Trong vụ ngộ độc nghi do ăn bánh mì Phượng (TP. Hội An), nhiều mẫu thực phẩm được xác định nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc, gồm thịt xíu, xíu mại, chả heo, hành, dưa leo, rau răm, xà lách. 

ngo doc do an banh mi phuong ca thit va rau trong nhan banh nhiem khuan
Nhân viên Chi cục ATVSTP lấy mẫu thực phẩm tại cơ sở Bánh mì Phượng để gửi đi xét nghiệm. Bà Trương Thị Phượng – chủ cơ sở đứng ngoài cùng, bên phải trong hình. (Ảnh: PV Khoa TTGDSK/soyte.quangnam.gov.vn)

Chiều 21/9, ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết Viện Pasteur Nha Trang đã có kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm và 1 mẫu phân liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sau khi ăn bánh mì Phượng (TP. Hội An).

Số mẫu trên do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Nam lấy, gửi Viện Pasteur Nha Trang đề nghị hỗ trợ kiểm nghiệm.

Viện Pasteur Nha Trang tìm thấy hai loại vi khuẩn trong các mẫu xét nghiệm, gồm vi khuẩn Salmonella spp và vi khuẩn Bacillus cereus.

Vi khuẩn Salmonella spp được tìm thấy trong thịt heo xíu (1 mẫu lấy vào sáng 11/9 và 1 mẫu chế biến xong lúc 19h ngày 12/9, lấy mẫu lúc 10h ngày 13/9), rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo (mẫu lấy vào sáng 12/9), xíu mại (chế biến xong lúc 19h ngày 12/9, lấy mẫu lúc 10h ngày 13/9).

Vi khuẩn Bacillus cereus được phát hiện trong các mẫu thực phẩm. Trong đó, mẫu chả heo (lấy mẫu sáng 11/9) có chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL; xà lách, rau răm, hành, dưa leo và xíu mại (lấy mẫu cơ sở lưu vào sáng 12/9) có chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE.

Ngoài ra, mẫu phân của một phụ nữ 71 tuổi (người nước ngoài) dương tính với Salmonella group D.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết ngành y tế ghi nhận tổng cộng 150 người ngộ độc phải nhập viện cấp cứu trong vụ ngộ độc này, điều trị tại các cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Đến sáng 21/9, tức đến ngày thứ 10 kể từ những ca đầu tiên được phát hiện, tất cả bệnh nhân đã xuất viện.

Salmonella spp và Bacillus cereus là 2 trong 3 loại vi khuẩn được tìm thấy trong mẫu cánh gà chiên trong vụ ngộ độc xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang (phường Xương Huân, thành phố Nha Trang) vào tháng 11/2022. Sau bữa ăn, 662/880 học sinh bị ngộ độc, trong đó có 388 ca phải điều trị nội trú.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM hồi tháng 11/2022, vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn Bacillus cereus là hai trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu.

Vi khuẩn Salmonella sp thường phát triển trong thực phẩm sống (hoặc chưa nấu chín kỹ) hoặc thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, Salmonella có thể bị lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác bằng tay hoặc dao, thớt, đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác.

Phân động vật, phân người cũng có thể là nguồn gây lây nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất. Do có mặt khắp nơi trong môi trường, Bacillus cereus dễ nhiễm sang nhiều loại thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến, được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt, ngũ cốc, rau, sữa, bánh pudding, súp…

Ngộ độc do vi khuẩn Bacillus cereus thường xảy ra khi thực phẩm nấu và bảo quản không đúng cách, để lâu trong điều kiện nhiệt độ vi khuẩn dễ sinh sôi, sản sinh độc tố (Bacillus cereus phát triển tốt nhất trong khoảng từ 4-48 độ C, sinh sôi nhiều trong khoảng 28-35 độ C).

Nguyễn Sơn