VKSND cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long về vụ cựu trụ trì Phạm Văn Cung lừa đảo hơn 67 tỷ đồng theo hướng hủy bản án để điều tra lại vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

dai duc thich phuoc ngoc pham van cung
Ông Phạm Văn Cung – Đại đức Thích Phước Ngọc bị xóa tư cách tu sĩ từ ngày 17/8/2020, bị bắt ngày 25/11/2020. (Ảnh: dẫn qua phatgiao.org.vn)

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào trung tuần tháng 4/2022, TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên ông Phạm Văn Cung (SN 1982, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, trước có pháp danh là Thích Phước Ngọc) mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước khi bị bắt, kết án, ông Cung là trụ trì chùa Phước Quang, kiêm Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Suối nguồn tình thương (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Đồng phạm Nguyễn Tuấn Sĩ (SN 1968, ngụ  phường 2, TP Vĩnh Long, tài xế xe ôm) bị tuyên 3 năm tù cùng tội danh trên.

Bị can Lê Nguyên Khoa (SN 1986, thư ký giúp việc của ông Cung) đang bị truy nã.

Hơn 4 tháng sau bản án trên, VKSND cấp cao tại TP.HCM đã ban hành kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên. VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra lại đối với bị cáo Phạm Văn Cung và Nguyễn Tuấn Sĩ về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Lê Nguyên Khoa tiếp tục bị truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

‘Hủy án, điều tra lại vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng’

Theo kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, tòa sơ thẩm xử phạt các bị cáo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. Tuy nhiên, việc bản án sơ thẩm không đưa 261 người đã nhận 75,1 tỷ đồng từ tiền lừa đảo của bị cáo Cung tham gia tố tụng là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.

Cụ thể, sau khi chiếm đoạt tiền của các bị hại, Phạm Văn Cung đã chuyển 77,7 tỷ đồng cho 273 người để trả nợ, thanh toán tiền vật tư sửa chữa chùa, tiền làm đường, xây cầu và tiền sinh hoạt. Trong 273 người nhận tiền, có 261 người (nhận 75,1 tỷ đồng) xác định được nhân thân, lai lịch cụ thể; 12 người còn lại (nhận 2,6 tỷ đồng) hiện không rõ họ tên, địa chỉ.

Tòa sơ thẩm nhận định những người nhận số tiền này không biết đây là tiền do bị cáo Cung chiếm đoạt của các bị hại, không đồng ý nộp lại, cho rằng đây là tiền bị cáo Cung trả nợ, phí sinh hoạt… Đồng thời, tòa nhận định đây là giao dịch dân sự hợp pháp nên quyền định đoạt số tiền thuộc về chủ sở hữu đã nhận. Khoản tiền đó không còn dưới sự quản lý của Cung, không phải là vật chứng trong vụ án nên không thu hồi trả lại cho các bị hại.

Theo VKSND cấp cao tại TP.HCM, “bản án sơ thẩm nhận định như trên là không có căn cứ. Bởi theo khoản 2, Điều 47 Bộ luật Hình sự hiện hành đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”, theo nội dung kháng nghị. VKSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng có căn cứ xác định đây là tang vật của vụ án nên cần thu hồi hoàn trả cho bị hại.

Ngoài ra, việc tòa sơ thẩm không đưa 261 người trên tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 245 và điểm d khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự, ảnh hưởng đến quyết định hình phạt của các bị cáo vì liên quan đến vấn đề bồi thường trách nhiệm dân sự và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Nhà sư xây chùa, nói dối là mật vụ tình báo của Chính phủ để lừa người

Bản án sơ thẩm tháng 4/2022 xác định bị cáo Cung đã lừa của 4 phụ nữ là các bà N.T.H.P; B.T.N; H.T.Y; H.Q.H (ngụ TP.HCM, TP Hà Nội, Hưng Yên). Trong đó, bà H.Q.H là ca sĩ nổi tiếng.

Trước khi thực hiện hành vi lừa đảo nói trên, ông Cung là tu sĩ từ năm 2005, tu tại chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, pháp danh Thích Phước Ngọc. Năm 2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì, năm 2012 được giao làm Giám đốc Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (do UBND tỉnh Vĩnh Long thành lập năm 2008).

Lợi dụng vị trí trụ trì, giám đốc trung tâm cô nhi viện, ông Cung tổ chức nhiều chương trình, sự kiện có thật hoặc không có thật để tạo uy tín cá nhân. Ông Cung tự xưng quen với nhiều lãnh đạo cấp cao ở trung ương, làm các video hoạt động từ thiện của chùa và trung tâm, đưa lên mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, tạo lòng tin.

Ông Cung dùng thủ đoạn xây chùa, xây trung tâm cô nhi viện, giả vờ bị bắt cóc, nói mình là “đặc vụ, tình báo Chính phủ” có khả năng đưa người từ Anh về Việt Nam định cư… để lừa tiền.

Với những thủ đoạn trên, ông Cung đã vay rồi chiếm đoạt của 4 phụ nữ nói trên tổng số tiền gần 68 tỷ đồng. Trong đó, Cung lừa bà P. hơn 18,5 tỷ đồng, của bà N. hơn 26 tỷ đồng, của bà Y là hơn 17 tỷ đồng, bà H. là hơn 13 tỷ đồng.

Về chiêu trò để lừa bà H.Q.H, theo xác định của cơ quan chức năng, năm 2020, Cung chủ động tìm đến nhà bà này và đưa ra thông tin gian dối rằng mình làm mật vụ tình báo của Chính phủ, được cử đi nước ngoài để hoạt động trong các lĩnh vực tôn giáo nhạy cảm,

ông Cung có ý định chiếm đoạt tiền của bà H. sau khi người này chia sẻ rằng một người bạn đang ở Anh cần làm thủ tục để về Việt Nam để định cư hợp pháp. Ông Cung nói mình là “mật vụ, tình báo của Chính phủ”, thường được cử đi nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực tôn giáo nhạy ảm, đang làm việc tại Campuchia, Sri Lanka, Mỹ và có mối quan hệ với các quan chức cấp cao ở Trung ương.

Bà H. tin là thật nên đã nhờ ông Cung đưa người bạn từ nước Anh về nước với giá là 1 triệu USD, đưa trước cho ông Cung 50%, là hơn 13 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng công bố ông Cung không quen biết ai và không có khả năng làm các thủ tục như đã nói, lừa lấy hơn 13 tỷ đồng của bà H.

Trong phiên tòa cấp sơ thẩm, bị cáo Cung bị buộc trả cho bà H.T.Y. hơn 16,5 tỷ đồng; trả cho bà B.T.N. hơn 25.8 tỷ đồng; trả cho bà H.Q.H. hơn 12.8 tỷ đồng; trả cho bà N.T.H.P. hơn 8,6 tỷ đồng.

Cập nhật: 

Sau một tuần nghị án, chiều 29/11, TAND cấp cao tại TP.HCM bác kháng nghị của bà H.T.Y, bác kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, tuyên y án chung thân đối với bị cáo Phạm Văn Cung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX kết luận bị cáo Cung chuyển tiền là để trả nợ và nhờ người trả nợ thay những khoản vay mượn, thanh toán dịch vụ pháp lý, mua vật tư sửa chùa… Vì vậy, việc chuyển tiền của bị cáo cho 261 người là giao dịch dân sự, những người này không biết số tiền bị cáo Cung chuyển do phạm tội mà có nên không có căn cứ thu hồi, trả cho bị hại.

Minh Sơn