Gần đây, công luận Trung Quốc đã nóng lên vấn đề liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có đang đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ như thời Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông hay không. Lý do vì hệ thống toàn trị này đã liên tục thanh trừng các ‘gã khổng lồ’ công nghệ, giới doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn và thậm chí cả ngành giải trí…

id13061557 2021 07 01 152304 600x400 1
Trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ ngày 1/7, ông Tập Cận Bình, chủ tịch ĐCSTQ đã có bài phát biểu trên cổng thành Thiên An Môn. (Ảnh chụp màn hình video, Epoch Times ghép ảnh)

Trong một bài viết công bố ngày 29/8 được hàng chục cơ quan truyền thông ĐCSTQ truyền tải lại, dường như đã góp phần giải đáp vấn đề. Bài viết có tiêu đề: “Mọi người đều có thể cảm nhận, một sự cải cách sâu sắc đang được tiến hành”. Nhà bình luận thời sự Tang Phổ (Sangpu) mô tả bài viết đã thành điểm nhấn làm lộ rõ bộ mặt thật của ĐCSTQ, cho thấy chế độ của ông Tập Cận Bình đang trong tình trạng bất ổn, đã chính thức kêu gọi cho cuộc Cách mạng Văn hóa lần thứ hai và cuộc đại thanh trừng lần này sẽ khá bi thảm.

Hàng chục tổ chức truyền thông hưởng ứng

Tối ngày 29/8, hàng chục phương tiện truyền thông của ĐCSTQ (gồm Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, CCTV, Chinanews, Hoàn Cầu, Quang Minh nhật báo…) đồng loạt chuyển tiếp bài viết nêu trên của tác giả Lý Quang Mãn (Li Guangman). Bài viết nhắc lại những vấn đề được dư luận trong và ngoài Trung Quốc quan tâm nhất: bắt đầu từ màn chỉnh đốn mới nhất liên quan giới giải trí gồm những nhân vật tâm điểm như Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Cảnh Sảng; nhấn mạnh việc Ant Group bị đình chỉ niêm yết, Alibaba bị phạt 18,2 tỷ, điều tra Didi; cho đến chỉ đạo của ông Tập Cận Bình về “sự thịnh vượng chung”.

Bài báo sau đó đã “định vị” cho những hiện tượng này: Trung ương ĐCSTQ chấn chỉnh các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa cho đến chính trị là để đối phó với “cuộc cách mạng màu” do gián điệp Mỹ đang rình rập ở Trung Quốc. Tác giả chỉ rõ thêm rằng thay đổi sâu sắc này cũng chính là sự trở lại: “Trở về với lý tưởng ban đầu của ĐCSTQ, trở lại với lấy nhân dân làm trung tâm, trở về với bản chất của chủ nghĩa xã hội”. Bài viết cũng chỉ ra rằng thị trường tư bản sẽ không còn là thiên đường cho các nhà tư bản làm giàu chỉ qua một đêm, thị trường văn hóa sẽ không còn là thiên đường cho các ngôi sao bán nam bán nữ, tin tức xã hội sẽ không còn là nơi tôn thờ văn hóa phương Tây, “cần quay về với màu đỏ [tinh thần cộng sản], trở lại với [chủ nghĩa] anh hùng [cách mạng]….”

Bài viết chỉ trích các nhà tư bản lớn không nổi dậy chống đế quốc và bá quyền mà chỉ phục vụ cho nước Mỹ, khiến thế hệ trẻ bị đánh mất khí chất nam tính mạnh mẽ, nếu vậy Trung Quốc sẽ sụp đổ mà không cần đến kẻ thù tấn công, giống như sự sụp đổ của Liên Xô cũ.

Khởi động cuộc Cách mạng Văn hóa lần thứ hai?

Trên kênh truyền thông cá nhân của tiến sĩ luật và nhà bình luận thời sự Tang Phổ sống tại Hồng Kông có nhận định, bài viết với tư tưởng ĐCSTQ quay về với những lý tưởng ban đầu được truyền thông nhà nước cổ vũ này đã phản ánh quan điểm của giới lãnh đạo ĐCSTQ hiện nay. Ông cho rằng “ đây là kèn lệnh của Tập Cận Bình phát động Cách mạng Văn hóa lần thứ hai tại Trung Quốc”.

Ông nói từ những biểu hiện kỳ lạ trong thời gian vừa qua như thanh trừng các tập đoàn kinh tế và tài chính, chỉ đạo “chia sẻ của cải” [vì thịnh vượng chung], chấn chỉnh chính trị đối với giới biểu diễn văn hóa nghệ thuật, và nhiều quan chức bị hạ bệ, bây giờ xem bài báo này có thể giúp nhiều người nhận rõ hơn: ĐCSTQ bắt đầu vu cáo tội danh “theo Mỹ” để nhắm vào những nhà tư bản lớn.

