“Mỗi năm lực lượng lao động này đem lại cho đất nước khoảng 3,5-4 tỷ USD”, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) nói. Mỗi năm Việt Nam đưa trung bình 120.000-143.000 người đi lao động ở nước ngoài.

xuat khau lao dong nhat ban
Một lao động xuất khẩu tại Nhật Bản cho hay ngày phải làm 10-12 tiếng mới đủ tiền gửi về trả nợ, chăm lo cho gia đình. (Ảnh chụp màn hình/Đức Thư Vlogs/Tiktok)

Tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 sáng 8/11, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động.

Ghi nhận câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 120.000-143.000 người lao động sang nước ngoài làm việc. Năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, đang có 112.000 người Việt Nam đi xuất khẩu lao động. Người Việt lao động đông nhất tại Nhật Bản, 55.000 người, tiếp theo là Đài Loan với 30.000 người.

“Mỗi năm lực lượng lao động này đem lại cho đất nước khoảng 3,5 – 4 tỷ USD”, ông Dung nói.

Bộ LĐTB&XH đưa ra giải pháp được để lực lượng này tiếp tục phát triển như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm…

Với giải pháp kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, ông Dung dẫn ví dụ trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản phù hợp hoặc lao động ở doanh nghiệp trong nước có thể sang doanh nghiệp nước ngoài làm việc…

Ngoài ra, có quy định bổ sung hình thức lao động ngắn hạn, thời vụ, theo mùa để tận dụng năng lực, sở trường của người lao động…

Một giải pháp khác được tính đến là cho người đi làm việc ở nước ngoài khi trở về được vay vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Việc này được cho là giúp thu hút lượng lao động có kỹ năng sau khi về nước.

Theo thông tin từ ông Dung, mỗi năm có khoảng 1,6-1,7 triệu lao động trong nước có việc làm và 130.000-140.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Con số lao động xuất khẩu mỗi năm tương ứng với khoảng 10% lực lượng lao động.

“Quy mô 500.000-650.000 người thường xuyên lao động và làm việc ở nước ngoài như hiện tại là vừa phải”, ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng, điều tiết thị trường lao động cũng căn cứ vào cung-cầu, nếu nhu cầu lao động trong nước tăng, Bộ này sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ lao động đi nước ngoài và khi nhu cầu trong nước giảm sẽ tăng lực lượng đi nước ngoài.

Tháng 6 vừa qua, trả lời chất vấn của đoàn Đại biểu tỉnh Quảng Bình qua văn bản, Bộ LĐTB&XH cho hay hiện Việt Nam có hơn 712.600 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có hơn 46.600 người vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp tại các nước. Số lao động bỏ trốn chiếm 6% tổng số lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

Về tỷ lệ, lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều nhất tại Hàn Quốc, hơn 12.200 người, chiếm tới 26% tổng số lao động được đưa sang làm việc.

Về số lượng thì Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu với hơn 24.000 lao động Việt Nam bỏ trốn (chếm 9% trong tổng số hơn 256.500 người đang làm việc tại đây).

Với thị trường top 1 Nhật Bản cũng có gần 4.700 người lao động Việt Nam bỏ trốn. Con số này tại các nước tại Trung Đông – châu Phi là hơn 1.300 người, tại các nước châu Âu là gần 600 người.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định mục đích của lao động bỏ trốn là để ở lại nước ngoài làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn khi làm theo hợp đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2023, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước, nên bỏ trốn tiếp tục ở lại làm việc, nhiều nhất tại Đài Loan, Nhật Bản.

Nguyễn Sơn