Ngày 10/6 vừa qua, chế độ cộng sản Bắc Kinh đã thông qua luật chống chế tài nước ngoài (Anti-Foreign Sanctions Law). Hành động lập pháp này được cho là để chống lại những chế tài mà phương Tây áp đặt lên các cá nhân và thực thể của chế độ, tuy nhiên tính mơ hồ và phạm vi bao trùm của nó đã khiến cộng đồng quốc tế cũng như các công ty nước ngoài đang có mặt tại Trung Quốc lo ngại. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao chế độ vội vã thông qua luật này trong khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang có những động thái hạ nhiệt chế tài đối với các công ty Trung Quốc?

Bắc Kinh thông qua luật chống chế tài phương Tây trong thời điểm đặc biệt nhạy cảm
(Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP, Getty Images)

Luật chống chế tài nước ngoài

Ngày 10/6 vừa qua, trong một động thái bất ngờ, chính quyền Trung Quốc đã bỏ qua phiên thảo luận thứ 3 trong quy tắc lập pháp và trực tiếp thông qua luật chống chế tài nước ngoài. Mặc dù Bắc Kinh cho rằng mục đích của luật này là chống lại các chế tài mà phương Tây áp đặt lên các cá nhân và công ty Trung Quốc, nhưng tầm ảnh hưởng của nó hết sức sâu rộng.

Luật mới yêu cầu tất cả các cá nhân và công ty hoạt động bên trong lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả các công ty nước ngoài, phải tuân theo các chế tài mà Bắc Kinh áp đặt lên các thực thể nước ngoài. Hơn nữa, luật này còn không cho phép các công ty nước ngoài được phép tuân thủ các hạn chế được thiết lập lên các cá nhân và công ty Trung Quốc. Nó cho phép các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có thể “kiện các thực thể nước ngoài” đang tuân thủ các chế tài của nước ngoài, và yêu cầu “bồi thường tổn thất”.

“Luật mới yêu cầu các công dân nước ngoài phải hành động chống lại quê hương, và phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Tang Jingyuan, một nhà bình luận chính sách Trung Quốc, trả lời tờ Epoch Times vào hôm 10/6. Ông cho rằng đây là một hành động trả đũa toàn diện của Trung Quốc đối với phương Tây và lo ngại rằng chế độ sẽ ép buộc các công ty nước ngoài phải mua các sản phẩn sử dụng lao động cưỡng bức, hoặc phải bán các sản phẩm công nghệ mang tính chiến lược như chip bán dẫn cho Trung Quốc.

Điều có thể nhìn thấy trước tiên là khả năng ảnh hưởng của luật mới này đối với các công ty kinh doanh tại Trung Quốc. Lấy tập đoàn sản xuất chip bán dẫn SMIC làm ví dụ. SMIC sử dụng công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ, và năm 2020, bởi vì Huawei bị đưa vào danh sách đen của Hoa Kỳ nên SMIC đã từng tuyên bố dừng bán chip cho Huawei.

“Theo luật chống chế tài nước ngoài, SMIC sẽ không còn lựa chọn nào khác mà buộc phải bán chip cho Huawei. Nhưng khi SMIC bán chip cho Huawei, công ty này sẽ vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, và không còn quyền được sử dụng công nghệ Hoa Kỳ, cũng như mất đi các thị trường khác trên thế giới”, ông Tang Jingyuan bình luận.

Tuy nhiên trường hợp của SMIC vẫn chưa phải là xấu nhất bởi SMIC vốn là công ty Trung Quốc. Đối với các công ty nước ngoài đã đầu tư rất lớn vào Trung Quốc, họ có thể “mất hết hạ tầng cùng các tài sản khác tại Trung Quốc nếu họ không tuân thủ luật của chế độ Bắc Kinh”, ông Tang nói.

Chế tài và trả đũa

Trong nhiều tháng vừa qua, Hoa Kỳ, Canada, Anh và các nước châu Âu khác đã có những động thái lên án mạnh mẽ tình trạng nhân quyền và tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ của chế độ Trung Quốc. Các ông lớn công nghệ tại Trung Quốc như Huawei, ZTE, Xiaomi, Tiktok, v.v. bị liệt vào danh sách đen không còn là một điều mới mẻ từ năm 2019 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Tính tới 8/2020, khoảng 300 doanh nghiệp Trung Quốc đã bị chế tài.

