Công chăm sóc bảo vệ rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) được Nhà nước trả khoán 400.000 đồng/ha/năm, theo Nghị định 75/2015 của Chính phủ. Mức chi trả này bị phản ánh là rất thấp. 

tien cong bao ve rung
Một khoảnh rừng được giao khoán cho dân chăm sóc, bảo vệ. (Ảnh: bdt.binhdinh.gov.vn)

Cổng thông tin điện tử Quốc hội ngày 7/10 đăng thông tin về cuộc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch trước khi diễn ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV của Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định – bà Lý Tiết Hạnh tại xã An Vinh, huyện An Lão, tỉnh Bình Định vào chiều 6/10.

Theo tin công bố, nhiều cử tri xã An Vinh kiến nghị tăng mức chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã; đề nghị Nhà nước nâng mức hỗ trợ cho hộ được khoán bảo vệ rừng lên 1 triệu đồng/ha/năm, vì mức 400.000 đồng/ha/năm hiện nay “rất thấp”.

Cử tri cũng đề nghị Nhà nước, tỉnh điều chỉnh mục đích sử dụng rừng đối với số diện tích rừng giáp ranh tại thôn 3 xã An Vinh để giúp cho bà con có đất sản xuất. Theo người dân, đất xã An Vinh hầu hết là rừng phòng hộ, gây khó khăn cho người dân khi muốn phát triển kinh tế…

Trước ý kiến nâng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng lên 1 triệu đồng/ha/năm, bà Lý Tiết Hạnh cho hay Bộ NN&PTNT đã xây dựng Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp và trình Chính phủ xem xét, giải quyết.

Bà Hạnh không nêu cụ thể mức chi trả bảo vệ rừng sau điều chỉnh mà nói rằng dự thảo nghị định đã quy định đầy đủ các chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng nói chung và chính sách cụ thể theo loại rừng, đối tượng, đảm bảo hài hòa khả năng cân đối ngân sách nhà nước và yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, cử tri xã An Vinh còn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thống nhất sử dụng 1 bộ sách giáo khoa đưa vào giảng dạy tại vùng đồng dân tộc thiểu số, không nên giảng dạy ngoại ngữ đối với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học; có chính sách tuyển dụng, sắp xếp việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng….

Đây không phải lần đầu tiên mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng chi trả cho người dân bị phản ánh là rất thấp. Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của đại biểu Quốc hội vào ngày 1/6, Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ 300.000 đồng – 400.000 đồng/ha/năm lên tối thiểu 1 triệu đồng/ha/năm,; nâng mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định cho Ban quản lý rừng đặc dụng từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/ha/năm….

Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Hạn mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ tối đa 30 ha một hộ gia đình. Nghị định trên có hiệu lực từ tháng 11/2015.

Năm 2019, báo Người Lao Động từng phản ánh người dân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh… chỉ nhận được mức hỗ trợ cao nhất là 263.000 đồng/ha/năm khi chăm sóc bảo vệ rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ) kể từ khi Nghị định trên ra đời. Thậm chí có năm người dân chỉ nhận được 151.000 đồng/ha.

Ông Hà Văn Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, nói “không “ăn chặn” hay giấu đi đâu cả”, mà “trung ương hỗ trợ bao nhiêu thì tỉnh chi bấy nhiêu”. Vẫn theo ông Toản, trong quá trình phân bổ tiền chi trả, tỉnh chỉ thông báo số tiền được hưởng theo từng năm, còn số tiền thiếu sẽ cấp bù hay xử lý thế nào cũng không thấy được nhắc tới.

Nguyễn Quân