Dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm ngoái đã được tiết lộ, nếu tính bằng đô la Mỹ, ghi nhận mức giảm gấp đôi. Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhận định, tăng trưởng chậm lại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nhấn mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc có thể duy trì ổn định và tăng trưởng, đồng thời tin tưởng vấn đề sẽ được cải thiện trong năm nay. Nhưng nhìn vào dữ liệu có đủ để củng cố niềm tin?

cang Trung Quoc
Cảng Diêm Điền (Yantian) thuộc Khu mậu dịch tự do Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 29/5/2022. (Ảnh” asharkyu / Shutterstock)

Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố dữ liệu mới nhất về xuất nhập khẩu, tính bằng đô la Mỹ, xuất khẩu tháng 12 năm ngoái tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (năm 2022), nhập khẩu tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tốt hơn hơn sự mong đợi của thị trường. Tuy nhiên, dữ liệu cả năm ngoái cho thấy cả nhập khẩu và xuất khẩu đều giảm, tổng giá trị xuất khẩu trong năm là 3.380 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu là 2.550 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu thương mại cả năm 823,22 tỷ USD.

Ông Lữ Đại Lương (Lu Daliang), người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho biết hôm thứ Năm (12/1) rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại so với những năm trước, điều này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhu cầu bên ngoài tiếp tục trì trệ.

Ông nói: “Sự sụt giảm nhập khẩu vào năm 2023 bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của mức giá hàng hóa. Lượng nhập khẩu của nước ta vẫn tăng, và chiếc bánh của chúng ta cũng không hề nhỏ đi. Từ các số liệu, có vẻ như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thực sự có sự chững lại. Nhưng điều chúng ta cần thấy nhiều hơn là thị phần xuất khẩu toàn cầu vẫn ổn định ở mức cao và lợi thế cạnh tranh của ngành sản xuất Trung Quốc vẫn vững chắc.”

Tổng cục Hải quan nhận định, hoạt động ngoại thương năm ngoái nhìn chung ổn định, có xu hướng tăng trưởng rõ rệt trong quý 4. Trong đó nhấn mạnh quy mô xuất nhập khẩu của Trung Quốc ổn định và ngày càng tăng, đặc biệt là ở “ba mặt hàng mới” như xe điện, pin lithium và pin mặt trời.

Bình luận: Xuất nhập khẩu Trung Quốc sụt giảm đáng sợ, khó dựa vào “ba mặt hàng mới” để lật ngược tình thế

Ông Trịnh Chính Bỉnh (Cheng Cheng-ping), giáo sư Khoa Tài chính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Vân Lâm ở Đài Loan, cho biết hiệu suất xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 12 năm ngoái tốt hơn kỳ vọng của thị trường, nguyên nhân có liên quan đến dữ liệu kém trong tháng 12 năm trước đó (năm 2022). Ông cũng cho biết, xét từ số liệu, xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm ngoái đã sụt giảm nghiêm trọng, ngay cả khi “ba sản phẩm mới” có kết quả nhất định và trở thành điểm nhấn tốt nhất trong xuất khẩu năm ngoái thì cũng khó đạt được sự phát triển quy mô lớn.

Ông nói: “Con số này trông khá đáng sợ, bởi chúng tôi chưa từng thấy xuất nhập khẩu giảm mạnh như vậy kể từ năm 2016, và khả năng thống trị vốn toàn cầu trong quá khứ cũng đã suy giảm. Một vài điểm sáng nằm trong đó là xe điện (Trung Quốc). Sở dĩ xe điện có biểu hiện tốt như vậy có liên quan đến thị trường Nga và thị trường thế giới thứ 3. Đặc biệt, tính hiệu quả về mặt chi phí của nó là điểm hấp dẫn đối với quốc gia lạc hậu này và một quốc gia đang bị cấm vận thương mại. Nhưng so các thị trường xe hơi châu Âu, Mỹ và Nhật Bản có tính năng và chất lượng cao thì tỷ lệ chấp nhận xe Trung Quốc rất thấp.”

Ông cho rằng tuyên bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về tình hình xuất nhập khẩu của Trung Quốc gần như mô tả tất cả các yếu tố xấu là tốt, thậm chí đảo ngược sự thật. Ông tin rằng nó phù hợp với chủ trương không nói xấu nền kinh tế, làm như vậy sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến độ đáng tin của dữ liệu chính thức.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 46% trong năm ngoái

Ông Trần Tùng Hưng (Tan Song Heng), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế mới tại Đại học Đông Hoa ở Đài Loan, cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu kém của Trung Quốc năm ngoái phản ánh sự rút dần của đầu tư trong và ngoài nước ở Trung Quốc. Nó cho thấy công tác phòng ngừa rủi ro đầu tư và điều chỉnh chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, cũng như các vấn đề địa chính trị như eo biển Đài Loan và Biển Đông, đã bước vào giai đoạn nhất định, khó có thể quay trở lại đầu tư. Nó đã giáng một đòn mạnh vào công xưởng thế giới của Trung Quốc và nền kinh tế khó phục hồi trong thời gian ngắn. Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga ghi nhận mức tăng trưởng 46,9% trong năm ngoái, nhưng ông Trần Tùng Hưng nói rằng vẫn còn nghi ngờ liệu mức tăng trưởng này có thể duy trì được hay không.

Ông nói: “Sau khi Nga bị trừng phạt kinh tế, quan hệ xuất nhập khẩu của Trung Quốc với Nga tất nhiên gần gũi hơn, nhưng liệu có cách nào để duy trì mối quan hệ này với Nga không? Điều này vẫn là nghi vấn, nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế Nga đến gần sự sụp đổ, thực lực kinh tế không còn mạnh như khi chiến tranh bắt đầu, dù là dự trữ ngoại hối hay sức mua, khoảng cách đã rất lớn, liệu có thể tiếp tục duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc hay không vẫn cần phải quan sát.”

Ông Trần cũng cho rằng cỗ xe tam mã (Xuất khẩu, Tiêu dùng, và Đầu tư công) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thiếu động lực, nếu vị thế công xưởng của thế giới không được đảm bảo, khả năng tạo ra ngoại hối thông qua xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không bao giờ quay trở lại và nền kinh tế sẽ khó quay trở lại mức đà tăng trưởng trước đó của nó.

Theo Trần Tử Phi, RFA