Trong tình trạng cây xăng bán hạn chế xăng lan rộng từ nam ra bắc, Bộ Công thương liên tiếp phát các thông tin về quản lý thị trường về việc xăng đóng chai, can… của người dân. Bộ này khẳng định luật không cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, can đem về, nhưng cấm hành vi bán xăng dầu tự phát bằng cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai…

ban can
Những can xăng được bày bán lẻ tự phát trên vỉa hè. (Ảnh minh họa: Thomas Parker Victor/Shutterstock)

Ngày 4/11, Bộ Công Thương ra công văn gửi tới một số Bộ, ngành, đơn vị gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng địa phương quản lý thị trường bán xăng dầu.

Trong văn bản trên có nội dung: “Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã được UBND tỉnh, thành phố cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó…”.

Thông báo trên làm dấy lên ý kiến phản đối trong công chúng, cho rằng cơ quan nhà nước đang cấm việc người dân mua xăng bằng thùng, can, chai trong khi thực tế các cây xăng hoặc bán hạn chế hoặc đóng cửa, dù xăng là mặt hàng thiết yếu trong việc đi lại hàng ngày. Ngoài ra, việc mua xăng bằng vật đựng tự phát trở nên bắt buộc trong một số trường hợp như giao thương vùng sông nước, đánh bắt hải sản xa bờ, lâm nghiệp khai thác.

Sáng 7/11, Bộ Công thương tiếp tục phát thông tin giải thích, cho hay pháp luật không cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, can đem về, mà cấm bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác không được cho phép.

Bộ Công thương dẫn Điều 35, Nghị định 99 của Chính phủ, cho biết mức phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó.

“Với quy định này, nhiều người nhầm tưởng hành vi mua xăng qua thùng, can, chai là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với cây xăng (thương nhân kinh doanh xăng dầu)” – theo Bộ Công thương khẳng định.

Bộ Công thương cho hay chỉ khuyến cáo người dân hạn chế mua xăng bằng can, chai… chứ không cấm mua. “Văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương đã nêu rõ là chỉ xử lý đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, chứ không phải hành vi mua xăng bằng can, chai, thùng và các vật chứa khác” – Bộ này khẳng định.

Đáng lưu ý, thông báo của Bộ Công thương không phân biệt rõ giữa hành vi mua để sử dụng ngay và mua để tích trữ của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh xăng bán “bấp bênh” như hiện nay, dù cuối bài dẫn Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cho hay cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bị phạt từ 15-25 triệu đồng; mức phạt tăng gấp 2 lần đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm; thậm chí xử lý ở mức hình sự khi nêu hành vi tàng trữ xăng dầu có thể chịu trách nhiệm về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Hà Nội hỏa tốc yêu cầu xử lý bán xăng tự phát theo can, chai, lọ…

Ngày 7/11, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho hay ông Chu Xuân Kiên – Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu Công an TP. Hà Nội, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện kiểm tra, xử lý hành vi bán xăng tự phát theo can, chai, lọ… trên đường phố.

Lý do là việc mua bán xăng tự phát này là hành vi gây bất ổn thị trường xăng dầu, có nguy cơ cao gây ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, mất cảnh quan đường phố và an toàn giao thông cho người đi đường.

Từ ngày 4/11, nhiều người sống tại Hà Nội phản ánh qua người thân, lên mạng xã hội việc các cây xăng bán xăng hạn chế, có nơi phải xếp hàng 3 tiếng để mua xăng… Nhiều người chấp nhận mua xăng giá cao bên vỉa hè, lòng đường vì không thể xếp hàng trước các cây xăng luôn đông nghịt người chờ mua xăng theo giá hạn chế 30.000 đồng, 50.000 đồng, 70.000 đồng.

Nguyễn Sơn