Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi Corp. ngày 25/2 đã công bố quyết định rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu, theo hãng tin Nikkei Asia.

nhiet dien vinh tan 1
Bình Thuận có nhiều dự án nhiệt điện. (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 là dự án điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Nhà máy gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.980 MW, sản lượng điện bình quân hơn 12 tỷ kWh/năm.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 dự kiến đi vào hoạt động năm 2024.

Cơ cấu cổ phần Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 có 29% là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn lại là cổ phần OneEnergy – liên doanh của Mitsubishi và Tập đoàn CLP của Hồng Kông. Hiện các công ty Trung Quốc đang xử lý việc thu mua vật liệu, xây dựng và giao thiết bị.

Trong số các ngân hàng đứng sau Vĩnh Tân 3 có Ngân hàng Công thương Trung Quốc, còn Standard Chartered và HSBC đã rút vốn.

Tuy nhiên, hãng tin Nikkei Asia cho biết Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi Corp. hôm 25/2 đã công bố quyết định rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3.

“Đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than và tập đoàn này cũng sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy mới về nguồn nhiên liệu này sau dự án Vũng Áng 2”, hãng tin cho hay.

Thay vào đó, tập đoàn này có kế hoạch góp phần phát triển các dự án điện ít gây hại cho môi trường, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương Việt Nam) cũng đã xác nhận có thông tin trên và cho biết “sau khi Mitsubishi rút, Cục đã có đề xuất đơn vị khác thay thế, chúng tôi đang lấy ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này”.

Tờ Thanh Niên hôm 26/2 dẫn lời ông Phan Xuân Dương, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng Vĩnh Tân 3, khẳng định dù đối tác nước ngoài rút nhưng dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 vẫn triển khai bình thường.

“Tất cả hợp đồng BOT của dự án đã được ký tắt (ký giao ước, thỏa thuận) từ cuối tháng 12/2020. Bây giờ chỉ chờ chính phủ Việt Nam thống nhất việc cho chuyển đổi nhà đầu tư của dự án là triển khai khởi công ngay thôi”, ông Dương nói và cho biết “chủ đầu tư mới của dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 là Công ty lưới điện Phương Nam (Trung Quốc), cũng là chủ đầu tư của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1”.

Nhiệt điện than: Cứ 9 người tử vong thì 8 người do giới hạn phát thải của Việt Nam

Từ vài năm nay, dư luận bức xúc trước hàng triệu tấn tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện ở Bình Thuận, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Hồi tháng 11/2020, theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam có 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm từ 80% đến 85%. Trong đó:

  • 13 nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát thải ra 8,57 triệu tấn lượng tro xỉ, chiếm 64% tổng lượng phát thải.
  • 6 nhà máy thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) có lượng tro, xỉ phát thải là 2,05 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải.
  • 1 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 0,784 triệu tấn chiếm khoảng 6% tổng lượng tro xỉ phát thải.
  • 5 nhà máy của các chủ đầu tư BOT và các chủ đầu tư khác phát thải khoảng 2 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải.

Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho thấy, tính đến tháng 6/2020, tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng khoảng trên 10,9 triệu tấn.

Đáng chú ý, lượng tro xỉ phát thải trên 10,9 triệu tấn nhưng lượng tro xỉ đã được xử lý, tiêu thụ chỉ đạt con số rất khiêm tốn, hơn 1,049 triệu tấn, chiếm 9,62%.

Tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện than vẫn còn khoảng 47,65 triệu tấn.

Mới đây, báo chí nhà nước cho biết EVN lại được đầu tư dự án nhiệt điện Quảng Trạch II (tại kinh tế Hòn La, Quảng Bình) có công suất 1.200 MW với tổng mức đầu tư sơ bộ là 48.156 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 9.634 tỷ đồng, chiếm 20%, vốn vay là hơn 38.525 tỷ đồng.

Nhà máy dự kiến vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2028, tổ máy số 2 tiếp tục vận hành vào một năm sau.

Quý Bình

‘Kiến nghị các tỉnh phía Nam không được phản đối nhiệt điện than’