Theo Bộ GD-ĐT, việc cắt sinh hoạt phí để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng.

sinh vien hoc phi
Theo Bộ GD-ĐT, việc cắt sinh hoạt phí để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng. (Ảnh minh họa: Hùng Nguyễn)

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo Dự thảo, từ năm thứ 2 và các năm học tiếp theo, nếu sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu thì sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí – mức 3,63 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ GD-ĐT, việc làm trên để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng.

Hiện theo Nghị định 116, kinh phí hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm lấy từ nguồn ngân sách hàng năm chi cho giáo dục, đào tạo của các địa phương, bộ, ngành, không phải do trường đại học chi trả.

Nghị định có hiệu lực từ năm học 2021-2022, được Bộ này đánh giá có tác động tích cực đến việc thu hút sinh viên giỏi theo ngành sư phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc hỗ trợ 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng cho sinh viên là không hợp lý, chỉ giải quyết phần ngọn. Thay vào đó, bộ, ngành nên có chính sách tăng lương giáo viên để thu hút người tài.

“Sinh viên sư phạm đang đi học mà được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên mới ra trường làm việc vất vả, với hệ số lương 2,34 trừ đi bảo hiểm xã hội thì lương thực nhận lại không cao hơn 3,63 triệu đồng/tháng. Đây là điều vô cùng bất hợp lý. Nên chăng nguồn kinh phí này bổ sung vào việc tăng lương cho giáo viên thì mới có thể thu hút được bạn trẻ theo học nghề giáo và hạn chế được việc giáo viên bỏ nghề vì lương thấp”, TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Đà Lạt, nói, theo báo Thanh Niên.

Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 116 sau đó quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt nhưng phải bồi hoàn nếu công tác trong ngành không đủ thời gian (6-8 năm), chuyển sang ngành khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình hoặc bị buộc thôi học.

Dự thảo trên được lấy ý kiến đến hết ngày 14/10.

Minh Long