Ngày 21/8, ngày ông Tập Cận Bình đến thăm Nam Phi, trên Internet có thông tin nói rằng một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đã gặp tai nạn ở eo biển Đài Loan, và “tất cả thủy thủ đoàn đều đã tử vong”. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã ra tay “bác bỏ tin đồn”, phủ nhận đó không phải là sự thật. Cùng lúc đó, các kênh truyền thông cá nhân ở nước ngoài đã đăng tin và trích dẫn thông tin nội bộ từ quân đội ĐCSTQ, chứng thực rằng đúng là có một tàu ngầm hạt nhân của ĐCSTQ xảy ra chuyện, nhưng xảy ra ở Hoàng Hải. Vụ tai nạn xảy ra khi tàu ngầm này đang thực hiện nhiệm vụ đánh giá hoạt động thử tải và thử nghiệm chìm, khiến 55 người thiệt mạng, trong đó có 22 sĩ quan.

tau ngam 093 Trung Quoc
Mẫu tàu ngầm 093 của Trung Quốc đã hoạt động được gần 15 năm. Các con tàu này dài khoảng 106 mét và được trang bị ngư lôi. (Ảnh chụp màn hình video)

Điều thú vị là, một mặt ĐCSTQ thông qua truyền thông đăng bài phủ nhận thông tin tiết lộ này, nhưng mặt khác, họ cũng không phản hồi trực tiếp trong vòng 10 ngày. Cho đến ngày 31/8, Bộ Quốc phòng ĐCSTQ lên tiếng “bác bỏ tin đồn” một cách muộn màng, và chỉ phủ nhận việc tàu ngầm hạt nhân gặp tai nạn ở eo biển Đài Loan, nhưng không đề cập liệu tai nạn có xảy ra ở vùng biển khác hay không. Sau đó, có tin người nhà các cán bộ, chiến sĩ trên tàu không thể chờ được người thân của mình, lẽ ra đã sớm được nghỉ phép để về nhà, lúc đó các bên liên quan mới truyền ra thông tin xác nhận tàu ngầm gặp tai nạn.

Trong bối cảnh mọi người nghi ngờ, đã hơn một tháng trôi qua, về việc liệu tàu ngầm hạt nhân của ĐCSTQ ở Hoàng Hải có xảy ra chuyện gì hay không, có một số người tin, nhưng cũng có nhiều người không tin và phủ nhận. Tuy nhiên, ngày 3/10, tờ Daily Mail của Anh trích dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Anh xác nhận tàu ngầm hạt nhân của ĐCSTQ quả thực đã gặp nạn.

MailOnline
(Ảnh chụp màn hình bài viết của Daily Mail)

Theo báo cáo mật của cơ quan tình báo Anh, một vụ tai nạn lớn đã xảy ra vào ngày 21/8, khi tàu ngầm “093-417” của Hải quân ĐCSTQ gặp tai nạn lớn ở Hoàng Hải, hệ thống bị trục trặc khiến 22 sĩ quan trên tàu thiệt mạng, trong đó có thuyền trưởng Tiết Vĩnh Bằng (Xue Yongpeng), trong đó có 7 học viên sĩ quan, 9 hạ sĩ quan và 17 thủy thủ.  Tổng cộng 55 sĩ quan, binh sĩ thiệt mạng.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc nghiêm trọng như vậy là do sau khi hệ thống cung cấp oxy bị hỏng, tàu ngầm đã va phải dây neo do Hải quân ĐCSTQ móc dưới đáy biển để bẫy các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh, không thể kịp thời nổi lên. Phải mất ít nhất 6 giờ để sửa chữa xong hệ thống cung cấp oxy, cuối cùng không có gì ngạc nhiên khi toàn bộ sĩ quan, chiến sĩ trên tàu đều thiệt mạng do bị nhiễm độc.

Báo cáo cũng cho biết, Hải quân Hoàng gia Anh đã được hỏi về báo cáo tình báo của Anh, nhưng các quan chức từ chối bình luận hoặc phân tích nó. Báo cáo vẫn được giữ bí mật cao. Tuy nhiên, một thủy thủ tàu ngầm người Anh được phỏng vấn tin rằng tình huống này rất có thể xảy ra: “Vì những lý do hiển nhiên, tôi nghi ngờ liệu người Trung Quốc có tìm kiếm sự giúp đỡ từ quốc tế hay không.” “Nếu họ bị kẹt trong hệ thống mạng, và pin của tàu ngầm hết, thì cuối cùng hệ thống làm sạch không khí và xử lý không khí có thể bị hỏng.”

Mặc dù vậy, ông tin rằng có những hệ thống hỗ trợ để giúp đỡ họ, nhưng dường như chúng không hoạt động, dẫn đến ngạt thở hoặc ngộ độc. Ông cũng tiết lộ rằng Vương quốc Anh có một công nghệ mà các nước khác không có, đó là trong trường hợp này, có một bộ thiết bị có thể hấp thụ carbon dioxide và chuyển hóa thành oxy.

