Khai thác sò lông non được coi là hành vi điển hình về tận diệt nguồn lợi thủy sản khi sò lông non có trọng lượng từ 100-120 con/kg, trong khi sò lông trưởng thành có trọng lượng từ 15-20 con/kg.

khai thac so long non kieu tan diet tiep dien tai binh thuan 0
Dù bị cấm, sò lông vẫn bị khai thác ngay trong mùa sinh trưởng, số lượng thu gom con non của một công ty đã tới hàng chục tấn mỗi ngày. (Ảnh minh họa Cẩm Giang/Facebook)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (NN-PTNN) tỉnh Bình Thuận, cao điểm là từ giữa tháng 11 đến nay, nhiều tàu thuyền nghề lặn trong tỉnh đã đánh bắt sò lông non (kích cỡ từ 20-30 mm, trọng lượng từ 100 -120 con/kg) tập kết tại các khu vực bãi ngang, kè, cảng cá thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, TP. Phan Thiết với số lượng lớn. Loài nhuyễn thể này bị bắt non để bán cho thương lái làm thức ăn cho tôm hùm.

Tình trạng khai thác, tiêu thụ sò lông đang trong thời kỳ sinh trưởng được xác định là “hành vi điển hình về tận diệt nguồn lợi thủy sản”, theo Sở NN-PTNN tỉnh Bình Thuận. Hành vi này đem lại lợi ích trước mắt song gây thiệt hại lớn về kinh tế (giá bán sò lông non và sò lông trưởng thành chênh lệch hàng trăm lần), làm suy kiệt nguồn sò lông tại vùng biển tỉnh Bình Thuận.

Các doanh nghiệp thu mua sò lông non số lượng lớn để bán làm thức ăn cho người nuôi tôm hùm tại các tỉnh miền Trung (Khánh Hòa, Phú Yên). Chỉ tính riêng tại Khu chế biến Nam cảng cá Phan Thiết, số lượng sò lông non do Công ty TNHH Cát Vàng thu gom, vận chuyển đi tiêu thụ các nơi đã lên đến hàng chục tấn mỗi ngày.

Sở NN-PTNN tỉnh Bình Thuận cho rằng tình trạng khai thác và tiêu thụ sò lông non diễn ra công khai là do thay đổi về quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện hành so với các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây.

“Luật Thủy sản 2017, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Sở NN-PTNN  không có quy định về kích thước khai thác tối thiểu đối với loài sò lông, vì sò lông không thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Do vậy, lực lượng Kiểm ngư, Thanh tra Thủy sản và các cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xử lý, xử phạt hành vi khai thác, tiêu thụ, vận chuyển sò lông non” – theo Sở NN-PTNN tỉnh Bình Thuận.

Luật quy định sò lông chỉ được phép khai thác khi đạt kích thước từ 55 mm trở lên, cấm khai thác từ ngày 1/4 – 31/7 hằng năm, theo Thông tư 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản hướng dẫn Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản. Nội dung trên tiếp tục được duy trì tại Thông tư số 622008TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ NN-PTNN (Các thông tư trên được hợp nhất tại văn bản số 10/VBHN-BNNPTNT ngày 27/4/2015 của Bộ NN-PTNN).

Đến Thông tư số 192018TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN-PTNN (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), quy định về kích thước tối thiểu của các loài thủy sản tự nhiên được phép khai thác bị thay thế, bãi bỏ.

Tuy nhiên, từ hơn 10 năm trước, khi quy định về kích thước khai thác tối thiểu đối với loài sò lông có hiệu lực, tình trạng nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị khai thác quá mức, khai thác tận diệt đã xuất hiện tại Bình Thuận.

Theo báo Bình Thuân vào đầu năm 2012, loài nhuyễn thể bị khai thác tận diệt chủ yếu là điệp bay non (còn gọi là điệp Thái Lan), sò lông non (“Bảo vệ kịp thời nguồn lợi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ”, Báo Bình Thuận, 21/02/2012). Tại khu vực La Gi, nơi tập trung sò lông nhiều nhất, sò lông non bị các thuyền hành nghề lặn khai thác có kích thước chỉ từ 18 – 25 mm. Sản lượng khai thác trung bình từ 3-6 tấn/tàu/ngày. Theo thông tin từ các thương lái, sò lông non được vận chuyển ra Khánh Hòa dùng làm thức ăn cho tôm.

Thông tin cảnh báo tiếp tục được lặp lại trong mùa cấm khai thác sò lông năm sau (“Khai thác tận diệt nhuyễn thể hai mảnh vỏ: Vơi dần nguồn lợi hải đặc sản”, Báo Bình Thuận, 10/5/2013). Các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ trong mùa sinh sản vẫn bị ngư dân khai thác triệt để dù giá bán rất thấp. Theo Chi cục Thủy sản, năm 2012, sản lượng khai thác sò điệp là 8.711 tấn và sò lông là 1.786 tấn, lần lượt chiếm 55,8% và 11,4% trên tổng sản lượng khai thác hải đặc sản.

Tại vùng biển Thuận Quý, nơi sinh sống, phát triển của nhiều loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ (huyện Hàm Thuận Nam), trữ lượng sò lông được xác định là sụt giảm nghiêm trọng, từ 25.000 tấn vào trước năm 1997, đến năm 1997 còn dưới 1.000 tấn, tiếp tục sụt giảm cho đến nay.

Bình Thuận cấm tàu thuyền lặn bắt sò lông non cập cảng cá bốc dỡ, tiêu thụ

Theo động thái gần nhất từ chính quyền tỉnh Bình Thuận, tại văn bản số 4794 ngày 6/12/2023, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNN chỉ đạo kiểm ngư phối hợp biên phòng kiểm tra điều kiện hành nghề của tàu cá hoạt động nghề lặn, không cho phép xuất bến nếu không đảm bảo điều kiện hành nghề, xử lý nghiêm vi phạm.

Ngoài ra, kiểm ngư phải kiểm tra thường xuyên các khu vực bãi sò lông để ngăn chặn hành vi khai thác sò lông non, hủy diệt nguồn lợi thủy sản; Ban Quản lý các cảng cá tỉnh không cho phép tàu thuyền lặn bắt sò lông non cập các cảng cá bốc dỡ, tiêu thụ.

Sở NN-PTNN chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp nghiên cứu quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo điểm a khoản 5 Điều 13 Luật Thủy sản 20173 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ NN-PTNN để tham mưu UBND tỉnh quy định bổ sung vùng cấm khai thác có thời hạn đối với các bãi tập trung sò lông sinh sản, sinh trưởng (và các loài hải sản đặc thù như điệp quạt, dòm nâu, nghêu lụa), xin ý kiến Bộ NN-PTNN để ban hành ngay đầu năm 2024 nhằm bảo vệ nguồn lợi sò lông và các loài hải sản đặc thù giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Nguyễn Quân