Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 7/11, xuất khẩu Trung Quốc đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp, đẩy nhanh hơn đà suy thoái kinh tế nước này. Do tồn kho dư thừa và đơn đặt hàng giảm, nhiều công ty ở Trung Quốc phải cho nghỉ làm đến năm sau.

shutterstock 562081186 scaled
Ngày 26/11/2012, công nhân một nhà nhà máy ở Khu công nghiệp sông Dương Tử, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đang may gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. (Ảnh: humphery / Shutterstock)

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 10

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/11, xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh trong tháng 10, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn kỳ vọng của thị trường. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Xuất khẩu luôn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc, việc sụt giảm liên tục này đã ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề việc làm.

Dữ liệu cho thấy mức giảm xuất khẩu trong tháng 10 tiếp tục mở rộng từ mức giảm 6,2% trong tháng 9. Trừ giai đoạn phục hồi ngắn ngủi trong tháng 3 và 4, xuất khẩu của Trung Quốc kể từ tháng 10 năm ngoái đã liên tục giảm.

Chuyên gia kinh tế Zhang Zhiwei tại Pinpoint Asset Management phân tích rằng xuất khẩu của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và châu Âu, nhu cầu có thể vẫn yếu trong những tháng tới.

Mặt khác, nhập khẩu của Trung Quốc tăng 3% trong tháng 10, đạt 218,3 tỷ USD. Tính từ cuối năm ngoái, đây là lần đầu tiên nhập khẩu của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tháng.

Tuy nhiên, ông Zhang Zhiwei nói với AFP rằng biểu hiện tích cực của hoạt động nhập khẩu trong tháng 10 không đủ để xác định có phải do nhu cầu trong nước Trung Quốc cải thiện. Các chỉ số khác cần được xem xét một cách toàn diện, chẳng hạn như dữ liệu doanh số bán lẻ, nhưng nhu cầu nội địa của Trung Quốc có thể sẽ phục hồi trong những tháng tới với việc thực hiện các chính sách tài khóa chủ động hơn.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, tính bằng USD, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay là 4900 tỷ USD, giảm 6%. Trong đó, xuất khẩu là 2790 tỷ USD, giảm 5,6%; nhập khẩu là 2110 tỷ USD, giảm 6,5%; thặng dư thương mại là 684,04 tỷ USD, giảm 2,7%.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khiêm tốn trong quý 3 khi Bắc Kinh nỗ lực đạt mục tiêu chính thức là tăng trưởng kinh tế khoảng 5% vào năm 2023, một trong những mục tiêu tăng trưởng thấp nhất so với nhiều năm trước được các quan chức đặt ra trong năm nay.

Dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 0,8% trong quý 1 và quý 2 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trong tháng 6 đạt mức cao kỷ lục trên 20%.

Chính quyền Bắc Kinh cho biết vào tháng trước rằng trong quý 4 năm nay, họ sẽ phát hành thêm 1000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ, với ưu tiên được sử dụng để tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Chính phủ cũng đã đưa ra các biện pháp kích thích có mục tiêu cho các ngành khác nhau, đặc biệt là thị trường bất động sản đang trì trệ.

Dữ liệu giá cả của Trung Quốc vào tháng 7 năm nay lần đầu tiên có dấu hiệu giảm phát kể từ năm 2021, làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn kinh tế ngày càng sâu sắc. Dữ liệu tháng 8 cho thấy sự phục hồi khiêm tốn.

Kinh tế Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn

Sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc bị hạn chế, lý do có thể vì người tiêu dùng và các công ty phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm lại và chi phí vay tăng cao.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới khi tác động của việc tăng lãi suất mạnh của các ngân hàng trung ương dần lộ rõ. Hầu hết các nhà kinh tế hiện nay đều dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong những tháng tới.

Đối với Trung Quốc, xuất khẩu yếu đồng nghĩa với việc trong năm nay và thậm chí cả năm 2024, Trung Quốc sẽ phải dựa vào nguồn tăng trưởng trong nước để duy trì phát triển kinh tế – đây là một thách thức lớn.

Trong lĩnh vực bất động sản mà nhiều người Trung Quốc dồn vào, việc Bắc Kinh siết chặt hoạt động này khiến giới đầu tư bất động sản đang co lại. Ở chiều ngược lại, điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến tiêu dùng khi các hộ gia đình – vốn đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh – tiếp tục kiểm soát chi tiêu và cố gắng sống qua ngày trong thời kỳ thị trường nhà đất suy thoái.

Các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây cho thấy, số lượng đơn đặt hàng doanh nghiệp Trung Quốc sụt giảm, hoạt động của ngành xây dựng và dịch vụ chậm lại, cho thấy nền kinh tế nước này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Trước thực trạng, Bắc Kinh gần đây đã tăng cường các biện pháp kích thích, bổ sung thêm hàng tỷ USD nợ đặc biệt cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt mùa hè.

