Dành 12 phút trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn Quốc hội chiều 10/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận những bất cập trong công tác phòng chống dịch được các đại biểu Quốc hội chỉ ra, đồng thời công bố kế hoạch sẽ tiến hành để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 khi số ca nhiễm vẫn tăng, vắc-xin có tác dụng bảo vệ cũng chỉ khoảng 80%.

pttg dam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vào giải pháp tiêm phủ vắc-xin COVID-19, xác nhận dù tiêm đủ vẫn có khả năng lây nhiễm nên nhấn mạnh phải đeo khẩu trang, thực hiện 5K. (Ảnh: VGP)

Với những bất cập về quản lý, điều  hành trong đợt dịch bùng phát, ông Đam cho rằng tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu “đều rất đúng”, từ những vấn đề mới xuất hiện trong đợt dịch như hệ thống y tế quá tải đến những tồn tại từ trước nay bộc lộ, không chỉ trong ngành y tế mà cả trong công tác quản lý, điều hành xã hội nói chung.

Ông Đam nói sẽ nghiêm túc tiếp thu, từng bước khắc phục chắc chắn nhưng phải rất khẩn trương, “không thể để đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa rồi”.

Theo ông Đam, không chỉ lực lượng y tế, công an, quân đội, mà lực lượng cán bộ chính quyền, ở TP.HCM, các tỉnh có dịch “đã vô cùng vất vả, đều bị quá tải”. Có những phường ở Bình Dương có hơn 18.000 người nhiễm. Những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, dù số ca nhiễm ít nhưng cũng “căng hơn dây đàn” vì thiếu vắc-xin , hệ thống y tế rất yếu trong khi mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn người về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

“Chúng ta không phải xã hội lý tưởng, quản lý như máy tính, hàng đêm chúng tôi vẫn phải giải quyết hàng trăm bà con đi từ TP.HCM, Bình Dương về các tỉnh. Giải quyết thông thoáng cho đi cũng không được vì hôm sau bà con về nhiều hơn, mà giữ bà con lại, người già, trẻ con, có khi là mưa gió, day dứt lắm… không có ai yên lòng được đâu. Giờ chúng ta phải giữ vững được thành quả này”, ông Đam nói.

Theo đó, ông Đam nhấn mạnh 4 vấn đề cần tập trung làm để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, trong đó đặc biệt nêu cần phải tiêm vắc-xin COVID-19 thật nhanh tranh thủ thời cơ, vươn lên trong nhóm rất ít các nước có độ phủ vắc-xin lớn nhất trên thế giới.

Thứ nhất, ông Đam cho rằng “phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19”. Theo ông Đam, cần tiêm khi có vắc xin về, chấp nhận còn lây lan, song tốc độ lây chậm đi và tỷ lệ nhiễm nặng sẽ thấp hơn – Bộ Y tế vẫn đang đánh giá vấn đề này, nhưng “cho phép chúng ta bình tĩnh hơn sau khi tiêm xong vắc-xin”.

Trước Quốc hội, ông Đam khẳng định “hiện nay Việt Nam đã có đủ vắc-xin”. Theo báo cáo của Bộ Y tế, để tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cho người từ 18 tuổi thì các tỉnh miền Bắc còn thiếu 23 triệu liều; trong tuần thứ 4 của tháng 11 sẽ phân bổ đủ. Các tỉnh miền Trung cần thêm 5 triệu liều, sẽ được phân bổ đủ trong tuần thứ 3 của tháng 11. Các tỉnh miền Nam cần thêm 4 triệu liều, khu vực Tây Nguyên cần thêm 2,5 triệu liều, sẽ phân bổ toàn bộ trong tuần này.

“Tức là bây giờ chúng ta chỉ tiêm, tiêm và tiêm, tiêm cho an toàn. Trước đây phải đắn đo đối tượng nào, giờ là tiêm gọn từng nơi từng cụm theo hình thức cuốn chiếu”, ông Đam nói.

Thứ hai, Phó Thủ tướng khẳng định dù đã tiêm đủ vắc-xin vẫn lây nhiễm, nên phải đeo khẩu trang, thực hiện 5K. “Nhất thiết phải nhớ bình thường mới không thể là bình thường, tức là phải đeo khẩu trang, thực hiện 5K”, ông Đam nói.

