Một đoạn “Tam Thập Nhị Trường Thành” thời nhà Minh nằm ở huyện Hữu Ngọc, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã bị đào lên gần đây, gây ra “thiệt hại không thể cứu vãn” đối với tính toàn vẹn của Vạn Lý Trường Thành và sự an toàn của các di vật văn hóa. Tin tức này nằm trong danh sách tìm kiếm nóng của Baidu.

GettyImages 1152448035
Bức ảnh này được chụp vào ngày 17 tháng 5 năm 2019 cho thấy một công nhân tu sửa đang đi qua phần Vạn Lý Trường Thành đã được trùng tu ở Xiangshuihu, quận Hoài Nhu, ngoại ô Bắc Kinh. (Nguồn ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

Theo thông tin trên ứng dụng di động của Nhật báo Bắc Kinh hôm 4/9, Văn phòng Công an huyện Hữu Ngọc đã nhận được báo cáo vào khoảng 4h chiều ngày 24/8 rằng một lỗ hổng đã được đào ở Thập Tam Nhị Trường Thành, đây là đoạn thuộc Thôn Tam Thập Nhị, thị trấn Dương Thiên Hà, huyện Hữu Ngọc, thành phố Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây.

Sau khi kiểm tra dấu vết tại hiện trường, người ta xác định sơ bộ rằng Trường Thành cổ đã bị hư hại do đào bới cơ học quy mô lớn. Cảnh sát phát hiện một người đàn ông 38 tuổi và một phụ nữ 55 tuổi đã dùng máy xúc phá thủng bức tường Vạn Lý Trường Thành để mở đường tắt đi xuyên qua.

Hai người cho biết, khi thi công gần Trường Thành đoạn Thôn Tam Thập Nhị (gọi là Tam Thập Nhị Trường Thành), để rút ngắn lộ trình, họ đã dùng máy xúc đào lỗ hổng ban đầu ở Trường Thành thành một khoảng trống lớn để tiện cho máy xúc có thể đi qua.

Hiện hai đối tượng này đã bị tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Sự việc này đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng.

Có cư dân mạng cho rằng hai người phải chịu trách nhiệm vì đào Trường Thành, nhưng cơ quan bảo vệ di tích văn hóa địa phương cũng có trách nhiệm không thể trốn tránh vì bất lực trong việc bảo vệ di tích văn hóa.

Có cư dân mạng cho rằng: “Xung quanh di tích văn hóa được bảo vệ có biển báo nhận dạng rõ ràng nào không? Nếu có, những người này hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu không có thì cơ quan văn hóa du lịch địa phương hoặc đơn vị bảo vệ di tích văn hóa liên quan cũng phải chịu trách nhiệm.”

Cư dân mạng “Jiu Duo Qing Shen 666” nói rằng, Vạn Lý Trường Thành đoạn Thôn Tam Thập Nhị không phải là Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh như mọi người nghĩ: “Tôi là người địa phương, nếu ai đang đứng trước Vạn Lý Trường Thành này, nếu tôi không nói với bạn rằng đó là Vạn Lý Trường Thành, thì bạn sẽ không cho rằng đó là Vạn Lý Trường thành. Nó đã bị đất chôn vùi từ lâu rồi, xung quanh cũng không có bảo vệ, không có biển báo nhận diện. Hiện tại có thể nhìn thấy thì chỉ có Đài Phong Hỏa. Không phải là Vạn Lý Trường Thành Bắc Kinh như các bạn nghĩ. Nó trông giống như một gò đất, bò dê ngày nào cũng leo qua đó.”

Cũng có người nói: “Quả thực cần thêm một tấm biển báo nhận diện, tốt nhất là dùng một hàng rào đơn giản để bao quanh.”

Nhưng một số cư dân mạng cho rằng: “Bên cạnh có Phong Hỏa Đài, hơn nữa tường được làm bằng gạch vuông, nghĩa là nó không được hình thành một cách tự nhiên, có niên đại xa xưa, không phải là một kiến trúc bình thường. Kiến trúc bình thường không thể có được Phong Hỏa Đài.”

Theo thông tin công khai, Tam Thập Nhị Trường Thành là đơn vị bảo vệ di tích văn hóa cấp tỉnh, nằm trên núi Hoa Lâm (Hualin), cách thị trấn Hữu Vệ (Youwei), huyện Hữu Ngọc (Youyu), tỉnh Sơn Tây khoảng 10 km về phía tây nam và được đặt theo tên của làng Tam Thập Nhị Làng. Tam Thập Nhị cũng được đặt tên theo tháp canh thứ 32 đi vào Hữu Ngọc từ Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh. Đây là một phần của Vạn Lý Trường Thành của nhà Minh và có các bức tường bên và Phong Hỏa Đài tương đối hoàn chỉnh.

Thập Tam Nhị Trường Thành chạy qua núi Hoa Lâm và được xây dựng theo thế núi, là một phần quan trọng của di chỉ Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh ở Sơn Tây.

Theo khảo sát của Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc, dưới 20% các đoạn Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh có tường tốt hơn, chưa đến 30% các đoạn có tàn tích nhìn thấy được, tổng chiều dài của các bức tường và tàn tích không vượt quá 2.500 km.

Chiều dài tổng thể của Vạn Lý Trường Thành lúc đầu được cho là khoảng 9.000 km, nhưng sau này có thêm nhiều đoạn tường thành được phát hiện nên con số này được nâng lên hơn 21.000 km.

Vạn Lý Trường Thành được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1987.

Trí Đạt