Tổ chức di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM Việt Nam) cho biết có khoảng 5,3 triệu người dân Việt Nam đã di cư và sinh sống tại nước ngoài vì nhiều lý do. 

lao dong viet nam tai dai loan
Lao động Việt Nam tại Đài Loan. (Ảnh: Lê Quân/Người Việt Nam Tại Đài Loan/Facebook)

Tối 9/12, Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM Việt Nam) phối hợp với Cục Dân số, Bộ Y tế và Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe người di cư tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế người di cư (18/12).

Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho biết, hiện nay, có khoảng 5,3 triệu người dân Việt Nam di cư và sinh sống tại nước ngoài (trên tổng số dân số hơn 100 triệu người). Theo bà Park, con số thực tế có thể còn cao hơn; người dân di cư vì nhiều lý do, nhưng họ đều có một mục đích là phấn đấu đến một tương lai tươi sáng hơn.

Theo Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam, để bảo đảm người di cư có thể tận dụng hết khả năng của họ, cần có nhiều hơn nữa các hoạt động đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế, lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cơ quan thực thi pháp luật để các bên cùng chung tay.

Trong khi đó, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài góp phần vào việc giải quyết sức ép về việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chuyển giao tri thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương và đất nước.

Bà Giang dẫn số liệu của Cục Lãnh sự cho hay Việt Nam hiện có hơn 650.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gần 200.000 du học sinh ở các nước, chưa kể các loại hình di cư khác.

Trên toàn thế giới, từ năm 2014-2022 có khoảng 50.000 người di cư thiệt mạng. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 405 triệu người di cư giữa các nước.

“Chính chúng ta cũng đã nghe những câu chuyện đau lòng về công dân ta phải bỏ mạng trên đường tìm về nước để thoát khỏi cạm bẫy “việc nhẹ lương cao” ở nước ngoài cũng như nguy cơ bị mua bán” – bà Giang nói.

Giải pháp bà Giang nêu ra là ngăn ngừa tình trạng di cư của các kênh không chính thức, hoạt động đưa người di cư trái phép, mua bán người, “để di cư thực sự là lựa chọn, chứ không phải là sự cần thiết”, theo lời bà Giang.

Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế Hoàng Thị Thơm lưu ý người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong tình huống y tế công cộng khẩn cấp hay những tác động từ biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo Báo cáo Di cư Thế giới năm 2022 do IOM cung cấp, ước tính hiện tại là có 281 triệu người di cư quốc tế trên toàn cầu (tương đương 3,6% dân số thế giới).

Công việc là lý do chính khiến mọi người di cư quốc tế và người lao động nhập cư chiếm phần lớn số người di cư quốc tế trên thế giới, hầu hết sống ở các nước có thu nhập cao. Sự dịch chuyển toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, với số lượng người di dời trong nước vào khoảng 55 triệu và số người tị nạn là hơn 26 triệu.

Châu Á có mức tăng trưởng đáng chú ý nhất về người di cư quốc tế, với khoảng 37 triệu người trong vòng 20 năm, từ ​​năm 2000 đến năm 2020. Cùng thời gian trên, Châu Âu có mức tăng trưởng lớn thứ 2 với mức tăng 30 triệu người di cư quốc tế; tiếp theo là mức tăng 18 triệu người di cư quốc tế ở Bắc Mỹ và 10 triệu người ở Châu Phi.

Mỹ là điểm đến chính của người di cư quốc tế kể từ năm 1970, với số lượng người sinh ra tại nước ngoài cư trú tại đây tăng từ 12 triệu (năm 1970) lên gần 51 triệu (năm 2019) – gấp gần 4 lần. Đứng thứ hai là Đức với mức tăng trưởng từ 8,9 triệu người (năm 2020) lên gần 16 triệu người (năm 2020).

Vẫn theo IOM, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia/vùng lãnh thổ nhận kiều hối quốc tế nhiều nhất theo tổng tỷ USD (trái) trong năm 2019 – 2020.

kieu hoi viet nam 2019 2020
20 quốc gia/vùng lãnh thổ nhận kiều hối quốc tế nhiều nhất theo tổng tỷ lệ USD (trái) và tỷ lệ trong GDP (phải), 2019–2020. (Nguồn: IOM)

Nguyễn Quân