Dự án Trường THPT Võ Chí Công được đầu tư hơn 63 tỷ đồng, là công trình trọng điểm của huyện miền núi biên giới Tây Giang, Quảng Nam. Công trình hy vọng giúp các em học sinh ở 4 xã vùng cao Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry không phải vượt hơn 40km để xuống trung tâm huyện học con chữ. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm sử dụng, gần 300 em phải di dời khỏi trường và công trình này có nguy cơ bị xóa sổ.

truong vo chi cong quang nam 111
Trường THPT Võ Chí Công kỳ vọng sẽ giúp học sinh 4 xã của huyện miền núi biên giới thuận lợi đi học, nhưng công trình đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. (Ảnh: chụp màn hình/qrt.vn)

Công trình trọng điểm, hy vọng giúp học sinh 4 xã vùng cao tới trường

Dự án Trường THPT Võ Chí Công được UBND tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện từ năm 2016 theo 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 63 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục khối nhà lớp học, ký túc xá, kè taluy, khu hiệu bộ – thí nghiệm – thư viện, nhà công vụ, nhà đa năng…

Giai đoạn 1 do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư, thực hiện theo quyết định số 95 của UBND tỉnh với mức đầu tư phê duyệt hơn 33 tỷ đồng. Việc thi công xây dựng trường được triển khai từ đầu năm 2017. Dự án đã hoàn thành một số hạng mục khối nhà lớp học, ký túc xá, cùng các hạng mục phụ trợ, đảm bảo việc dạy và học của nhà trường.

Năm 2019, tại quyết định số 2810, tỉnh tiếp tục phê duyệt dự án giai đoạn 2 với mức đầu tư gần 30 tỷ đồng do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư (trong đó chi phí dự phòng hơn 2,5 tỷ đồng) và khởi công vào đầu tháng 8/2020.

Ông Bhling Mia – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, đây là một trong những công trình trọng điểm của huyện, điểm nhấn cho sự phát triển giáo dục vùng cao Tây Giang. Mong muốn của bà con nhân dân cũng như học sinh 4 xã vùng cao Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry là có ngôi trường mới để đi học gần hơn, giảm bớt khó khăn khi phải vượt trên 40km xuống trung tâm huyện học. “Chính quyền huyện Tây Giang sẽ chỉ đạo cho lực lượng thanh niên, dân quân xã cùng với bộ đội biên phòng giúp nhà trường sắp xếp trang thiết bị bên trong, dọn dẹp vệ sinh để bước vào năm học mới” – ông Mia nói.

Gần 300 học sinh phải di dời sau 2 năm vào học

Tháng 9/2018, Trường THPT Võ Chí Công được khánh thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, học sinh chỉ học được 2 năm thì xảy ra tình trạng sạt lở, trượt đất ở thành taluy dương do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn.

Đáng chú ý, tháng 10/2020, một quả đồi phía sau trường đổ sập xuống, đất đá tràn vào tận lớp học, ảnh hưởng đến việc dạy học, đe dọa tính mạng học sinh. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương phải di dời tất cả gần 300 học sinh về Trường THPT Tây Giang (cách 40km).

Báo VOV dẫn lời thầy Nguyễn Công Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công, cho biết gần 300 học sinh gặp khó khăn trăm bề khi phải ngồi học tạm bợ trong khu nhà ăn. “Cái khó lớn nhất là phải học tạm, ở tạm nên không gian chật chội. Không thể nào phát huy hết công năng, hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mà nhà trường đã được đầu tư bố trí tại trường mới, cho nên ảnh hưởng đến quá trình dạy và học”, thầy Tươi nói.

hoc sinh huyen tay giang kho khan den truong
Học sinh xã biên giới Ch’ơm, Tây Giang lội bùn đến trường do đường bị sạt lở nặng. (Ảnh: N.P/thanhtra.com.vn)

Công trình có “nguy cơ sạt lở” nhưng vẫn xây dựng

Tại giai đoạn 1 của dự án, khi công trình đang trong giai đoạn san ủi mặt bằng thì phát sinh nhiều vấn đề, như nguy cơ sạt lở, trượt đất ở thành taluy dương do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn.

