Liên quan đến hoạt động cấy ghép nội tạng vốn gây nhiều nghi vấn tội ác tại Trung Quốc, bài viết của tác giả Trương Thanh dưới đây minh chứng tính chất mafia của hoạt động này từ chia sẻ của một cư dân mạng. Trương Thanh cảnh báo rằng việc hợp pháp hóa cấy ghép nội tạng đã được Thủ tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lý Cường ký và ban hành vào tháng 12 năm ngoái, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.

thu hoach noi tang
Ngày 20/3/2024 tại Washington, Dân biểu Zachary Nunn phe Cộng hòa bang Iowa đã phát biểu tại phiên điều trần về nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ. (Nguồn: Madalina Vasiliu/Epoch Times)

Gần đây, một đoạn video lan truyền trên Internet gây chú ý, nội dung là một cư dân mạng Trung Quốc tiết lộ rằng nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay của anh ta không biết từ khi nào bị ràng buộc với “Mạng lưới dịch vụ tình nguyện hiến tặng và nhận nội tạng”, nhưng bản thân anh lại không biết gì về điều này. Anh ta cho rằng điều đó quá đáng sợ và nhắc nhở mọi người kiểm tra Alipay để xem liệu họ có bị ràng buộc kết nối như vậy hay không.

Sở dĩ cư dân mạng này thốt lên “quá đáng sợ” là vì bản thân anh ta chưa và sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện này, anh ta biết rất rõ đằng sau việc hiến tạng là gì, nhưng kết nối đó lại khiến anh đã trở thành một “tình nguyện viên” hiến tạng… Anh tìm thấy một dòng trên Alipay có nội dung: “Đồng bộ hóa thông tin đăng ký hiến tạng người với Alipay”. Anh hỏi: “Ai có quyền đồng bộ thông tin của tôi lên [đăng ký hiến tạng]?” Vấn đề quan trọng là anh này vừa được khám sức khỏe vào 4 ngày trước khi anh ‘bị đăng ký’ hiến tạng. Anh nói: “Tôi thực sự không biết sau này mình có được an toàn hay không?…”

Thông tin công khai cho thấy “Mạng lưới dịch vụ tình nguyện hiến và nhận nội tạng” được ra mắt vào năm 2014, vào tháng 10/2016 được Quỹ Phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc tiếp quản. Đại diện pháp lý của tổ chức này là Chủ nhiệm Hoàng Khiết Phu của Ủy ban Hiến và Cấy ghép Nội tạng người Trung Quốc.

hoàng khiết phu
Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu (Ảnh: Epoch Times)

Ngày mà cư dân mạng Alipay này bị ràng buộc là ngày 11/6/2022, tức là Ngày hiến tạng lần 6 của Trung Quốc. Truyền thông tại Trung Quốc từng đưa tin: “Dữ liệu cho thấy số người đăng ký hiến tạng thông qua Alipay vào ngày hiến tạng hôm đó tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước”. Có thể vì để thu hút nhiều người hơn “đăng ký hiến tặng” vào này, họ đã liên kết thông tin tài khoản Alipay của một số người với nền tảng hiến tạng, mặc dù những chủ nhân tài khoản Alipay đó không có ý định hiến tạng.

Điều đáng chú ý là cư dân mạng dùng Alipay này vừa mới khám sức khỏe 4 ngày trước khi bị ràng buộc vào nền tảng hiến tạng. Sau khi kiểm tra thể chất đó thì ngay lập tức anh thành “tình nguyện viên hiến tạng”. Điều này thực sự rùng rợn, vì lẽ nhiều người bị tai nạn sau khi khám sức khỏe, bao gồm tai nạn ô tô, ngất xỉu không rõ nguyên nhân…, sau đó họ bị xem là chết não khi được đưa đến bệnh viện và gia đình họ bị thuyết phục hiến tạng. Qua các nguồn thông tin đại chúng Trung Quốc cho thấy vấn đề này đã hình thành một chuỗi sự kiện hoàn chỉnh. Ví dụ trang web của một bệnh viện quảng bá đầy táo bạo: “Việc đăng ký làm tình nguyện viên hiến tạng sẽ củng cố quyết tâm hiến tạng của gia đình người đăng ký sau khi họ qua đời”.

Vì vậy, cư dân mạng này không khỏi phải thốt lên: “Tôi thực sự không biết sau này mình có được an toàn hay không. Mọi người có hiểu ý tôi không?”