Tính tới 6/2021, Hoa Kỳ cũng đã áp đặt chế tài đối với 45 quan chức Trung Quốc, bao gồm cả những quan chức quan trọng như Phó Ủy viên trưởng Ban Thường vụ Nhân đại Toàn quốc khóa 13. Các quan chức bị chế tài này là những người đã tham gia trực tiếp vào các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, đàn áp Pháp Luân Công, làm suy yếu tự do của Hồng Kông, v.v..

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Hạ viện Canada, Nghị viện Litva, Quốc hội Anh cũng đã đưa ra các tuyên bố cho rằng việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương là tội ác diệt chủng. (Xem thêm: Những thủ đoạn tra tấn gây sốc trong lời chứng tại tòa án về diệt chủng Duy Ngô Nhĩ)

Không chỉ gọi cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương là diệt chủng, Hoa Kỳ đã có những động thái lập pháp để cấm các công ty của nước này sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ việc vi phạm nhân quyền, mà cụ thể, sản phẩm bông tới từ Tân Cương chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.

Trong khi đó, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã có những hành động trả đũa khác nhau nhắm vào các cá nhân và thực thể nước ngoài. Chẳng hạn để đáp trả việc Hoa Kỳ trừng phạt 11 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng Kông ngày 7/8, ngày 10/8/2020, chế độ cũng tuyên bố chế tài 11 quan chức của Hoa Kỳ. Đây là những cá nhân lên tiếng mạnh mẽ về các cuộc đàn áp người bất đồng chính kiến, đàn áp Pháp Luân Công, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, hay tội ác thu hoạch tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cuối tháng 3, phản ứng lại việc quốc hội Anh lên án mạnh mẽ các tội ác nhân quyền tại Trung Quốc, thậm chí thảo luận về việc từ bỏ hoạt động thương mại, chế độ Bắc Kinh tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số nghị sĩ, học giả, nhà vận động nhân quyền của Vương quốc Anh. (Xem bài: Vài nét về các nghị sĩ và học giả Anh bị ĐCSTQ “trừng phạt” trả đũa)

Tuy nhiên vào đầu tháng 5/2021, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cho thấy những sự đảo ngược đáng chú ý. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ xóa hãng Xiaomi của Trung Quốc khỏi danh sách đen của chính phủ.

Hôm 18/5, Bộ Tài chính Hoa Kỳ dưới thời ông Biden tiếp tục trì hoãn lệnh cấm đầu tư vào công ty Trung Quốc dưới thời ông Trump, và cho biết các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn sẽ được phép giao dịch chứng khoán trong các công ty con của các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen.

Tiếp nối sự việc đó, hôm 3/6, ông Biden đã ký lệnh hành pháp sửa đổi lệnh cấm trên. Lệnh cấm mới của ông Biden mở rộng danh sách cấm cũ bằng việc bổ sung các công ty công nghệ quốc phòng và giám sát. Nhưng đáng chú ý, lệnh cấm này lại thu hẹp phạm vi lệnh cấm thời ông Trump khi không bao gồm cấm các chi nhánh hay công ty liên kết với các công ty bị liệt vào danh sách đen. Do đó, các công ty Trung Quốc có thể lách luật để nhận được các khoản đầu tư này.

Hôm 9/6, chính quyền ông Biden đã ra lệnh thu hồi các sắc lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó cấm các ứng dụng mạng xã hội TikTok và WeChat.

Nhìn trên phương diện chính sách đối ngoại, có thể thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang có những động thái hạ nhiệt chế tài đối với các công ty Trung Quốc. Vậy thì tại sao chế độ lại vội vã thông qua luật đối phó với chế tài phương Tây?

Thời điểm đặc biệt nhạy cảm

Mặc dù điều luật này có vẻ như đang được đưa ra để giải quyết các vấn đề kinh tế do chế tài mà các quốc gia phương Tây mới áp đặt lên các công ty Trung Quốc, nhưng nó có nguyên nhân sâu xa hơn. Trong suốt thời gian 2 năm từ 2019 tới 2021, chính quyền cộng sản đã có nhiều thời gian để có thể thông qua một luật tương tự. Vậy thì vì sao phải vội vàng thông qua nó, thậm chí bỏ qua quy tắc lập pháp?

Ông Li Hengqing, học giả tại Viện Thông tin và Chiến lược Washington, bình luận với tờ Epoch Times: “Điều quan trọng là thời điểm nó được thông qua. Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua luật này ngay sau khi Tổng thống Joe Biden bắt đầu chuyến công du châu Âu. Ông Biden sẽ nói chuyện với các lãnh đạo châu Âu về việc điều tra nguồn gốc của virus Trung Cộng [còn gọi là virus COVID-19 hay virus viêm phổi Vũ Hán], thứ rất có thể đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.”

