Cho rằng có nhiều nội dung chưa được xác minh rõ trong bản án sơ thẩm đối với cô giáo Lê Thị Dung, đại diện VKSND tỉnh Nghệ An đề nghị hủy bản án, trả hồ sơ điều tra xét xử lại.

vu co giao le thi dung bi ket an 5 nam tu vien kiem sat de nghi huy ban an de dieu tra lai
Toàn cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Lê Thị Dung ngày 12/6. (Ảnh: thanhtra.com.vn)

Ngày 13/6, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục phiên xét xử hình sự phúc thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên).

Đại diện VKSND tỉnh Nghệ An đề nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên để điều tra, xét xử lại với lý do tòa sơ thẩm chưa làm rõ được nội dung Bí thư chi bộ, đi học cao học, tuyển sinh, làm ngoài giờ, hội họp, thi đua, thanh tra… nếu quy đổi thành tiết dạy đưa vào quy chế chi tiêu áp dụng cho cơ quan có trái pháp luật hay không?

Trách nhiệm của các bị cáo đối với khoản thiệt hại hơn 175 triệu đồng đã thanh toán cho một số cán bộ, giáo viên của trung tâm cũng chưa được tòa sơ thẩm làm rõ. Đây là những nội dung cần thiết phải xác minh để giải quyết vụ án. Do đó, đại diện VKSND tỉnh Nghệ An đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra xét xử lại.

Tại phiên tòa, Luật sư Vũ Quang Ninh cho rằng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là đơn vị dự toán, dự chi chứ không thể tự quyết định chi được. Bị cáo Dung không có động cơ cá nhân trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ công khai minh bạch.

Phòng Tài chính kế toán huyện Hưng Nguyên không phải chỉ có duyệt mà phải thẩm định xem có điểm nào trái pháp luật hay không. Nếu không chứng minh được việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ vì động cơ cá nhân, vụ lợi là kết tội sai đối với bị cáo Dung.

Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dung trình bày loại hình Trung tâm giáo dục thường xuyên khác với cơ sở giáo dục thông thường khác. Việc áp dụng Thông tư số 28 biến trung tâm thành trường là sai quy định.

Các luật sư cũng đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại, không đi khỏi nơi cư trú. Điều kiện xin tại ngoại cho cô Dung hoàn toàn đúng quy định pháp luật, có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân rõ ràng, bản thân từng là hội thẩm nhân dân, nhân thân tốt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư cũng đề nghị xác minh trách nhiệm của Phòng Tài chính huyện, Kho bạc nhà nước huyện Hưng Nguyên, UBND huyện Hưng Nguyên trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Trước đó, trong phần xét hỏi diễn ra trong ngày 12/6, bị cáo Lê Thị Dung tiếp tục kêu oan, không thừa nhận tội danh như cáo buộc của Viện KSND.

Sau phiên tòa sơ thẩm, nhiều ý kiến cho rằng với số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng nhưng mức hình phạt nặng và đặt câu hỏi về tính khách quan của HĐXX.

Khánh Vy (t/h)