Năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp dân số Trung Quốc giảm do số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tăng cao khi nước này đột ngột chấm dứt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Niềm tin yếu ớt vào triển vọng kinh tế cũng dẫn đến mong muốn có con của người trẻ giảm sút và tỷ lệ sinh thấp.

Tre so sinh 1
(Ảnh minh họa: GOLFX/ Shutterstock)

Ngày 9/1, Reuters đưa tin, dữ liệu dân số được các nhà nhân khẩu học ước tính vào ngày 17/1/2023 cho thấy, do các vấn đề tồn tại lâu dài như bất bình đẳng giới và chi phí chăm sóc trẻ em cao, số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc vào năm 2023 thấp hơn năm 2022. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2016.

Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục. Ngày 17/7/2023, Cục Thống kê của ĐCSTQ công bố, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc trong tháng 6 là 21,3%, mức cao nhất từng được ghi nhận. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được khảo sát đã vượt qua 20% trong 3 tháng liên tiếp.

Ngày 17/7, bài viết của bà Trương Đan Đan (Zhang Dandan), Phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng nếu khoảng 16 triệu người không làm việc nằm bẹp, ăn bám cha mẹ được coi là thất nghiệp, thì tỷ lệ thất nghiệp thực tế của những người trẻ tuổi vào tháng 3 cao tới 46,5%, cao hơn mức 19,7% được công bố chính thức vào tháng đó.

Ngày 15/8, Cục Thống kê Trung Quốc tuyên bố, kể từ tháng 8/2023, tạm dừng công bố khảo sát tỷ lệ thất nghiệp thành thị của thanh niên theo nhóm tuổi trên cả nước.

Cùng ngày, ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế học tại Mỹ, nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ thường sử dụng phương pháp này, sử dụng dữ liệu sai sự thật hoặc không công bố dữ liệu.

Lương của nhiều công chức và nhân viên văn phòng giảm xuống. Nhiều yếu tố như cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng trong ngành bất động sản, nơi lưu giữ hơn 2/3 tài sản hộ gia đình, đã khiến mong muốn sinh con của thanh niên Trung Quốc ngày càng giảm sút.

Những thực tế này sẽ làm tăng thêm mối lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang suy yếu, do có ít người lao động và người tiêu dùng hơn. Trong khi đó, chi phí chăm sóc người già và trợ cấp hưu trí sẽ gây thêm áp lực lên chính quyền địa phương đang gánh nặng nợ nần.

Số người chết vì COVID-19 ở Trung Quốc tăng mạnh, ĐCSTQ che giấu báo cáo

Sau khi Bắc Kinh hủy bỏ chính sách Zero-COVID vào tháng 12/2022 mà không có cảnh báo hay chuẩn bị gì, đầu năm ngoái, virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã quét qua 1,41 tỷ dân của Trung Quốc.

Các nhà nhân khẩu học dự đoán số người chết tăng mạnh, nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục che giấu số liệu dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ trích Bắc Kinh vì cố tình báo cáo thấp về số người chết.

Khi dịch bệnh càn quét đất nước này, tình trạng quá tải tại các lò hỏa táng của Trung Quốc, cũng như áp lực buộc các bác sĩ không được khai báo các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 làm dấy lên nghi ngờ về tính minh bạch dữ liệu của Trung Quốc.

Tháng 7 năm ngoái, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, nơi chiếm 5% dân số cả nước, báo cáo số vụ hỏa táng tăng 70% từ tháng 1- 3/2023. Sau đó dữ liệu này đã bị xóa.

Tiến sĩ Gareth Nye, người đứng đầu chương trình khoa học y tế tại Trường Y Chester (Chester Medical School), nói với truyền thông Anh rằng làn sóng viêm phổi bí ẩn đang lan rộng ở Trung Quốc hiện nay là một chủng virus COVID-19, nhưng không phải chủng mới.

Gần đây, đã xuất hiện những lo ngại rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc có thể lan ra ngoài biên giới nước này. Các quốc gia xung quanh Trung Quốc như Ấn Độ đang chuẩn bị đối phó với làn sóng dịch bệnh mới hiện nay. Hiện tại ở Châu Âu, Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ xác nhận đã xuất hiện ca bệnh.

GettyImages 1245955578
Bệnh nhân tại bệnh viện Tongren Thượng Hải 3/1/2023. (Nguồn ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Reuters đưa tin, nhà nhân khẩu học Chu Vận (Yun Zhou) tại Đại học Michigan, nói rằng báo cáo dữ liệu dân số của Trung Quốc vừa là vấn đề nhân khẩu học vừa là một sự kiện chính trị.

Khi dân số giảm, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với thách thức dân số già đi nhanh chóng. Dự kiến đến năm 2035, số người trên 60 tuổi ​​sẽ tăng từ khoảng 280 triệu hiện nay lên hơn 400 triệu người, vượt tổng dân số tương ứng của Hoa Kỳ.

Một báo cáo năm 2019 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán, các quỹ hưu trí chính của Trung Quốc sẽ cạn kiệt vào năm 2035, một phần do lực lượng lao động bị thu hẹp.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc tiếp tục giảm

ĐCSTQ đã nới lỏng chính sách một con vào năm 2016, cho phép các gia đình được sinh 2 con. Đến năm 2021, họ lại tiếp tục nới lỏng thành sinh 3 con.

Nhằm khuyến khích sinh con, ĐCSTQ còn liên tiếp ban hành một loạt ưu đãi cho các cặp vợ chồng và gia đình nhỏ, như trợ cấp tiền mặt, cắt giảm thuế, thậm chí giảm giá khi mua nhà.

Tuy nhiên, chính sách sinh con của chính quyền Bắc Kinh không thể thay đổi một thực tế cơ bản, là nhiều thanh niên Trung Quốc không hề muốn có con.

Ngoài thu nhập thấp và công việc bấp bênh, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động và tìm kiếm môi trường giáo dục cao hơn. Các nhà nhân khẩu học cũng đổ lỗi cho sự phân biệt giới tính và các yếu tố khác là nguyên nhân cản trở khả năng sinh sản.

Một dữ liệu cho thấy tỷ lệ sinh năm 2023 đã giảm. Tức là năm 2022, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979. Ở Trung Quốc, hôn nhân được coi là chỉ số hàng đầu về khả năng sinh sản, vì hầu hết phụ nữ độc thân không nhận được trợ cấp nuôi con.

Ngoài ra, hơn 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19 cũng khiến tỷ lệ sinh thấp của Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn.

Năm 2022, độ tuổi trung bình của Trung Quốc đã lên tới 39 tuổi, vượt so ngưỡng 38,1 tuổi của Mỹ. Trong khi độ tuổi trung bình của Ấn Độ chỉ là 28,2 tuổi, trẻ hơn Trung Quốc tới 10 tuổi.

Các chuyên gia dự đoán, trong tương lai, dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm. Việc giảm dân số không còn có lợi cho lợi tức nhân khẩu học của Trung Quốc, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả sản xuất và tiêu dùng. Dân số già hóa nhanh chóng sẽ làm tăng gánh nặng lương hưu của xã hội và tiếp tục kéo giảm sức sống kinh tế.

Bình Minh (t/h)