Gần đây, một loạt tin tức mới về đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán đã được các kênh truyền thông quốc tế lớn đưa tin, cho thấy một sự chuyển dịch đáng ngạc nhiên về thái độ đối với nguồn gốc của COVID-19: Thái độ của Tổng thống Hoa Kỳ thay đổi; thái độ của Ngoại trưởng Hoa Kỳ thay đổi; thái độ của Cố vấn Y tế chính phủ thay đổi; thái độ của giới khoa học thay đổi; và thái độ của các phương tiện truyền thông dòng chính Hoa Kỳ cũng thay đổi.

Vào ngày 13/5, 18 nhà khoa học hàng đầu thế giới từ Hoa Kỳ, Canada, Anh, Thụy Sĩ và các quốc gia khác, đã đăng một bức thư công khai trên tạp chí Science, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập hoàn toàn mới về tất cả nguồn gốc có thể của virus. Bất chấp việc cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc virus của WHO đã kết thúc.

Ngày 24/5, Fox News đưa tin rằng ông Fauci – chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và vệ sinh cộng đồng của Hoa Kỳ, đã nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi không tin rằng loại virus này đến từ tự nhiên. Tôi cho rằng chúng ta nên tiếp tục điều tra ở Trung Quốc đã xảy chuyện gì”.

Vào ngày 26/5, Tổng thống Joe Biden đã ra tuyên bố yêu cầu các cơ quan tình báo Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày phải nộp báo cáo về nguồn gốc của virus cho ông. Đây là tuyên bố quan trọng nhất của ông Biden về nguồn gốc của “virus Trung Cộng” trong 4 tháng kể từ khi ông nhậm chức, nó cũng là biểu hiện những thay đổi lớn của Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm về vấn đề này. Trước đây, nguồn gốc virus không được xếp vào chương trình nghị sự quan trọng của ông Biden.

Ngày 26/5, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật, yêu cầu Giám đốc Tình báo Quốc gia trong vòng 90 ngày phải giải mật tất cả các thông tin tình báo liên quan đến Viện virus Vũ Hán và nguồn gốc của loại virus corona chủng mới này.

Ngày 6/6, ông Blinken trong chương trình thời sự Hoa Kỳ “Axios on HBO” đã nói rằng chính quyền Biden quyết tâm “điều tra triệt để” nguồn gốc của virus COVID-19 và sẽ buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm.

Ngoài ra trong thời gian gần đây, một loạt tin tức mới về nguồn gốc COVID-19 đã được đưa tin: Tháng 11/2019, ba nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán đã bị nhiễm bệnh; Các bài luận văn của 3 nghiên cứu sinh từ Viện Virus học Vũ Hán đã được công bố; Ông Chu Dục Sâm, chuyên gia quân sự của ĐCSTQ, người từng làm việc chặt chẽ với Viện Virus học Vũ Hán và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vắc-xin virus Trung Cộng vào tháng 2/2020, đã chết một cách bí ẩn vào tháng Năm; 3.200 email cá nhân của ông Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, bị lộ.

Đặc biệt, AP đưa tin vào ngày 4/6, người dẫn chương trình Turker Carlson của Fox News chỉ ra rằng: cộng đồng tình báo Hoa Kỳ tiết lộ “nhân vật đào tẩu cấp cao nhất trong lịch sử của nhà cầm quyền Bắc Kinh” đã hợp tác với Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) trong 3 tháng qua. Nhân vật này đã tiết lộ những tin tức về “Chương trình vũ khí sinh học” của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho Hoa Kỳ. (Xem bài: Quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ đào tẩu dẫn đến phản ứng dây chuyền?)

Do vậy có thể thấy rằng chế độ cộng sản Bắc Kinh đang lo ngại việc thế giới chung tay chế tài Trung Quốc nếu nguồn gốc của COVID-19 thật sự được khẳng định.

Ông Jamie Metzl, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Y tế Thế giới, dự đoán rằng nếu thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán được xác nhận, toàn thế giới sẽ đòi chế độ Trung Cộng phải bồi thường. Nó sẽ phải đối mặt với một đòn địa chính trị lớn và chính quyền này e rằng khó có thể bảo toàn được.

Việc Bắc Kinh đưa ra luật mới ngay trước thềm chuyến công du tới châu Âu của ông Biden chính là một “đòn phủ đầu” để khiến cộng đồng quốc tế chùn bước và suy nghĩ về các thiệt hại thương mại nếu quyết định chế tài chế độ cộng sản.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: