Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra đề xuất và cho biết đa số bộ, ngành và địa phương đồng tình với phương án chỉ cho người lao động rút BHXH một lần tối đa 50% số tiền đã đóng, bảo lưu 50% còn lại để tái tham gia bảo hiểm.

lao cong
Thiếu các gói vay ưu đãi khiến người lao động mất việc dù biết rõ về lâu dài sẽ thiệt thòi nhưng vẫn phải rút BHXH một lần để giải quyết cái ăn, cái mặc trước mắt. (Ảnh minh họa: Kamipo Studio/Shutterstock)

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trong đó ghi nhận nhiều góp ý về đề xuất chỉ cho người lao động rút 50% BHXH một lần.

Dự thảo đưa ra 2 phương án, đề xuất Chính phủ báo cáo xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phương án 1, người lao động được nhận BHXH một lần sau 12 tháng không tham gia BHXH và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm.

Phương án trên giữ nguyên như hiện hành, do vậy không gặp phản ứng của người lao động. Tuy nhiên, khi muốn đóng BHXH lại, người lao động phải tích lũy từ đầu, dẫn đến thiệt thòi trong thụ hưởng các chế độ do thời gian đóng ngắn.

Phương án 2, người lao động được nhận BHXH một lần sau 12 tháng không tham gia BHXH và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, mức hưởng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu, khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH sẽ cộng nối để hưởng các chế độ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, với phương án này, dù số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng sau khi người lao động hưởng BHXH một lần thì không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do còn phần bảo lưu. Người lao động tái tham gia BHXH được cộng nối thời gian đóng, có động lực hơn để tiếp tục tham gia tới khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, Bộ này nhận định phương án này khiến người lao động có cảm giác bị giảm quyền lợi.

Về xu hướng lựa chọn, Bộ LĐ-TB&XH cho hay qua khảo sát thực tế tại các địa phương, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp và khảo sát của một số báo điện tử về hai phương án hưởng BHXH một lần của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đa số người dân muốn giữ nguyên quy định hiện hành, một số ít lựa chọn phương án 2.

Trong khi đó, qua góp ý bằng văn bản, đa số các bộ, ngành, địa phương lựa chọn phương án 2, một số ít lựa chọn giữ nguyên.

Để người lao động không rút ‘non’ bảo hiểm, dự luật đưa ra đề xuất giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm. Trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, người lao động có thêm lựa chọn là hưởng trợ cấp hằng tháng, hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Dự luật còn đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ chính sách trợ cấp hưu trí xã hội, trợ cấp chế độ thai sản 2 triệu đồng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, trợ cấp BHYT đối với người hưởng trợ cấp hằng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội…

Sáng 6/6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay trước năm 2019, số rút BHXH một lần bình quân một năm là 500.000 và năm 2022 là trên 900.000.

“Số người rút bảo hiểm xã hội một lần gần bằng số tham gia vào hệ thống. Đây là nguy cơ”, ông Dung nói, cho hay nếu không hạn chế, giảm bớt rút BHXH một lần, thì tương lai, nhiều người già không có chế độ an sinh, hệ thống chính sách an sinh khó đảm đương bền vững.

Mặc dù vậy, ông Dung thừa nhận: “…nếu tiếp tục quy định đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu thì chắc người lao động không chờ đợi được đâu”.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2022, 997.470 người rút BHXH một lần, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021. Trong giai đoạn 2016 – 2022, khoảng 4,84 triệu người rút BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người, chỉ chiếm 27,7% số người đã rút.

Trong báo cáo về các nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH cho biết quy mô Quỹ bảo hiểm xã hội tăng nhanh qua các năm, dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô các quỹ đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 175 lần quy mô đầu tư năm 1998, gấp 2,1 lần quy mô các quỹ năm 2016 (năm đầu thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

Tuy nhiên, tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư còn hạn chế và có xu hướng giảm dần, do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, và lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh, từ mức trung bình khoảng 8-9%/năm còn khoảng 2,8-2,5%/năm vào năm 2021.

Về lý do dẫn đến quỹ có tốc độ sinh lời chậm, có xu hướng giảm, theo Bộ này là do Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không quy định phải có chiến lược đầu tư dài hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn quỹ đi đôi với sinh lời.

Ngoài ra, danh mục đầu tư chủ yếu là đầu tư trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay và gửi tiền tại các ngân hàng thương mại; chưa quy định hình thức ủy thác đầu tư.

Đồng thời, luật chưa có quy định cụ thể về quản trị rủi ro đối với cơ quan bảo hiểm và quản lý rủi ro trong quá trình đầu tư đối với các sản phẩm đầu tư để phòng ngừa rủi ro.

Nguyễn Quân