Ngày 1/2 Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc thông báo rằng phát hiện 24 trường hợp nhiễm biến chủng mới Omicron CH.1.1 và nhánh phụ của chủng này. Biến chủng Omicron CH.1.1 được một nhà dịch tễ học người Úc đặt tên là “Orthrus”, trong thần thoại Hy Lạp có nghĩa là “chó hai đầu”.

shutterstock 2082101371
(Ảnh minh họa: Carl DMaster/Shuttertock)

24 trường hợp nhiễm biến chủng CH.1.1

Theo Weibo của Tân Hoa Xã nhà nước Trung Quốc, ngày 1/2 CDC Trung Quốc đã công bố thông tin cho hay kể từ ngày 30/1, phát hiện tổng cộng 24 trường hợp COVID-19 chủng biến chủng Omicron CH.1.1 và phân nhánh, chủng này thuộc phân nhóm thế hệ thứ 6 biến chủng BA.2.75 của Omicron.

Ngày 13/11/2022, báo cáo từ Thiên Tân – Trung Quốc cho hay lần đầu phát hiện nhánh tiến hóa CH.1.1 trong mẫu bệnh của người từ Thái Lan đến. Tính đến ngày 30/1/2023, tổng số 24 trường hợp nhiễm CH.1.1 và phân nhánh của chủng này được cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện có nguồn từ 15 nước hoặc khu vực, chưa phát hiện ca nhiễm tại bản địa Trung Quốc liên quan chủng này.

Theo CDC Trung Quốc, dù khả năng thoát miễn dịch và lợi thế lây nhiễm của biến chủng CH.1.1 đã mạnh hơn, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm đột phá và tái nhiễm, nhưng hầu hết mọi người ở Trung Quốc đã có kháng thể trung hòa ở mức độ cao, có tác dụng bảo vệ chéo nhất định đối với CH.1.1 nên trong thời gian ngắn chủng này sẽ không gây ra bùng phát dịch quy mô lớn.

Biến chủng “chó hai đầu” đã lây lan tại ít nhất 72 nước và khu vực

Đài Á châu Tự do có cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn phức tạp, những tháng gần đây một loại biến chủng Omicroncó tên “chó hai đầu” (Orthrus) CH.1.1 đã lan rộng ra ít nhất 72 nước hoặc khu vực, bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan. Các nghiên cứu ở nhiều nước phương Tây đã chỉ ra biến chủng này có khả năng lây truyền mạnh và dễ gây bệnh nặng.

Nguồn tin trích dẫn trang web cơ sở dữ liệu outbreak.info về virus chỉ ra rằng CH.1.1 là một trong những nhánh của biến chủng Omicron BA.2.75, tốc độ lây lan của chủng này đã tăng nhanh kể từ tháng 11 năm ngoái và hiện chiếm khoảng 10% các mẫu thử nghiệm hàng ngày trên toàn cầu. Nhà dịch tễ học người Úc Mike Honey đặt tên cho CH.1.1 là Orthrus, danh xưng này trong thần thoại Hy Lạp là “chó hai đầu”.

Một bài báo được xuất bản gần đây bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Ohio (Mỹ) đã chỉ ra rằng “Đột biến L252R được tìm thấy trong protein S của CH.1.1 cũng được thấy trong biến chủng Delta, chúng dễ liên kết với thụ thể ACE2 hơn giúp thoát được miễn dịch, có thể khiến vắc-xin không hiệu quả, làm bệnh tình dễ nghiêm trọng hơn”.

Thông tin dẫn nhận định của nhà sinh học máy tính tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ là Cornelius Romer đã công bố một báo cáo vào tuần trước cho biết, CH.1.1 và XBB.1.5 có khả năng lây lan cao, được ước tính tốc độ trung bình sẽ tăng gấp đôi cứ sau hai tuần. Ngày 25/1 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê CH.1.1 là một loại biến chủng cần được theo dõi.

Ngày 30/1 tại cuộc họp báo Cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung của Chính phủ Trung Quốc, nhà nghiên cứu Trần Thao (Chen Cao) tại Viện bệnh do virus thuộc CDC Trung Quốc cho biết, chủng chính trong đợt dịch lần này tại Trung Quốc vẫn là BA.5.2 và BF.7, đến nay chưa phát hiện chủng virus trội nào khác. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tổng cộng 1421 trình tự bộ gen của COVID-19 đã được báo cáo bởi các tỉnh khác nhau, qua đó phát hiện 11 nhánh tiến hóa, trong đó những nhánh chính vẫn là BA.5.2 và BF.7.

Theo trang web của CDC Trung Quốc, từ ngày 1/12/2022 – 30/1/2023, tổng cộng 11.878 trình tự bộ gen của các trường hợp nhiễm COVID-19 đã được báo cáo ở Trung Quốc Đại Lục, tất cả đều là các biến chủng Omicron, tổng gồm 26 nhánh tiến hóa.