Tình trạng suy thoái kinh tế và thất nghiệp tràn lan hiện nay của Trung Quốc cho thấy, những ‘khế ước xã hội’ từ bất thành văn như ‘hy sinh tự do chính trị’ đến công khai như ‘thịnh vượng chung’ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy đã hoàn toàn sụp đổ.

Kinh te Trung Quoc
(Ảnh minh họa: poludziber/ Shutterstock)

Các nguồn tin chính thức từ Trung Quốc cho thấy 296 triệu lao động nông thôn di cư tới các đô thị của Trung Quốc phải đối mặt với thực trạng việc làm bấp bênh, trong khi những sinh viên mới tốt nghiệp đại học càng gặp khó khăn về việc làm, tầng lớp trung lưu thành thị chịu tổn thất nặng nề trong cuộc khủng hoảng bất động sản, còn giới giàu có cũng điêu đứng vì các cuộc đàn áp của nhà chức trách đối với các ngành nghề họ đầu tư.

Đặc biệt là đối với doanh giới nước ngoài, các quy định an ninh quốc gia của ĐCSTQ khiến họ lo ngại, khiến nhiều công ty phải chuyển hướng đầu tư, vì an ninh của họ cũng vì nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo an toàn.

Nhưng ĐCSTQ vẫn tuyên bố rằng mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Vốn dĩ trong quá khứ ĐCSTQ thả lỏng hoạt động thương mại để đổi lấy sự thờ ơ của mọi người về quyền tự do chính trị, nhưng giờ đây “khế ước xã hội” đó đã chuyển từ lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm sang những lời hứa mơ hồ về cái gọi là “an ninh”“cuộc sống tốt đẹp”.

Đài VOA dẫn tin theo các nhóm nhân quyền và nhà kinh tế, các cuộc đình công và biểu tình của công nhân Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua, dự kiến ​​sẽ trở nên thường xuyên hơn, trong khi nhu cầu toàn cầu yếu buộc các nhà xuất khẩu phải cắt giảm lương công nhân và đóng cửa các nhà máy. Xuất khẩu và sản lượng nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc giảm mạnh do suy thoái kinh tế, buộc Mỹ và châu Âu phải cắt giảm đơn đặt hàng đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

Tờ Financial Times dẫn lời người đàn ông họ Chu làm việc ở Bắc Kinh cho biết: “Tôi không biết ai chịu trách nhiệm vấn đề suy thoái kinh tế, chỉ biết rằng nền kinh tế Trung Quốc năm nay thực sự tồi tệ, tình trạng người bị mất việc làm diễn ra ở khắp Trung Quốc”.

Công việc của ông Chu là tạo ra dòng tiền giả trong việc thành lập các công ty vỏ bọc cho các chủ doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn, sau đó những người chủ doanh nghiệp kia sử dụng các công ty vỏ bọc để vay nợ mới nhằm trả các khoản nợ cũ. Nhưng ngay cả hoạt động kinh doanh phát triển được cho là rất phù hợp với suy thoái kinh tế này cũng không trụ được trước thực tế: Doanh thu của ông Chu tháng trước giảm chỉ còn phần nhỏ, khiến ông dự định trở về quê hương ở Hà Nam để kinh doanh bán trứng gà.

Từ hy sinh tự do chính trị

Một bài bình luận trên Đài RFA cho hay, kể từ thảm sát phong trào dân chủ tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ĐCSTQ đã luôn thực hiện kiểu “khế ước xã hội” (social contract) bất thành văn đối với người Trung Quốc: Cho người dân một cuộc sống nhìn chung ổn định, đổi lại là người dân phải trả giá bằng hy sinh quyền tự do chính trị.

Nhưng trong 10 năm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, các vấn đề đối nội và đối ngoại của Trung Quốc ngày càng khiến cuộc sống đa số người dân thường Trung Quốc bất ổn, đặc biệt trong 3 năm COVID-19 bị nhà cầm quyền áp đặt chính sách ‘Zero COVID’ kiểm soát xã hội.

Hệ quả là chính khế ước mà ĐCSTQ áp đặt đó cũng bị hủy hoại – vấn đề không chỉ vì mô hình phát triển cũ của Trung Quốc không còn thực sự hiệu quả, còn vì lòng tin đối với nhà cầm quyền bị mất do tính bấp bênh trong chính sách.

Đến ‘thịnh vượng chung’

Vào tháng 8/2021 tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu về “thịnh vượng chung”. Ông cho rằng các cán bộ phải “kiên quyết kiềm chế vấn nạn để tư bản bành trướng tùy tiện”, qua đó để ổn định vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ trong khu vực công trên cơ sở bằng một cách nào đó giữ được nhiệt huyết của doanh nghiệp.

Những lời phát biểu này cũng cho thấy các kế hoạch cải cách trong quá khứ bị xét lại: ĐCSTQ đã sửa đổi Luật chống độc quyền để hạn chế những ‘gã khổng lồ’ Internet như Alibaba, đồng thời thúc đẩy một loạt biện pháp siết chặt xu thế đầu tư tư nhân trong ngành giáo dục.

Sau khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ 3 thì tình hình còn kinh khủng hơn: Phát động một cuộc đàn áp nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của đội ngũ nhân viên mới. Những biện pháp đó làm suy yếu tiềm năng phát triển và khả năng cung cấp việc làm của nhiều ngành nghề, hệ quả khi các công ty cắt giảm việc làm thì giới trẻ sẽ khó tìm được việc làm hơn.

Tháng 8 năm nay, cơ quan chức năng ĐCSTQ công bố dữ liệu gây sốc: Trong số công dân Trung Quốc từ 16 – 24 tuổi, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đạt mức cao kỷ lục 21,3%. Sau đó cơ quan chức năng quyết định đình chỉ việc công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc.

Tin tức mới nhất là nhà chức trách đang chuyển sự chú ý từ ngành bất động sản sang ngành tài chính để nhổ tận gốc nạn tham nhũng.

Tờ WSJ dẫn nguồn thạo tin vấn đề này nói rằng, ông Tập Cận Bình đã nói rõ trong cuộc họp vào tháng 9 rằng sẽ nỗ lực để chấn chỉnh ngành bất động sản Trung Quốc, cho dù có ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế chung thì cũng phải chống tham nhũng đến cùng.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, chống tham nhũng là cách diễn đạt khác cho mục đích thanh lọc những người bất đồng chính kiến ​​trong ĐCSTQ.

Áp lực kinh tế khiến xã hội Trung Quốc có nhiều vấn đề xung đột hơn. Trong bối cảnh ngày càng nhiều người tìm cách lánh nạn khiến dòng vốn thoát khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn để đến nơi trú ẩn an toàn. Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc hôm 3/11 cho biết, nợ đầu tư trực tiếp trong cán cân thanh toán quốc tế của Trung Quốc trong quý 3 đã giảm 11,8 tỷ USD, đây là lần đầu tiên chỉ số đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc chuyển sang âm kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1998.

Dự liệu về hoạt động đầu tư quốc tế từ người di cư chỉ ra, năm nay người di cư khỏi Trung Quốc có 13.500 cá nhân có giá trị ròng cao với tài sản có thể đầu tư vượt quá 1 triệu USD.

Nói với Financial Times, nhà nghiên cứu Neil Thomas tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á (Asia Society policy Institute) cho hay: “Bi kịch trong chính sách kinh tế của Tập Cận Bình là ông ấy đã xác định được một số vấn đề mà Trung Quốc cần giải quyết, nhưng ông ấy đã đi sai đường”.