Người dân không được vào bên trong tham dự phiên tòa, phóng viên phải theo dõi phiên tòa qua phòng riêng để tác nghiệp… là một trong số những điểm bất thường trong phiên tòa xét xử cô giáo Lê Thị Dung.

nhieu diem bat thuong trong phien toa xet xu co giao le thi dung
Từ sớm, rất đông người đến tham dự phiên tòa nhưng không được vào bên trong. (Ảnh: Nguyễn Xuân Diện/Facebook)

Hôm nay (ngày 12/6), TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm đối với bà Lê Thị Dung (SN 1971, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Trước đó, vào ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Dung mức án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tòa đã triệu tập nhân viên giám định của Sở Tài chính Nghệ An, Sở GD&ĐT Nghệ An, đại diện Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên và nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Điều đáng nói, rất đông người dân có mặt trước trụ sở TAND tỉnh Nghệ An theo dõi phiên tòa qua hệ thống loa phát thanh nhưng không được vào dự trực tiếp. Các phóng viên, cơ quan báo chí cũng phải theo dõi phiên tòa qua phòng riêng để tác nghiệp.

Chồng và con của bị cáo cũng không được vào dự phiên tòa ngay từ đầu. Đến khi bị cáo Lê Thị Dung nêu: “Tôi chưa thấy chồng và con ở phiên tòa” và đề nghị HĐXX cho phép người thân vào dự phiên tòa thì họ mới được vào dự.

nhieu diem bat thuong trong phien toa xet xu co giao le thi dung 1
Rất đông người đến tham dự phiên tòa bị chặn ở ngoài cổng tòa án. (Ảnh: Nguyễn Xuân Diện/Facebook)

Bị cáo Lê Thị Dung xin HĐXX cung cấp giấy bút để ghi chép.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung nói: “Thời điểm bị cáo gửi kháng cáo bản án sơ thẩm, bị cáo chưa nhận được bản án nên tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm”.

Bị cáo Dung kêu oan và cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ được đơn vị xây dựng công khai, dân chủ, được gửi cho cấp trên giám sát và có hiệu lực thi hành, không vi phạm pháp luật.

“Tất cả việc chi của bị cáo cho bản thân và tất cả giáo viên trong đơn vị đều hưởng như bị cáo. Khi chưa chứng minh được bị cáo vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ, các văn bản tài chính kế toán liên quan thì không thể kết tội cho bị cáo”, bị cáo Dung nói.

Ngoài ra, bị cáo Dung cũng cho rằng trong quá trình tố tụng có nhiều dấu hiệu oan sai.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn trước khi phiên tòa, tuy nhiên, HĐXX cho biết “sẽ xem xét sau”.

Có 7 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bà Dung tại phiên tòa phúc thẩm

Một trong số luật sư được gia đình mời bảo vệ quyền lợi cho bà Dung là Trần Hồng Phúc – Công ty Luật TNHH SMIC (Đoàn luật sư Hà Nội). Trong văn bản gửi đến HĐXX phúc thẩm, luật sư Trần Hồng Phúc kiến nghị triệu tập bổ sung ông Nguyễn Phi Thăng, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Hưng Nguyên (người thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Lê Thị Dung) có mặt tại phiên tòa phúc thẩm.

Luật sư Trần Hồng Phúc cũng kiến nghị sự giúp đỡ để bảo đảm sự có mặt của một giáo viên thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là một trong 2 người đã tố giác tội phạm đối với bà Lê Thị Dung và yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố bà Dung.

Theo luật sư Phúc, trong phiên tòa, luật sư sẽ yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ án như chứng cứ tố giác, vai trò của người tố giác tội phạm, sự hợp pháp của kết quả giám định, căn cứ của việc áp dụng pháp luật và bị cáo có tội hay không…

“Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc để làm sáng tỏ mọi sự thật của vụ án, góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người”, luật sư Trần Hồng Phúc chia sẻ.

Khánh Vy (t/h)