơm vì dốc quá, nước không đẩy lên được. Chúng tôi làm lúa mấy chục năm nay, chưa bao giờ thấy người ta làm kênh dẫn nước mà cuối kênh lại cao hơn đầu kênh cả 40-50 phân. Đến cuối kênh dẫn nước này, nước chỉ khoảng 1-2cm, có chỗ còn chưa đủ thấm nền”, anh Thuần nói và cho biết năm ngoái đến thời điểm này, lúa đã lên xanh tốt.

Ông Phạm Văn Tác (68 tuổi) trước cảnh 3ha lúa sắp chết khát than phiền, việc xây dựng con kênh dẫn nước không những không mang lại lợi ích cho người dân mà còn bất hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất.

“Gần 30 năm làm ruộng, tôi chưa thấy con kênh nào đầu kênh thì nước ngập cả lên đường, cuối kênh thì không có nước. Nền kênh cao nên nước không đẩy về cuối kênh được khiến lần đầu tiên chúng tôi gặp cảnh dở khóc dở cười này”, ông Tác nói.

Trước bức xúc của dân, ông Phan Vận, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (chủ đầu tư) khẳng định công trình thi công đúng thiết kế.

Tương tự, đại diện công ty Cổ phần xây dựng Đắk Lắk (đơn vị thi công) cũng cho rằng công trình này được thi công đúng thiết kế. “Nguyên nhân do có 17 cửa xả nên mạnh ai nấy xả, thành ra cuối kênh không có nước”, người này nói.

Còn ông Trần Đăng Ánh, phó chủ tịch huyện Krông Nô cho biết có khoảng từ 30% đến 40% diện tích ruộng của người dân bị ảnh hưởng nhưng do Trạm Bơm số 1 và số 3 thuộc dự án “Nâng Cấp Các Công Trình Thủy Lợi Phòng, Chống Hạn Hán tỉnh Đắk Nông,” do Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư nên không thể xử lý.

“Huyện đã làm việc với các bên liên quan của tỉnh Đắk Nông để tháo gỡ, nhưng các đơn vị liên quan chưa thực sự quyết liệt nên các khó khăn vẫn vướng mắc. Huyện sẽ thống kê, rà soát lại, nếu khu vực nào không đảm bảo nước sẽ cảnh báo người dân để không gieo trồng”, ông Ánh nói.

Theo UBND huyện Krông Nô, vụ Đông xuân năm 2020-2021, huyện này dự kiến gieo trồng hơn 4.500 ha, trong đó diện tích lúa là gần 2.000 ha. Được xác định là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông nên xã Buôn Choah sẽ gieo trồng khoảng 600 ha lúa.

Văn Duy