Báo cáo của cơ quan tình báo Anh cũng gián tiếp xác nhận những thông tin khác về vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân, độ tin cậy rất cao, đó là nguyên nhân cái chết là do ngộ độc khí độc; thuyền trưởng Tiết Vĩnh Bằng là giám định viên đánh giá tàu ngầm hạt nhân cấp cao nhất. Trong số những sĩ quan thiệt mạng có một tiến sĩ, kỹ sư hải dương học của Học viện Hải dương Washington năm 2010; vị này có địa vị về hải dương học ở Trung Quốc tương tự như ông Tiền Học Sâm (Qian Xuesen); 7 học viên là thuyền trưởng tương lai của các tàu ngầm hạt nhân hiện đang được chế tạo; các sĩ quan và binh sĩ đã chết được chôn cất tại Nghĩa trang Đảo Lưu Công (Liugong), cách Cảng Uy Hải 4 km.

Mẫu tàu ngầm 093 của Trung Quốc đã hoạt động được gần 15 năm. Các con tàu này dài khoảng 106 mét và được trang bị ngư lôi.

Tàu ngầm 093 là một trong những tàu ngầm tương đối hiện đại của Trung Quốc và được biết đến với độ ồn thấp.

Được biết, vụ chìm tàu ​​xảy ra ở vùng biển gần tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Tác giả viết bài suy đoán rằng báo cáo cực kỳ bí mật này của cơ quan tình báo Anh chắc chắn đến từ những người trong nội bộ ĐCSTQ, những người biết nội tình, hoặc là quân nhân, hoặc những người có liên quan đến quân đội. Việc rò rỉ thông tin tình báo như vậy hiển nhiên một lần nữa khiến cấp cao nhất của Trung Nam Hải phải đau đầu và lo lắng.

Cách đây không lâu, sau khi ông Tập Cận Bình bổ nhiệm tư lệnh và chính ủy mới cho Quân chủng Tên lửa, thông tin Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), các Phó Tư lệnh Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua), Lưu Quang Bân (Liu Guangbin) và Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong) đều gặp rắc rối. Nguyên nhân ngoài việc ông Tập lo lắng xảy ra đảo chính, còn liên quan đến chuyện Quân chủng Tên lửa bị nghi bán đứng tình báo và không trung thành với ông Tập Cận Bình.

Vào tháng 10/2022, một báo cáo do tổ chức tư vấn Đại học Không quân Mỹ công bố cho thấy, Mỹ biết mọi thứ về Quân chủng Tên lửa 150.000 quân của ĐCSTQ, bao gồm cơ cấu nhân sự, cơ cấu tổ chức, hệ thống chỉ huy, cơ sở hậu cần và danh tính của một số người phụ trách. Ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu Trung tá kiêm Sĩ quan Tham mưu Bộ Tư lệnh Hải quân ĐCSTQ, cho rằng đây chắc chắn không phải là thứ mà vệ tinh có thể bắt được, nhiều khả năng là do rò rỉ trong nội bộ Quân chủng Tên lửa, và người rò rỉ có liên quan đến tầng lãnh đạo cấp cao của Quân chủng Tên lửa.

Đối với ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình, Quân chủng Tên lửa là lực lượng răn đe hạt nhân “tam vị nhất thể” rất quan trọng, tích hợp trên bộ, trên biển và trên không. Nếu ông Tập muốn tấn công Đài Loan, Quân chủng Tên lửa sẽ là lực lượng tấn công không thể thiếu. Một sự cố trong Quân chủng Tên lửa đã khiến ông Tập Cận Bình gặp trở ngại trong ý định tấn công Đài Loan.

Điều mà quân đội ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình không ngờ tới, là sự cố với Quân chủng Tên lửa vẫn chưa được giải quyết, lại xảy ra một sự cố khác với tàu ngầm hạt nhân của ĐCSTQ. Điều này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch tấn công Đài Loan của ông Tập Cận Bình. Ngoài ra, có tin đồn Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và các tướng cấp cao trong hệ thống trang bị vũ khí đang bị điều tra, quân đội có thể nói là gặp họa liên miên. Trong khi các vụ việc này vừa làm tổn hại tinh thần quân đội, việc rò rỉ thông tin tình báo cốt lõi một lần nữa cũng khiến các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đau đầu và lo sợ. Bởi những thông tin tình báo bị rò rỉ này không chỉ vạch trần nội tình của Quân đội ĐCSTQ, mà còn đẩy Trung Nam Hải vào thế bị động.

Đánh giá từ những thông tin được tiết lộ và rò rỉ trong và ngoài nước, những người rò rỉ thông tin trong nội bộ ĐCSTQ thường xuyên xuất hiện trong những năm gần đây, từ các cuộc đấu đá ở cao tầng của ĐCSTQ và tham nhũng trong nội bộ quân đội cho đến các bài phát biểu nội bộ của các nhà lãnh đạo và tin tức gây chú ý. Đây là lý do tại sao nhiều tin đồn xuất hiện khắp nơi bên ngoài Trung Quốc. Họ đã tiết lộ bí mật của ĐCSTQ, vì sắc tình, tiền bạc, sự bất mãn với ĐCSTQ hoặc do các thế lực chống Tập trong nội bộ ĐCSTQ. Rõ ràng, những người rò rỉ thông tin này sẽ không biến mất khi ĐCSTQ tăng tốc rẽ trái và trải qua nhiều đợt thanh trừng trong đảng và quân đội. Lãnh đạo Trung Nam Hải, mỗi ngày lo lắng cho sự an toàn của bản thân, có lẽ muốn biết: Kẻ rò rỉ thông tin có mặt khắp nơi là ai? Thế lực nào đứng đằng sau họ? Còn bao nhiêu bí mật nữa sẽ bị rò rỉ trong tương lai? Chỉ là câu trả lời có thể khó tìm ra.

Chu Hiểu Huy
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)