Do nhu cầu giảm nên Mỹ và châu Âu đã cắt giảm đơn hàng sản xuất tại Trung Quốc, khiến nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc phải cắt giảm lương công nhân và nhiều nhà máy phải đóng cửa. Có nhóm hoạt động nhân quyền và là chuyên gia kinh tế cho biết, các cuộc đình công ở Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm và dự kiến ​​sẽ trở nên thường xuyên hơn.

shutterstock 700436785
Tàu không có container neo tại Cảng Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: Igor Grochev/ Shutterstock)

Xuất khẩu và sản lượng sản xuất tại Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 5 vừa qua. Dữ liệu xuất nhập khẩu Trung Quốc tháng 5 do Tổng cục Hải quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố hôm 7/6 cho thấy, xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 tiếp tục giảm so với kỳ vọng của thị trường, theo đó tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu là 283,50 tỷ USD, giảm 4,0% so với tháng trước và giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi tính tổng giá trị xuất nhập khẩu lũy kế của Trung Quốc từ tháng 1 – 5 là 501,19 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm 1,9% từ tháng 1 – 4 cùng kỳ năm ngoái thì lớn hơn 0,9 điểm phần trăm.

Reuters ngày 14/6 dẫn ý kiến của chuyên gia theo dõi lao động Trung Quốc cho biết, nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã đóng cửa hoặc gặp khó khăn trong việc trả lương cho công nhân hoặc trợ cấp thôi việc cho những công nhân thất nghiệp, vấn đề đã dẫn đến sự gia tăng các tranh chấp lao động.

Nhà nghiên cứu Aidan Chau tại tổ chức nhân quyền China Labour Bulletin (CLB) có trụ sở tại Hồng Kông nói: “Chúng tôi tin sự sụt giảm trong các đơn đặt hàng sản xuất và việc đóng cửa nhà máy sẽ tiếp tục… Các ông chủ đang cố cắt giảm chi phí bằng cách giảm thuê công nhân”.

Hơn 140 cuộc đình công trong 5 tháng đầu năm nay

CLB đã ghi nhận 5 tháng đầu năm nay, toàn Trung Quốc có hơn 140 cuộc đình công tại các nhà máy, vượt qua con số 113 được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2016 và là con số cao nhất kể từ năm 2016.

Dữ liệu của nhóm nhân quyền này chủ yếu dựa trên các cuộc biểu tình được đưa tin trên mạng xã hội, một số trong đó CLB có thể xác minh thông qua liên hệ với các công đoàn hoặc nhà máy, nhưng không phải tất cả các thông tin đều được xác minh.

CLB cho biết nhiều cuộc đình công tập trung ở trung tâm sản xuất của tỉnh Quảng Đông và đồng bằng sông Dương Tử của Trung Quốc, liên quan đến các nhà xuất khẩu, bao gồm các nhà máy sản xuất quần áo, giày dép và bảng mạch in.

Một video được dẫn trong nhật ký bản đồ đình công toàn quốc của CLB cho thấy hàng chục công nhân nữ tại Công ty Zhong Min Sportswear Goods Thâm Quyến bước ra khỏi khu nhà máy. Đoạn video được đăng trên mạng xã hội Douyin (TikTok bản Trung Quốc) vào ngày 24/5 với chú thích: “Ông chủ này đã hối lộ các quan chức thực thi pháp luật và lừa gạt tiền của công nhân”.

Một video khác do cùng một người dùng đăng tải cho thấy, một người quản lý nhà máy đang đọc tài liệu từ chối bồi thường cho công nhân, còn công nhân yêu cầu một bên thứ ba độc lập can thiệp.

Trong một video nữa được đăng vào ngày 26/5, một số công nhân đứng trên mái nhà của Nhà máy cáp điện (Xin Dian Cable Ltd. Co.) ở Thâm Quyến và giơ biểu ngữ có nội dung: “Ông chủ nợ lương chúng tôi”. Một video khác được phát hành vào tuần trước cho thấy các nhân viên của công ty tranh cãi với luật sư của công ty về tiền bồi thường. “Bạn cần thu thập những bất bình của công nhân và chuyển tải đến họ”, một nữ công nhân nói.

Reuters đã xác minh vị trí của video và ảnh bằng cách so sánh các đặc điểm của biển báo và tòa nhà với dữ liệu của Chế độ xem phố qua Google, nhưng không thể xác nhận thời gian của cuộc biểu tình. Các cuộc gọi đến nhà máy sản xuất cáp không được trả lời. Một người trả lời điện thoại tại Công ty Zhong Min cho biết cô không có bình luận gì.

Người dùng mạng xã hội Douyin đã không trả lời các câu hỏi của Reuters. Những người tham gia biểu tình thường bị lực lượng an ninh ĐCSTQ giám sát.

Nhiều ban ngành liên quan của ĐCSTQ như Bộ Công an, Bộ nguồn nhân lực, cảnh sát Thâm Quyến và Tổng Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc cũng không trả lời bình luận của Reuters.

Đình công có thể thành nan đề chính trị

Các nhà máy Trung Quốc chiếm 1/3 hàng hóa sản xuất của thế giới đã tạo thành chuỗi cung ứng phức tạp, do thực trạng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hơn là nhu cầu trong nước dẫn đến thặng dư thương mại khổng lồ tại Trung Quốc.

Giới hoạt động về công bằng lao động cho biết, các nhà sản xuất Trung Quốc khai thác lực lượng lao động từ hàng trăm triệu lao động nhập cư, nhiều người trong số họ chỉ được ký hợp đồng tạm thời hoặc không có hợp đồng.

Điều này khiến trong những trường hợp nhà máy tìm cách giảm chi phí thì người lao động dễ bị làm thêm giờ hoặc bị quỵt lương, bị cắt lương tạm thời hoặc chấm dứt việc làm mà không có thủ tục hoặc bồi thường hợp lý.

Người lao động khó có thể thắng trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Lực lượng an ninh ĐCSTQ sẽ nhanh chóng vào cuộc để giải tán những người biểu tình, còn các cơ quan kiểm duyệt thì xóa bằng chứng trên mạng xã hội về sự bùng phát xung đột.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng xu thế đình công đó có thể thành nan đề chính trị đau đầu đối với ĐCSTQ. Nhà kinh tế cấp cao Xu Tianchen của Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit (EIU) nói với Reuters: “Các công ty đang thông qua cắt giảm lương và nhân viên để thích nghi với thực tế dư thừa công suất… Nhưng việc này không chỉ có hại cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc mà còn có thể là nguồn gốc của sự bất ổn chính trị”.