Chuyên gia tại Trung Quốc chỉ ra, lần dịch này tại Thượng Hải nghiêm trọng và phức tạp hơn so với Vũ Hán trước đây.

p3122741a896614729
Có thông tin cho rằng Thượng Hải đã huy động “dân quân” để hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát và đóng cửa, sau khi tin tức được tiết lộ đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (Nguồn ảnh: Weibo)

Theo số liệu từ trang web của Ủy ban Y tế Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc, ngày 11/4, số ca lây nhiễm không triệu chứng tại bản địa của Trung Quốc tăng thêm 23.295 ca, trong đó Thượng Hải có 22.348 ca; số ca lây nhiễm có triệu chứng tăng thêm 1.251 ca, trong đó Thượng Hải có 994 ca. 

Cộng dồn số liệu đến hết 23h ngày 11/4, Trung Quốc Đại Lục hiện có 21.991 ca xác nhận lây nhiễm (77 ca triệu chứng nặng), 26 ca nghi nhiễm. Số người tiếp xúc gần và đang trong quá trình quan sát y tế là 455.268 người, số ca nhiễm không triệu chứng tại bản địa Trung Quốc là 239.437 ca. 

Mặc dù chính quyền Trung Quốc công khai số liệu về dịch bệnh, nhưng các số liệu này chỉ cung cấp để tham khảo.

Chuyên gia Đại Lục: Dịch bệnh tại Thượng Hải phức tạp và nghiêm trọng hơn Vũ Hán trước đây

Theo trang “Tài chính Kinh tế Số 1” (yicai.com) đưa tin, số người lây nhiễm virus corona mới trong đợt dịch lần này tại Thượng Hải đã vượt quá 200.000 người. Đợt dịch lần này, từ khi bùng phát cho đến thời điểm số ca nhiễm vượt quá 100.000 ca, chỉ trong thời gian hơn 1 tháng; số ca nhiễm 100.000 tăng lên 200.000 ca, chỉ mất thời gian chưa đến 5 ngày. Số liệu này đã cho thấy rõ tốc độ lan truyền nhanh của biến chủng Omicron. Ông Trịnh Huy Hoa (Zheng Huihua), Bí thư đảng bộ Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải, người phụ trách chỉ huy và điều phối công tác tại 2 bệnh viện dã chiến cỡ lớn ở Thượng Hải, cho biết: “Đợt dịch lần này ở Thượng Hải phức tạp hơn và nghiêm trọng hơn so với đợt dịch cách đây 2 năm ở Vũ Hán… Hiện tại dữ liệu những thay đổi của biến thể này về phương diện y học thực chứng vẫn chưa đủ”.

Hiện tại, số người lây nhiễm không triệu chứng ở Thượng Hải vẫn tương đối nhiều, mức độ nguy hiểm rất lớn, số người tiếp xúc gần gồm F1 và F2 lên đến 370.000 người.

Theo thông tin từ Nhật báo Bắc Kinh, cuộc họp báo về phòng chống và kiểm soát dịch của thành phố Thượng Hải vào sáng ngày 12/4 đã thông báo, đến 9h sáng ngày 12/4, toàn thành phố Thượng Hải đã tiến hành sàng lọc người tiếp xúc gần (F1) là 252.214 người, đều đã được kiểm soát quản lý, trong đó có 212.393 người có kết quả xét nghiệm axit nucleic dương tính, số còn lại đang trong quá trình xét nghiệm. Đã sàng lọc được 118.477 người thuộc diện F2, trong đó có 116.944 người có kết quả dương tính, còn lại đang trong quá trình xét nghiệm.

Học giả: Đánh cược với đời sống của người dân, chống dịch theo kiểu làm chính trị

Hiện giờ thế giới đang chú ý đến việc Thượng Hải có thay đổi chính sách phòng dịch hay không.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, rất nhiều nhân sĩ giới học thuật và chính trị ở ngoài Trung Quốc cho biết họ không hiểu biện pháp phong tỏa ‘zero COVID’ trong làn sóng dịch mới nhất tại Trung Quốc, bởi vì thảm họa thứ cấp của dịch bệnh lớn hơn bản thân thảm họa do dịch bệnh gây ra. Ông Lý Hằng Thanh, học giả tại Viện nghiên cứu Thông tin và Chiến lược (Mỹ) phân tích, Trung Quốc đánh cược sinh kế của người dân để phòng dịch theo kiểu làm chính trị, khó có thể tượng tượng được về việc Thượng Hải phong tỏa để thực hiện ‘zero COVID’. Ông nói: “Tôi nghĩ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đến hiện tại đã phát triển đến cực điểm, hiện đã gây ra sự hoảng loạn cho toàn dân, chẳng hạn như thảm họa thứ cấp, không cách nào chịu đựng nổi. Ví dụ các y tá ở Thượng Hải không cách nào đi khám bệnh và cuối cùng phải mất mạng. Không có đồ ăn, bệnh viện dã chiến giống như nhà tù, sau khi đến đó thì hoàn toàn bị bao vây ở trong đó. Vì vậy, những việc như thế này rất đáng sợ. Nhưng đồng thời nó cũng tác động rất lớn đến bản thân nền kinh tế.” 

Ông Lý Hằng Thanh nói rằng bởi vì Trung Quốc đang thực hiện chống dịch theo kiểu làm chính trị, do đó mô hình ‘zero COVID’ không có quá nhiều khả năng chấm dứt trong ngắn hạn.

Ông Hồ Bình, tổng biên tập danh dự của tạp chí “Mùa xuân Bắc Kinh”, cho rằng câu trả lời về dữ liệu do Thượng Hải thông báo phản ánh 2 khả năng, hoặc là số liệu giả, hoặc là mượn cơ hội để tăng cường kiểm soát người dân trong nước (Trung Quốc) và áp chế ý kiến bất đồng trong nội bộ đảng. 

Ông nói: “Vì tỷ lệ bệnh nặng và tỷ lệ tử vong rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả bệnh cúm, nhưng tại sao vẫn không từng bước mở cửa và sống chung với virus? Vì sao vẫn cố thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt, zero COVID động, làm việc hao tài tốn của và không ai được yên? Vậy thì chỉ có 2 câu trả lời, hoặc là dữ liệu giả, giả một cách rất bất thường. Kỳ thực có rất nhiều người có triệu chứng nặng và tử vong, do đó chính quyền mới buộc phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt thành phố. Còn nếu số liệu là thật, số liệu không chệch với thực tế là bao, tỷ lệ tử vong của đợt dịch lần này nếu đúng là rất thấp, sở dĩ chính quyền vẫn muốn làm nghiêm ngặt, vậy là có dụng ý khác, là muốn mượn cơ hội này để tăng cường kiểm soát đối với người dân trong nước, mượn cơ hội này để tăng cường đàn áp tiếng nói bất đồng trong đảng.”

Mời xem thêm các bài khác về tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải tại đây.