Ông chỉ ra rằng bài báo đã thể hiện bộ mặt thật của ĐCSTQ. Nhiều người thắc mắc tại sao ĐCSTQ lại giết hại “những con ngỗng đẻ trứng vàng” lợi hại nhất của họ? Bởi vì những nhà tư bản này ngày càng rời xa con đường của ĐCSTQ, như nhận định trong bài: “Dựa vào các nhà tư bản lớn của Trung Quốc tương đương với việc đưa Mỹ vào nhà”. Câu này đã cho thấy rất rõ ràng vấn đề các doanh nhân Trung Quốc ngày nay chỉ cần trực tiếp hoặc gián tiếp kiếm tiền từ người nước ngoài là phù hợp với định nghĩa của ĐCSTQ, theo đó họ nhất định bị thanh trừng, đấu tố.

Các nhà tư bản lớn là nơi rửa tiền? Hai lý do chính bị chỉnh đốn

Ông Tang Phổ đã phân tích hai lý do chính đằng sau điều này: Thứ nhất là thực tế ở Trung Quốc không có “nhà tư bản lớn” nào cả, họ chỉ là chỗ rửa tiền cho giới giới chóp bu quyền lực. Do đó, ông Tập Cận Bình hiện đang hành động để thu hồi lại.

Lý do thứ hai là liên quan đến sự thay đổi của toàn bộ tư duy chiến lược. Trước đây, mọi người nghĩ việc tập đoàn Ant Group bị ngăn chặn IPO là nhằm vào Jack Ma, nhưng sau đó cả ứng dụng của Didi cũng đã bị loại khỏi thị trường; tiếp đó là giáo dục, công nghệ, và thậm chí cả giao đồ ăn cũng bị thanh trừng. Như vậy có thể thấy toàn bộ tư duy chiến lược đã thay đổi khiến những ‘con ngỗng đẻ trứng vàng’ này cũng bị giết một cách không thương tiếc. Vì ĐCSTQ cảm thấy những thế lực đó đang làm lung lay nền tảng cầm quyền của mình, vì duy trì quyền bá chủ là điều cơ bản, còn kiếm tiền chỉ xếp thứ hai và quyền lực quan trọng hơn tiền bạc. Ai không hiểu sự thật này là không biết gì về ĐCSTQ.

Hồng vệ binh lịch lãm khoác áo phương Tây

Trong tình cảnh những người kiếm tiền từ nước ngoài bị gán là “kẻ phản bội bán nước”, ông Tang Phổ cho rằng “khả năng tiếp theo sẽ xảy ra màn thanh trừng lớn”. Cơn bão chính trị này đến có thể so sánh với Cách mạng Văn hóa năm 1967, chỉ là những kẻ có thể huy động giải quyết vấn đề không phải kẻ mặc đồng phục công nhân, đeo băng tay đỏ, đeo huy hiệu Mao Chủ tịch trên ngực, mà tinh vi hơn như mặc đồ phương Tây, diện mạo thanh lịch…

Ông cũng nói rằng gần đây đã có một làn sóng đấu tố trong lĩnh vực tài chính, theo đó những công ty có tài sản hoặc thu nhập có hoạt động quan trọng (China concepts stock) liên quan đến Mỹ là đối tượng bị xử lý. Còn trong lĩnh vực kinh tế thì dưới chiêu bài “thịnh vượng chung” thực hiện phân phối lại của cải xã hội đã là sở trường của ĐCSTQ.

Ly kỳ chuyện “chết vì đốt giấy”

Trong bối cảnh căng thẳng này, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính của ĐCSTQ là ông Kim Nhân Khánh (Jin Renqing) đã chết trong vụ hỏa hoạn tại nhà riêng vào ngày 27/7. Có thông tin cho rằng ông này đã bị chết cháy vì đốt tiền giấy cho người vợ đã chết trước đó 10 ngày. Thông tin gây ra nhiều nghi vấn. Ông Kim Nhân Khánh là Bộ trưởng Tài chính dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, một số cư dân mạng cho rằng cái chết của ông có liên quan đến vấn đề quan hệ chính trị và kinh doanh trong nhiệm kỳ của ông. Nhà bình luận Tang Phổ truy hỏi rằng nếu các nhà cầm quyền đương nhiệm thực sự muốn “truy cứu đến cùng” trong lĩnh vực kinh tế thì liệu các quan to khác đã nghỉ hưu như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào có lần lượt bị “chết vì đốt giấy”?

Cuối cùng, ông cho biết Trung Quốc đang xảy ra làn sóng doanh nghiệp di cư mạnh khiến tỷ lệ thất nghiệp nghiêm trọng làm đứt gãy chuỗi cung ứng công nghệ cao, tình hình rất u ám, có thể cảm nhận như đêm trước của cuộc Cách mạng Văn hóa sắp đến. Cuộc chạy đua xuống địa ngục đang diễn ra. Hệ thống chính trị của ĐCSTQ liên tục sản sinh ra Cách mạng Văn hóa là thực trạng chưa thể thay đổi.

Hà Giai Tuệ, Vision Times

Xem thêm: