Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam hôm thứ Tư (13/12) đã hoan nghênh quyết định của họ về củng cố mối quan hệ song phương và trở thành một phần của một cộng đồng “tương lai chung” là lựa chọn “chiến lược”.

Tap Can Binh Nguyen Phu Trong 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tham dự lễ chào mừng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 2023. (Nguồn ảnh: NHAC NGUYEN/POOL/AFP via Getty Images)

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ tịch nhà nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam hai ngày 12/12 và 13/12. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau 6 năm của ông Tập và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại châu Á mà ông Tập đặt chân đến trong năm nay.

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có mối quan hệ gần gũi về các lĩnh vực kinh tế, nhưng căng thẳng dai dẳng về lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông. Bất chấp những bất đồng kinh niên đó, trong chuyến thăm hai ngày của ông Tập tới Hà Nội, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết hàng chục thỏa thuận hợp tác song phương và sẽ ký vào một tuyên bố chung đáng chú ý mà hai bên được cho là đã mất nhiều tháng đàm phán để làm sao mô tả đúng đắn nhất mối quan hệ song phương theo cách nhìn nhận của hai bên.

Ông Tập trong cuộc gặp mặt với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ vào sáng 13/12 (giờ địa phương) đã nói rằng Trung Quốc và Việt Nam “đã loan báo thành lập một cộng đồng ‘tương lai chung’ Trung Quốc-Việt Nam chiến lược để thúc đẩy nâng cấp mối quan hệ Trung-Việt”.

Trong cuộc gặp mặt với ông Tập vào buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, đã gọi quyết định nêu trên là “cột mốc quan trọng mang tính lịch sử”, và cho biết thêm rằng trở thành một phần của cộng đồng tương lai chung là lựa chọn “chiến lược”.

Trong tiếng Trung, cụm từ “tương lai chung” sử dụng từ có nghĩa là “vận mệnh chung”. Tuy nhiên, cụm từ “vận mệnh chung” trong tiếng Trung đó đã được dịch sang tiếng Việt theo nghĩa ẩn dụ là “tương lai chung” và tiếng Anh là “shared future” (tương lai chung).

Khi Trung Quốc và Hoa Kỳ cạnh tranh ảnh hưởng tại Việt Nam, quốc gia địa chiến lược, thì hàng loạt thỏa thuận Trung Quốc và Việt Nam vừa được ký kết đánh dấu một thành tựu cho ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà phân tích và ngoại giao quốc tế nhận định rằng sự cải thiện trong các mối quan hệ Trung-Việt đó có thể chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực chất.

Ông Tập đã thúc đẩy tích cực nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt sau khi Hà Nội nâng hai cấp quan hệ với Washington lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” hồi tháng Chín, tức ngang bằng với quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chuyến thăm lần này của ông Tập tới Việt Nam là chuyến công du nước ngoài thứ tư của chủ tịch Trung Quốc trong năm nay sau Nga, Nam Phi và Hoa Kỳ. Điều này cho thấy ông Tập rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, nơi đang gia tăng các nhà máy sản xuất của Trung Quốc.

Hợp tác về dữ liệu, đất hiếm

Các thỏa thuận hợp tác Trung-Việt vừa được hai bên ký kết bao gồm các khoản đầu tư tiềm năng vào các tuyến đường sắt và an ninh, cũng như ba thỏa thuận về viễn thông và “hợp tác dữ liệu số”.

Chi tiết về các thỏa thuận nêu trên vẫn chưa được công bố, nhưng các chuyên gia và các nhà ngoại giao nói rằng các thỏa thuận kinh tế số có thể mở đường cho Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng mạng 5G và các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông ngầm dưới biển.

Chuyên gia về các vấn đề chuỗi cung ứng, ông Hung Nguyen của Đại học RMIT Việt Nam nhận định rằng các thỏa thuận Trung-Việt vừa ký phản ánh lợi ích của cả hai bên khi Trung Quốc gần đây đã đang xây dựng một trung tâm dữ liệu ngầm dưới biển ở ngoài khơi đảo Hải Nam, và Việt Nam cũng muốn phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.

Ông Hung Nguyen nói thêm rằng cơ sở hạ tầng viễn thông, các trạm quan trắc vệ tinh từ mặt đất và các trung tâm dữ liệu có thể là các lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam cần vốn đầu tư.

Tuy nhiên, một số hạng mục có ý nghĩa đã không được đề cập trong danh sách dài các thỏa thuận Trung-Việt đã ký. Chẳng hạn, hai bên không công bố về đất hiếm, bất chấp ông Tập đã thúc đẩy hợp tác rộng rãi về các loại kim loại quý hiếm này. Việt Nam được ước tính là có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Dù vậy, thỏa thuận về hợp tác đường sắt kết nối hai nước Trung-Việt có đi qua địa phương nơi có mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam.

Việt Nam hiện đang có những quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu khoáng sản đất hiếm bởi vì Hà Nội muốn tinh chế đất hiếm ngay trong nước. Trong khi, Trung Quốc là quốc gia tinh chế đất hiếm hàng đầu thế giới, nhưng lại thường không thiện chí chia sẻ công nghệ này với các nước khác.