Hơn 1.600 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đã được giải ngân liên tục từ năm 2015 đến năm 2023 trong dự án cải tạo, nâng cấp đường ngang tuyến đường sắt Bắc Nam. 

da chi hon 1 600 ty ngan sach nang cap duong ngang duong sat bac nam
Một phụ nữ đang dùng máy giặt, được đặt cách chưa đầy 1m đường ray xe lửa, chạy qua khu dân cư đông đúc tại Hà Nội, tháng 12/2017. (Ảnh: Dragoncello/Shutterstock)

Thông tin trên được nêu tại báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định số 994/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Báo cáo cho hay hầu hết các dự án, công trình an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định 994 chưa được triển khai. Lý do là giai đoạn 2014 – 2020 khó khăn về vốn, ngân sách nhà nước không bố trí cho việc đền bù giải tỏa hành lang an toàn đường sắt; cắm mốc hành lang an toàn giao thông đường sắt; xây cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt; xây các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt quốc gia.

Mặc dù vậy, 1.634 tỷ đồng ngân sách đã được chi để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang (của tuyến đường sắt) trong giai đoạn 2015 – 2023.

Năm 2015 giải ngân 170 tỷ đồng, năm 2017 là 110 tỷ đồng, năm 2018 là 170 tỷ đồng, năm 2019 là 480 tỷ đồng, năm 2022 là 304 tỷ đồng và năm 2023 là 400 tỷ đồng.

Với nguồn chi trên, ngành đường sắt hiện đã hoàn thành 1.060 đường ngang. Trong đó, hoàn thành nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 226/291 đường ngang vi phạm điều lệ đường ngang. 65 đường ngang còn lại đã được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

Nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác; hoàn thành 382/566 đường ngang, với kinh phí 600 tỷ đồng.

Đối với 184 đường ngang còn lại, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định 994 đến hết năm 2025; đồng thời bố trí kinh phí để tiếp tục triển khai hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung hệ thống thông tin, tín hiệu trong kế hoạch.

Đầu tháng 1/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) công bố đạt lợi nhuận 94,8 tỷ đồng trong năm 2023, sau 3 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Năm 2020, VNR lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 111 tỷ đồng; tổng lỗ 1.476 tỷ đồng.

Đường sắt Việt Nam có 3.143km với 15 tuyến (trong đó có 7 tuyến chính), do người Pháp xây dựng, tới hay đã hơn 100 năm sử dụng. Khổ đường 1.000mm, lạc hậu so với các nước với khổ đường 1.435mm. 300 đầu máy được nhập về từ Tiệp Khắc, Đức, Trung Quốc, Bỉ…, đa số có tuổi đời sử dụng 30-40 năm; 1.030 toa xe khách, 4.000 toa xe hàng đều phải sử dụng đầu kéo mới khai thác được (toa xe cũ của Nhật Bản có thể tự chạy).

VNR ước tính để kinh phí duy tu, cải tạo hệ thống vận tải đường sắt cần 7.000 tỷ đồng.

Minh Sơn