Về vấn đề nhập khẩu của Trung Quốc chấm dứt 7 tháng giảm liên tiếp khi tăng 3% trong tháng 10, giới kinh tế cho hay vấn đề thể hiện các biện pháp kích thích của Bắc Kinh đang bắt đầu chuyển sang chi tiêu lành mạnh hơn cho hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng họ cảnh báo rằng các biện pháp kích thích của chính phủ cần phải tiếp tục.

Theo WSJ hôm 7/11, chuyên gia kinh tế Erin Xin của HSBC cho rằng mặc dù dữ liệu thương mại cho thấy nhu cầu trong nước Trung Quốc được cải thiện, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự tính Trung Quốc sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn và nhiều chi tiêu chính phủ hơn. Một số người ủng hộ việc cắt giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính trực tiếp khác cho các hộ gia đình để thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu, nhưng Chính phủ Trung Quốc cho đến nay tỏ ra không mấy hào hứng với những chính sách như vậy vì cho rằng chúng sẽ không mang lại lợi ích lâu dài.

Trong một báo cáo nghiên cứu tại Capital Economics, các chuyên gia kinh tế cho biết rằng nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng chậm trong những tháng tới khi nền kinh tế nội địa của Trung Quốc được cải thiện. Họ cho biết xu hướng giảm xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục cho đến khoảng giữa năm tới.

Hàng tồn kho quá độ, đơn hàng giảm thiểu

Bước vào tháng 11, bất ngờ có thông báo trên các mạng xã hội như Weibo và TikTok của nhiều công ty ở Chiết Giang, Hồ Bắc, Hà Nam… yêu cầu nhân viên tạm nghỉ định kỳ. Hiện nay, hầu hết các công ty ở Trung Quốc yêu cầu nhân viên nghỉ đều liên quan đến hàng tồn kho. Được biết, các nhà sản xuất ở Chiết Giang, Giang Tô, Hà Nam và những nơi khác không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho nghỉ, phần lớn là do điều kiện thị trường trì trệ khiến sản xuất chậm lại, áp lực tồn kho gia tăng và khó khăn trong việc quay vòng vốn.

Ngày 1/11, một công ty dệt kim ra thông báo tới toàn thể nhân viên, do tồn đọng hàng tồn kho nghiêm trọng nên năm nay nhà máy quyết định nghỉ kết thúc năm sớm. Các nhân viên xưởng kéo sợi sẽ nghỉ vào ngày 3/11, còn các nhân viên xưởng dệt sẽ bắt đầu kỳ nghỉ sau khi dệt xong số lụa còn lại. Thời gian làm lại bắt đầu sau năm mới, dự kiến ​​là ngày 27/02/2024 (ngày 18 tháng Giêng âm lịch), tình hình cụ thể sẽ được thông báo sau.

Một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Hà Nam là Nhà máy thép Xinya thông báo, hoạt động sản xuất kinh doanh ở tất cả các bộ phận phải đình chỉ, quyết định bắt đầu từ ngày 1/11 sắp xếp kỳ nghỉ cho nhân viên. Công ty sẽ dựa theo tình hình thị trường để bố trí kế hoạch sản xuất, sau đó mới thông báo cho nhân viên quay trở lại làm việc. Kỳ nghỉ dự kiến ​​kéo dài đến ngày 17/2/2024.

Trong một cuộc phỏng vấn với RFA vào ngày 7/11, ông Wang, người phụ trách kinh doanh tại một công ty thép ở Đường Sơn tỉnh Hà Bắc, cho biết rằng tình trạng dư thừa công suất đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy thép: “Nhà chức trách đã luôn áp chế không cho các nhà máy thép sản xuất nhiều hơn, nhưng trên thực tế không thể ngăn chặn công suất dư thừa; thứ hai là nhu cầu thị trường yếu vì nền kinh tế tổng thể không tốt, thép không thể bán được. Lượng thép bán ra hơi ít so với sản xuất nên có nhiều đợt giảm giá bán”.

Một người dân Chiết Giang cho rằng nhà chức trách nên suy ngẫm sâu sắc về hoàn cảnh của các công ty Trung Quốc: Tại sao nền kinh tế lại tệ đến vậy? Có nhận ra đó là vì chính sách sai lầm? Thiệt hại dịch bệnh COVID-19 gây ra cho nền kinh tế cũng là do môi trường chính trị của Trung Quốc, ảnh hưởng đó vẫn chưa kết thúc thậm chí hiệu ứng dây chuyền khiến tình hình chung càng tồi tệ hơn.