Hàng loạt các thông tin cho thấy nhiều nơi ở Việt Nam (đặc biệt khu vực phía Bắc), người dân vì ham lợi trước mắt mà tận diệt giun đất, kích điện và giết chết rồi phơi khô bán cho thương lái Trung Quốc. Hậu quả của việc này chưa thể đo lường mức độ thiệt hại về kinh tế và môi trường, nhưng có thể nói ước tính rất lớn.

giun dat tan diet giun dat thuong lai trung quoc
Phần nhiều tai họa kích điện tận diệt giun đất là do người thiếu hiểu biết, vì lòng tham mà không để ý đến lợi ích chung. (Ảnh minh họa: thainguyen.gov.vn)

Trong vài tháng gần đây, vấn nạn kích điện tận diệt giun đất đã diễn ra tại nhiều tỉnh phía Bắc. Hơn nữa việc buôn bán mặt hàng này còn diễn ra quy mô lớn và cơ quan chức năng của Việt Nam chưa thể kiểm soát.

“Chưa bao giờ hoạt động kích điện bắt giun đất bán cho thương lái Trung Quốc lại diễn ra rầm rộ như thời gian gần đây. Cam đang có trái, nếu không trông coi cẩn thận để ‘giun tặc’ vào vườn kích điện thì vụ này nguy cơ thất thu cao” – một chủ vườn cam ở Cao Phong (Hoà Bình) nói vào sáng ngày 29/8, tờ Việt Nam Net phỏng vấn.

Đây cũng là nỗi lo của hầu hết các chủ vườn cây ăn quả tại Hoà Bình. Bởi nạn kích điện không chỉ giun bị tận diệt mà còn ảnh hưởng đến bộ rễ tơ của cây. Hậu quả trước mắt là cam vàng lá và chết, năng suất giảm và mất vốn.

Tại tỉnh Yên Bái, tình trạng sử dụng kích điện bắt giun đất và sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất diễn ra ở 6 huyện, thành phố. Toàn tỉnh này có trên 100 bộ kích điện để đánh bắt giun đất, có 19 cơ sở, hộ sơ chế và thu mua giun đất.

Hoạt động tương tự cũng diễn ra rầm rộ ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Giun sau khi được sơ chế và sấy khô bán cho thương lái nước ngoài với giá 600.000 đồng/kg.

Thương lái Trung Quốc là chủ đạo hay lòng tham trước mắt tạo ra bi kịch tận diệt loài vật hiền lành và có lợi ?

Giun đất còn sống bắt về được thương lái mua với giá từ 50.000-80.000 đồng/kg. Một đêm đi kích giun đất bán cho các lò sấy này có thể mang về một chút thu nhập tạm thời. Nhiều người bất chấp hậu quả vẫn đổ xô đi kích điện tận diệt loài vật này.

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, giun đất có lợi cho hầu hết các loại đất trồng cây ăn trái. Như vậy, nếu loài này bị tận diệt, việc trồng trọt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong các hội mua bán trên mạng, giun đất sấy khô có giá dao động từ 700.000-850.000 đồng/kg tuỳ loại, cũng có người bỏ sỉ với giá 900.000 đồng/kg. Lượng giao dịch thường ở mức vài chục cân cho đến vài tạ mỗi lần.

Theo các nhà khoa học, việc bắt giun bằng kích điện sẽ làm hủy diệt các vi sinh vật có lợi trong đất, phá vỡ sự đa dạng sinh học làm giảm chất lượng đất canh tác, giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, ảnh hưởng đến môi trường và vật nuôi. Giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng.

Nhiều tai họa đều do lòng tham trước mắt của một số người và sự quản lý lỏng lẻo của quản lý thị trường khiến một thời gian lại có những đợt sốt giá một mặt hàng nào đó ở Việt Nam.

Hậu quả là sau khi cơn sốt giá qua đi, có người đã bị lừa mắc nợ phá sản, có trường hợp tàn phá thiên nhiên nói trên. Cũng không ít trường hợp giải cứu nông sản chỉ vì thương lái muốn ép giá xuống tận đáy.

chieu tro thuong lai trung quoc
Thương lái Trung Quốc mua phân bò khô. (Ảnh chụp màn hình: Tienphong.vn)
thuong lai trung quoc
Thương lái Trung Quốc lùng mua rễ tiêu. (Ảnh chụp màn hình: Vietnamnet.vn)

Thương lái Trung Quốc thường đổ xô thu mua những thứ mà ở Việt Nam nghĩ rằng sẽ chẳng ai mua, như vậy người dân sẽ không thể lường trước giá trị tăng hay giảm của nó trong ngắn hạn.

Ví dụ như bài báo của Tiền Phong từng ghi nhận là phân trâu khô, hay lùng mua rễ cây tiêu của báo Việt Nam Net đưa hồi năm 2018. Tất cả đều có điểm chung chính là tấn công vào lòng tham của một số người, sau đó lan ra càng ngày càng lớn.

Đến khi cảm thấy người dân đã “say mồi” đà giá tăng, thương lái sẽ âm thầm bán và rút ra khỏi thị trường, để người ở lại chẳng biết bán mặt hàng đó cho ai.

Hạo Thiên