Năm học 2022-2023, Việt Nam thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học trước.

viet nam thieu hon 118 000 giao vien gan 9 300 nguoi nghi viec
Việt Nam thiếu hơn 118.000 giáo viên, gần 9.300 người nghỉ việc. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, diễn ra vào chiều 18/8, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp.

So với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người; trong đó, cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên; tiểu học tăng 169; THCS 1.207, THPT 2.045.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo mất cân đối giữa các môn học trong cùng cấp học, giữa các vùng miền. Cụ thể, thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thiếu trường, thiếu lớp tại nhiều địa phương và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM.

Bộ GD&ĐT cho rằng một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng thiếu giáo viên so với nhu cầu là số học sinh tăng cơ học ở tất cả các cấp và giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc.

Trong đó, cấp mầm non tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (cần thêm 5.500 giáo viên). Với cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày tăng thêm 4,6% dẫn đến tăng thêm 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, từ đó cần bổ sung thêm khoảng 3.000 giáo viên. Cấp THPT tăng thêm 669 lớp so với năm học trước và cần thêm 1.500 giáo viên.

Ngoài ra, năm học 2022-2023 có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu, 9.295 giáo viên nghỉ việc).

Trong khi đó, việc quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát và không theo kịp thực tế. Sự chuyển dịch lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời và thiếu cơ chế thu hút, giữ chân giáo viên gắn bó với nghề. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu bậc tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bổ sung thêm một số môn học bắt buộc.

Hiện Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ tham mưu Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên để bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên (trong tổng số 65.980 biên chế nói trên).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay năm học 2022 – 2023 là một năm học có nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành giáo dục và đào tạo khi vừa khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn tiếng Anh, tin học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp trung học phổ thông.

Nói về những khó khăn liên quan tới đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, ông Sơn cho biết đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai. Đồng thời sửa đổi trong thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp.

Ông Sơn cho hay năm học sắp tới, bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo; sẽ làm mọi cách để chăm lo cho khu vực vùng sâu, vùng xa…

Tính đến hết năm học 2022-2023, cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước) và 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông.

Cả nước có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 học sinh). Tỷ lệ học sinh/lớp ở cấp tiểu học là 32,1, THCS là 37,71 và THPT là 40,27.

Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn có sĩ số học sinh/lớp vượt tỷ lệ quy định như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…, do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh.

Tổng cộng có 1,33 triệu giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó gần 90% làm việc ở trường công lập. Số giáo viên đạt chuẩn tăng khoảng 11.000-30.000 người ở tất cả cấp học so với giai đoạn trước.

Hầu hết tỉnh, thành thiếu giáo viên. Hai địa phương thiếu nhiều nhất là Thanh Hóa và Hà Nội với số thiếu khoảng 9.000 – 10.000 người.

Nguyễn Sơn