Lo lắng của anh ta không phải vô căn cứ, vụ việc Hồ Hâm Vũ (Hu Xinyu) và vụ việc người họ Vương (Wang) tại trường Cao đẳng Tùng Điền (Songtian) – Quảng Châu gây dậy sóng công luận Trung Quốc đều bắt nguồn từ một cuộc khám sức khỏe. Vấn đề khiến không thể không hỏi còn bao nhiêu điều tương tự chưa bị vạch trần?

Chưa kể một người chết não nếu hiến nội tạng cứu sống nhiều người được truyền thông ca ngợi là “tinh thần yêu thương”, nhiều người chết não do tai nạn là những người trẻ tuổi mà trước đó họ vừa trải qua kiểm tra thể chất hoặc hiến máu.

Số liệu năm 2019 từ trang savelife.org.cn về tình nguyện viên hiến tạng Trung Quốc cho thấy, thanh niên sinh vào những năm 1980, 1990 và 2000 chiếm 87,9% tổng số tình nguyện viên, lần lượt chiếm 29,8%, 53,5% và 4,6%. Đến năm 2023, tổng số người đăng ký hiến tạng là 2.466.851 người.

Ngày 22/3 nhà sử học Trương Lập Phàm (Zhang Lifan) đã đăng trên X: “Từ ngày 1/5/2024 việc cấy ghép nội tạng sẽ được hợp pháp hóa! Hãy chăm sóc tốt con cái của bạn và bảo vệ chính mình!” Ông cũng nhắc nhở: “Mỗi năm 2,5 triệu người đã biến mất một cách bí ẩn: nội tạng của họ được vào thị trường chợ đen”. “Mỗi năm gần 200.000 trẻ em biến mất, một số trẻ bị biến thành công cụ kiếm tiền”.

Ông cũng cho biết: “Trên thế giới có rất nhiều người chết não, trừ giác mạc có thể được cấy ghép khi người cung cấp đã chết, còn lại các ca cấy ghép nội tạng khác đều yêu cầu cấy ghép từ người hiến tặng còn sống”.

Việc hợp pháp hóa cấy ghép nội tạng mà ông đề cập là “Quy định về hiến và cấy ghép nội tạng người” được Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường ký và ban hành vào tháng 12 năm ngoái, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.

Như vậy kể từ ngày 1/5 năm nay, ngành công nghiệp “mang màu sắc mafia” cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ đã chính thức được hợp pháp hóa: Điều này giống như một con quỷ ăn thịt người được nuôi dưỡng trong điều kiện nuôi nhốt cuối cùng có thể được thả ra khỏi chuồng để ăn thịt người một cách công khai; giống như chuỗi công nghiệp yêu cầu cung cấp nguyên liệu thô, chế biến và sản xuất, đầu ra thành phẩm, hậu cần và vận chuyển, “ngành công nghiệp mafia” này cũng yêu cầu đầu vào là nội tạng người tươi mỗi ngày, và kênh bảo vệ hoạt động vận chuyển nội tạng tươi độc đáo của Trung Quốc đó chính là ĐCSTQ.

Kể từ năm 1999 khi ông Giang Trạch Dân khởi động chiến dịch trấn áp Pháp Luân Công thì hoạt động cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng. Khi hoạt động mang màu sắc mafia này phát triển, không chỉ các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù bất hợp pháp mà cả những người theo đạo Cơ đốc, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp và cầm tù ở Trung Quốc cũng trở thành nguồn cung cấp loại nội tạng sống này. Giờ đây ‘vòi mafia’ này lại được ĐCSTQ hợp pháp hóa khiến những trường hợp tương tự như vụ Hồ Hâm Vũ, Trương Tân Vỹ (Zhang Xinwei)… thành những nguồn cung tạng mới. Đồng phạm của ‘vòi mafia’ này có thể là các nhóm bắt cóc, công an và thậm chí cả lãnh đạo địa phương của ĐCSTQ hay lãnh đạo bệnh viện…

ĐCSTQ đã tạo ra cái bẫy khủng khiếp chưa từng thấy của xã hội Trung Quốc khi coi người dân Trung Quốc như “mỏ người”, bất cứ ai cũng có thể trở thành vật hy sinh trong hoạt động mafia “hiến tạng” – đặc biệt là những người tuổi trẻ được xem là nguồn cung nội tạng chất lượng cao!