Ngày 7/9/2018, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có chuyến khảo sát tiến độ thi công Trường THPT Võ Chí Công, đã đồng ý bổ sung thiết kế “xây bờ kè để chống sạt lở”.

Ngày 19/9/2018, đoàn công tác của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, cùng lãnh đạo huyện Tây Giang, đơn vị thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Quảng Nam, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tiến (công ty Thanh Tiến) đã tiến hành khảo sát lần cuối để triển khai các phương án chống trượt lở đất ảnh hưởng đến công trình.

Trong buổi khảo sát, ông Đinh Minh Trí, Giám đốc Công ty Thanh Tiến cho biết trong quá trình thi công, do cấu trúc địa chất yếu, có mạch nước ngầm chạy qua nên dẫn đến nguy cơ rất lớn việc sạt lở đất từ taluy dương. Trên taluy dương đã xuất hiện vết nứt dài hơn 20m, sâu 1m, rộng khoảng 40cm. Muốn khắc phục sự cố này, bắt buộc đơn vị thi công phải múc thêm khoảng 30m đất để giật cấp và tiến hành kè bê tông, xây hệ thống thoát nước…

Qua khảo sát thực tế, các bên thống nhất phương án xây kè bê tông và giật cấp thành taluy dương, xây dựng mương thoát nước.

Tuy nhiên, đến năm học 2019-2020, khi dự án cơ bản hoàn thành đưa thầy cô giáo và học sinh vào giảng dạy và học tập, hạng mục xây kè bê tông và hệ thống thoát nước vẫn chưa được xây dựng. Trong mùa mưa lũ đầu năm học 2020-2021, đã xảy ra hiện tượng sạt lở.

Chờ xây kè 29 tỷ đồng hay xây lại trường ở vị trí khác?

Báo Thanh Niên dẫn lời một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho hay sau khi tỉnh yêu cầu rà soát, đánh giá tác động việc sạt lở, đơn vị đã cùng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung – Tây nguyên khảo sát, đánh giá nguy cơ sạt lở và đưa ra hướng xử lý. Đồng thời, đơn vị khảo sát đã tư vấn xây dựng bờ kè sau trường với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh đã trình HĐND xin cấp kinh phí bổ sung 29 tỷ đồng để xây bờ kè.

Tuy nhiên, báo VOV cho biết ngày 3/12 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh khảo sát, lựa chọn địa điểm an toàn, phù hợp để xây dựng Trường THPT Võ Chí Công tại địa điểm mới. Đối với công trình đã được đầu tư hơn 60 tỷ đồng, sẽ xem xét chuyển mục đích sử dụng nhằm tránh lãng phí. “Như vậy, biết đến bao giờ gần 300 học sinh vùng biên giới tỉnh Quảng Nam mới có nơi học tập ổn định?”, tờ báo viết.

Người dân huyện biên giới Tây Giang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng cần làm rõ trách nhiệm của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam là đơn vị chủ đầu tư dự án Trường THPT Võ Chí Công, đặc biệt cá nhân Giám đốc Sở này là ông Hà Thanh Quốc, khi hàng chục tỷ đồng đầu tư không hiệu quả, không đúng ý nghĩa, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước, nhất là ở một huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Tây Giang, theo báo Công an nhân dân.

Thanh tra các gói thầu liên quan chương trình giáo dục vùng núi

Thời gian gần đây, dư luận tại Quảng Nam tiếp tục xôn xao về những dấu hiệu bất thường trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị của ngành giáo dục.

Trong đó, có gói thầu số BT-2019-01 về “Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế học sinh, trang thiết bị và đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn tại Quảng Nam”, do Sở GD&ĐT Quảng Nam làm chủ đầu tư, được triển khai vào tháng 12/2019, với tổng mức kinh phí hơn 16,8 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra toàn diện đối với các gói thầu liên quan đến chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình 775) do Sở GD-ĐT quản lý, thực hiện.

Ngọc Long

Xem thêm:

Trung tâm văn hoá hàng chục tỷ vừa xây đã bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng