Ngày 11/3, ông Lý Cường (Li Qiang), người từng là thư ký của ông Tập Cận Bình, được bầu làm tân Thủ tướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong cuộc bỏ phiếu có 3 phiếu chống và 8 phiếu trắng.

Lý Cường Bí Thư Thượng Hải
Bí thư Thượng Hải Lý Cường là thân tín của ông Tập Cận Bình. (Ảnh chụp màn hình video)

Vào ngày 11/3, tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 của ĐCSTQ, ông Lý Cường được bổ nhiệm làm Thủ tướng Quốc vụ viện với 2947 người bỏ phiếu, 2936 phiếu thuận, 3 phiếu chống, 8 phiếu trắng.

Ông Lý Cường, 64 tuổi, chưa có kinh nghiệm làm phó thủ tướng mà chỉ từng là lãnh đạo địa phương, thân phận đáng chú ý nhất của ông là từng làm thư ký của ông Tập Cận Bình khi ông ở Chiết Giang.

Khi ông Tập phụ trách Chiết Giang từ năm 2002 đến 2007, ông Lý Cường được thăng chức Tổng Thư ký Tỉnh ủy Chiết Giang năm 2004 và trở thành “thư ký” của ông Tập Cận Bình vào thời điểm đó. Sau khi ông Tập  trở thành lãnh đạo ĐCSTQ vào năm 2012, ông Lý Cường đã một mạch thăng tiến, ông liên tiếp giữ các chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Tỉnh trưởng Chiết Giang; Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, Chủ nhiệm Ủy ban Nhân thường vụ Nhân đại tỉnh Giang Tô;  Ủy viên Bộ Chính trị trung ương, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Khi ông Lý Cường nắm quyền ở Thượng Hải, điều bị ngoại giới chỉ trích là việc cưỡng chế phong tỏa thành phố gần 3 tháng trong trận dịch năm ngoái. Trước khi thành phố phong tỏa, người dân chưa chuẩn bị tốt về vật chất, điều kiện. Việc đóng cửa thành phố đã dẫn đến những bi kịch địa phương như chết đói và sinh non do thai phụ không thể đi khám chữa bệnh. Kinh tế của Thượng Hải cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau thảm kịch, ông Lý Cường không những không bị cách chức mà còn được thăng chức và trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương vào năm 2022.

Ông Lý Cường, với tư cách là Thủ tướng, sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong nước như suy thoái kinh tế của Trung Quốc, bao gồm tiêu dùng yếu, thất nghiệp gia tăng, thị trường bất động sản trì trệ, thiếu niềm tin kinh doanh, rắc rối nợ của chính quyền địa phương, dân số già hóa.  Đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề quốc tế như mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ, tình hình chống cộng quốc tế đang lên cao.

Ông Trey McArver, đồng sáng lập công ty tư vấn Trivium China, cho biết do ông Lý Cường thiếu kinh nghiệm về chính quyền trung ương và việc phong tỏa Thượng Hải do COVID, nên ông Tập có thể đã dành rất nhiều vốn liếng chính trị để thúc đẩy ông Lý Cường đảm nhận chức thủ tướng. “Ông Tập Cận Bình rõ ràng nghĩ rằng ông Lý Cường là một người rất có năng lực, việc đặt ông ấy vào vị trí này bởi là vì ông Tập tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều đối với ông ấy.”

Ông Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, cho biết trong một báo cáo gần đây của Bloomberg rằng về cơ bản, vai trò thủ tướng có ảnh hưởng như thế nào sẽ phụ thuộc vào ông Tập Cận Bình. “Việc ra quyết định có thể sẽ tập trung vào ông Tập hơn và kém linh hoạt hơn.” “Đối với ông Lý Cường, rõ ràng chức năng của ông ấy sẽ là biến những tham vọng và khuynh hướng của ông Tập thành một chương trình nghị sự chính sách, chứ không phải là đưa ra một trọng tâm hoặc quan điểm khác hẳn.”

Bà Alicia Garcia Herrero, trưởng bộ phận kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis SA, cho biết: “Việc cải cách toàn diện đất nước là một cách khác để ông Tập Cận Bình đảm bảo rằng ông ấy kiểm soát tất cả các đòn bẩy quyền lực, điều này sẽ để lại rất ít khoảng trống cho ông Lý Cường hoạt động độc lập.” Bà cho rằng mối quan hệ thân thiết của ông Lý Cường và ông Tập “chỉ có nghĩa là ông ấy sẽ nghe lời hơn ông Lý Khắc Cường”.