“Ngay cả khi tiêm hết 100% người từ 12 tuổi thì mới chỉ chiếm 80% dân số, với hiệu lực bảo vệ của vắc-xin đạt khoảng 80% thì mới có khoảng 64% dân số được bảo vệ. Như vậy vẫn còn hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm”, ông Đam dẫn phân tích. “Nếu mỗi người không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, 5K trong sinh hoạt, trong sản xuất thì dịch sẽ tiếp tục lây nhiễm cho nhiều người, dẫn đến quá tải hệ thống y tế”.

Thứ ba, khi đã tiêm vắc-xin thì phải giám sát y tế thật nghiêm ngặt, nhất là nhóm người có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi…

Ông Đam thông báo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Chính phủ đã bàn về nguyên tắc, yêu cầu Bộ Y tế trình để mua tập trung kit xét nghiệm với giá rẻ hơn, chủ động phân phối cho các địa phương. Khi xét nghiệm, phát hiện ca nhiễm thì thực hiện cách ly theo phương thức mới để thực sự là trạng thái bình thường mới như các nước châu Âu đang làm.

Thứ tư, ông Đam nêu việc phải chuẩn bị đủ các loại thuốc điều trị triệu chứng, kháng virus ngay từ sớm, quan trọng là cho điều trị sớm và thực hành dần điều trị tại nhà, như trước đây nói tập xét nghiệm và tập cách ly tại nhà. Ngoài ra, ông Đam yêu cầu tiếp tục giám sát với người có bệnh nền, trẻ em, vì “các cháu vẫn chưa được tiêm vắc xin, có triệu chứng là phải giám sát ngay”.

Từ thực tế tại TP.HCM, ông Đam nhấn mạnh “phải diễn tập năng lực chỉ huy, phối hợp, điều hành với tất cả lực lượng”. “Bình thường có thể làm tốt nhưng khi bước vào tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, tình trạng khẩn cấp, thảm họa y tế thì lúng túng” – ông Đam nói, cho rằng việc tập huấn này không chỉ về y tế mà với cán bộ quản lý cơ sở cấp huyện.

Ông Đam tiếp tục khẳng định làm tốt 4 điểm trên, Việt Nam “sẽ tránh được tổn thất và kinh tế sẽ phục hồi”, nhấn mạnh vào giải pháp tiêm vắc-xin COVID-19 trong việc phòng ngừa y tế, tránh khủng hoảng và phục hồi kinh tế.

“Một tháng tới đây là vô cùng quan trọng. Chúng ta tiêm vắc-xin thật nhanh thì sẽ vươn lên trong nhóm rất ít các nước có độ phủ vắc-xin lớn nhất trên thế giới và tranh thủ được thời cơ đó”, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tại phiên chất vấn, trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM rằng trung tâm y tế huyện đang trực thuộc Sở Y tế bộc lộ nhiều bất cập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sắp tới, mỗi huyện sẽ có một trung tâm y tế thực hiện chức năng dự phòng, điều trị, dân số, trừ những nơi có bệnh viện đạt tiêu chuẩn bệnh viện cấp 2. Các trung tâm y tế này chịu sự điều hành, chỉ đạo về chuyên môn thống nhất của ngành y tế từ Trung ương đến địa phương và sự quản lý, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trước đó, vào sáng 9/11, tại Hội thảo trực tuyến “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, thích ứng an toàn với COVID-19” do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đang đề xuất UBND TP thí điểm chuyển trạm y tế phường – xã – thị trấn, trung tâm y tế và bệnh viện quận huyện từ trực thuộc Sở Y tế về lại trực thuộc quận huyện quản lý.

Theo ông Thượng, trước đây các đơn vị trên đã trực thuộc quản lý của quận huyện vừa chuyển đổi về Sở Y tế. Tuy nhiên, sau khi Sở Y tế tiếp nhận thì dịch COVID-19 ập tới, thực tế cho thấy cấp phường xã đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa dịch nên nếu y tế tuyến cơ sở trực thuộc ban chỉ đạo của địa phương sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Còn Sở Y tế sẽ tham gia hỗ trợ ngành dọc về nguồn nhân lực quản lý. “Tất cả các trạm trực thuộc Sở Y tế rất khó điều hành”, ông Thượng nói.

Nguyễn Quân

Xem thêm: