Một số dự tính về kinh tế Trung Quốc năm 2023 khôi phục như trước khi đại dịch COVID-19 đã không diễn ra, tình trạng khó khăn vẫn tiếp diễn, dự đoán viễn cảnh này không thay đổi trong năm 2024. Có nhận định chỉ ra 4 lý do chính.

GettyImages 125673354
Một “thành phố ma” ở khu Ordos, Nội Mông, Trung Quốc, ảnh chụp ngày 12/09/2011. (Nguồn ảnh: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Kinh tế Trung Quốc quý đầu tiên của năm 2023 cho thấy dấu hiệu phục hồi, nhưng sau đó liên tiếp bùng phát nhiều khủng hoảng, những điểm nhấn có thể kể gồm nợ nần gây nguy cơ sụp đổ những ‘gã khổng lồ’ bất động sản như Evergrande, Country Garden… cùng nhiều vấn đề khác khiến tình trạng thất nghiệp tăng cao và lạm phát, cộng thêm bối cảnh già hóa dân số khiến những hy vọng phục hồi đã thất bại. 

Xu thế lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc sụt giảm do nhu cầu yếu trong và ngoài nước đối với hàng hóa, gây thêm tình trạng thất nghiệp và lạm phát đã kéo giảm tăng trưởng kinh tế vào năm 2023. Tính đến giữa tháng 12/2023, chỉ số MSCI China Index cho thấy khả năng có thể kết thúc năm với mức giảm hai con số, thị trường cổ phiếu loại A trong nước hiện giảm 3%, đồng RMB giảm 4% so với đồng USD, trong khi các nước khác và các khu vực đều có mức tăng.

Hiệp hội doanh nghiệp lớn thế giới (Conference Board) dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2024 sẽ chậm lại ở mức 4,1%, giảm so với mức ước tính 5,2% vào năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến ​​tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,6% vào năm 2024 so với dự báo 5,4%.

Dưới đây là 4 lý do chính khiến Conference Board cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn vào năm 2024, tình trạng này  thậm chí có thể  kéo dài trong vài năm.

1. Nhu cầu tiêu dùng từng bị dồn nén dần không còn

Bùng nổ tiêu dùng Trung Quốc như nhiều kỳ vọng chưa từng diễn ra, cho dù mức chi tiêu ở Trung Quốc tăng mạnh trong quý 3 nhưng điều đó chỉ là nhất thời từ thúc đẩy bởi nhu cầu trước đó bị dồn nén. Conference Board dự đoán nhu cầu đó sẽ giảm dần kéo dài.

Tình hình kinh tế Trung Quốc qua những hỗn loạn trong lĩnh vực bất động sản (thể hiện rõ qua hàng loạt tòa chung cư chưa hoàn thiện và các chủ đầu tư gặp khó khăn) đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc cảnh giác và giảm chi tiêu.  

Một báo cáo kinh tế được chia sẻ với Business Insider chỉ ra: “Niềm tin [vào phục hồi kinh tế của Trung Quốc] vẫn còn yếu, hiện tại không có quan sát nào cho thấy tâm lý niềm tin người tiêu dùng có chuyển biến tích cực”. Báo cáo cho rằng tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa trở lại mức bền vững, người dân vẫn lo ngại về an ninh tài chính bản thân và thị trường lao động.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm Chủ nhật (31/12) cho biết, chỉ số của ngành dịch vụ Trung Quốc không thay đổi mà vẫn ở mức ở mức 49,3, cho thấy trong bối cảnh lo lắng về việc làm khiến người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu.

2. Suy thoái thị trường bất động sản chưa thể cải thiện

Năm nay các nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc đã vỡ nợ hoặc tuyên bố phá sản, những nỗ lực ổn định của chính quyền trong lĩnh vực này không có tác động đáng kể. 

Conference Board cho rằng các gia đình Trung Quốc đã mất niềm tin vào bất động sản như một kênh tích lũy tài sản. Thật khó để dự đoán khi nào ngành này sẽ ổn định; nhưng một khi ổn định cũng sẽ không còn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc như những thập niên trước. 

Goldman Sachs, UBS, Morgan Stanley và nhiều ngân hàng đầu tư quốc tế khác dự đoán thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục trì trệ trong năm 2024 và kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống. CMB International cũng ước tính đầu tư bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm 7% vào năm 2024 và doanh số bán bất động sản cũng sẽ giảm theo đó, Goldman Sachs và UBS đều dự đoán doanh số bán sẽ giảm 5% vào năm 2024.

Các nhà kinh tế tin rằng lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy, Bắc Kinh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để vực dậy nhu cầu.

3. Nhu cầu nước ngoài đối với sản phẩm Trung Quốc sẽ chậm lại

Ngoài ra, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đầu là Mỹ và châu Âu là tin xấu đối với Trung Quốc.

Conference Board nhận định bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái khiến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc sẽ tiếp tục trong tình trạng xuất khẩu chậm lại. Các nhà kinh tế chỉ ra: “Do vấn đề nhu cầu chung suy giảm khiến Trung Quốc không thể thông qua lĩnh vực xuất khẩu từ hoạt động sản xuất để hy vọng thoát khỏi suy thoái bất động sản”.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm Chủ nhật cho biết, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất đã giảm xuống 49 trong tháng 12 từ mức 49,4 trong tháng 11, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp dưới 50.

Kết quả không đạt được dự báo 49,8 trong cuộc thăm dò ý kiến ​​​​của WSJ. Đơn đặt hàng mới trong và ngoài nước tiếp tục giảm, chỉ số sẵn sàng thuê nhân công mới của các công ty giảm xuống 47,9 trong tháng 12/2023 từ mức 48,1 trong tháng 11/2023, cho thấy doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc đang chịu áp lực từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu và chi tiêu trong nước trì trệ.

4. Bắc Kinh không thể kích cầu quy mô lớn 

Conference Board tin rằng do nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề cơ cấu sâu sắc nên bất kỳ kế hoạch cải cách hoặc kích thích quy mô lớn nào cũng có thể dẫn đến thảm họa.

Nhà chức trách Trung Quốc vẫn còn dư địa cho các chính sách kích thích tăng trưởng tín dụng và đầu tư, nhưng quy mô can thiệp càng lớn thì khả năng gây ra tình trạng kém hiệu quả và đầu tư đầu cơ càng lớn. Ngoài những khó khăn ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc còn phải đối mặt với những thách thức dài hạn, bao gồm xung đột với Mỹ và các đồng minh về thương mại và an ninh quốc gia, cũng như tình trạng dân số già đi nhanh chóng.