Theo thống kê của NBC Sports tại Mỹ, tỷ lệ khán giả lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 đã thấp kỷ lục trong lịch sử Olympic, thấp hơn khoảng 43% so với Thế vận hội Mùa đông PyeongChang Hàn Quốc năm 2018. Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina (Mỹ) về vấn đề này.

shutterstock 1603167550
Olympic Bắc Kinh 2022 (Ảnh: Mirko Kuzmanovic / Shutterstock)

Hiệu ứng hậu Olympic

Có nhận định thế giới bên ngoài nhìn nhận chung rằng Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 không mang lại hiệu quả chính trị như mong đợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nguyên nhân vì bị các cường quốc phương Tây tẩy chay ngoại giao, trong khi ĐCSTQ lại phải ném lượng tiền khổng lồ vào Thế vận hội, cho nên cả lợi ích kinh tế lẫn chính trị đều chỉ là số âm.

Tiến sĩ Tạ Điền cho rằng: “Chúng tôi biết có hiện tượng suy thoái kinh tế sau Olympic, kinh nghiệm cho thấy các nước cũng như các nơi sau khi tổ chức Thế vận hội sẽ có hiện tượng suy thoái kinh tế này, đây là một hiện tượng rất phổ biến. Có trường hợp ngoại lệ kiếm tiền được từ Thế vận hội không? Đó là Thế vận hội Mùa hè 1984 được tổ chức ở Los Angeles, họ đã mời một doanh nhân rất giỏi là Peter Ueberroth làm Chủ tịch Ban tổ chức và ông ấy đã làm cho Thế vận hội Los Angeles trở nên rất thành công về mặt tài chính và kiếm được rất nhiều tiền từ bản quyền phát sóng truyền hình đến bán vé và các loại sản phẩm hàng hóa khác nhau liên quan.

Thành công của ông ấy thực sự đã khiến nhiều nước và Ủy ban Olympic Quốc tế đánh giá sai lầm khi nghĩ rằng đăng cai Thế vận hội Olympic vừa giúp kiếm được nhiều tiền vừa quảng bá được hình ảnh. Vì vậy sau này cuộc cạnh tranh giành quyền đăng cai Thế vận hội diễn ra rất khốc liệt, các nước đều muốn làm. Chúng ta cũng biết thực tế trong một số kỳ Thế vận hội tiếp theo, các thành phố đăng cai tổ chức đã thua lỗ rất nhiều tiền, đó là vấn đề của cuộc suy thoái kinh tế sau Thế vận hội mà tôi vừa đề cập.

Thực ra lý do rất đơn giản, Olympic Los Angeles chỉ là một ngoại lệ. Do hầu hết các thành phố tổ chức Thế vận hội phải chi rất nhiều tiền để xây dựng các địa điểm tổ chức và làng vận động viên Olympic làm nơi ở cho vận động viên, trong khi sau này những cơ sở đó có thể không được sử dụng đến. Một số thành phố có thể biến những địa điểm tổ chức thi đấu đó thành nhà thi đấu bóng rổ địa phương, sân vận động bóng chày hoặc sân vận động khác, hoặc khu làng vận động viên được tận dụng làm ký túc xá đại học… Ví dụ Atlanta từng đăng cai Thế vận hội năm 1996, sau đó làng vận động viên trở thành khuôn viên của Đại học bang Georgia, và sân vận động chính trở thành sân thể thao và sân bóng chày. Nhưng rất nhiều cơ sở xây dựng sẽ bị lãng phí. Thực tế thất bại về kinh tế là phổ biến khi đăng cai Thế vận hội”.

Kinh phí lớn hơn 10 lần công bố

Một số phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin rằng Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh tiêu tốn ít nhất 38,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 3,9 tỷ USD mà trước đó cơ quan chức năng ĐCSTQ công bố.

Tiến sĩ Tạ Điền đã chia sẻ vấn đề này: “ĐCSTQ tuyên bố hạ thấp chi phí, thực tế chi gấp 10 lần chi phí mà ĐCSTQ công bố. Vì vậy về mặt kinh tế đã là một hố đen khổng lồ. Một vấn đề nữa là vì bệnh dịch nên Thế vận hội này tệ hơn Thế vận hội Tokyo vì không có doanh thu bán vé và cũng không có khán giả, cho nên tôi nghĩ rằng mức độ quan tâm theo dõi Thế vận hội của cả thế giới cũng đã giảm đi rất nhiều. Giống như đài NBC ở Mỹ dù có bản quyền phát sóng Thế vận hội Bắc Kinh nhưng lượng người xem lần này thấp nhất trong lịch sử. Nếu không có người xem thì bản quyền phát sóng truyền hình sẽ không thể bán được quảng cáo, cộng với việc không có doanh thu từ vé cho khán giả xem trực tiếp, vì vậy hiệu quả về mặt tài chính của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh này rất kém, chắc chắn thua lỗ”.

Phương Tây tẩy chay chính trị

Tiến sĩ Tạ Điền nói thêm, phân tích của truyền thông nước ngoài cho rằng lợi ích chính trị của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh cũng tiêu cực là rất có lý: “Chúng ta đều biết ĐCSTQ phải đối mặt xu thế tẩy chay ngoại giao từ nhiều nước. Mặc dù ĐCSTQ cố gắng tập hợp ngẫu nhiên được hơn 20 nguyên thủ quốc gia tham gia, nhưng trên thực tế những nước quan trọng là các cường quốc chính trị và kinh tế có ảnh hưởng trên thế giới đã tẩy chay ngoại giao. Nhân vật duy nhất có thể gọi ngoại lệ là Tổng thống Nga Putin, do thực tế Putin thu được rất nhiều lợi ích từ Trung Quốc. Nhưng có vấn đề là dù Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền để mời ông ta nhưng ông ta đến chiếu lệ, chỉ nán lại khoảng 10 tiếng, sau khi bàn chuyện với ông Tập Cận Bình và ký hợp đồng xong là lập tức rời đi mà không tham dự bữa tối chào mừng. Không có  ông Putin, về cơ bản hầu như không có nhà lãnh đạo quốc tế hàng đầu nào tham gia. Vì vậy có thể nói, thu hoạch từ góc độ chính trị của ĐCSTQ tại Thế vận hội này cũng là một con số âm”.

Vận động viên phương Tây có nên im lặng trước vi phạm nhân quyền?

Được biết chính trị gia Mỹ Pelosi từng cảnh báo các vận động viên Mỹ không nên mạo hiểm chọc giận chính phủ toàn trị tàn nhẫn ĐCSTQ, điều này đã làm dấy lên tranh luận.

Về vấn đề này ông Tạ Điền nói: “Nhiều người Trung Quốc biết bà Chủ tịch Quốc hội Mỹ Pelosi đã đến Trung Quốc vào thời gian trước sau thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, khi đó bà ấy lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ và luôn ủng hộ phong trào dân chủ Trung Quốc. Nhưng trong bài phát biểu tại buổi điều trần này thì bà Pelosi lại nói không muốn các vận động viên Mỹ mạo hiểm chọc giận nhà cầm quyền tàn nhẫn ĐCSTQ, vì tất nhiên bà ấy biết ĐCSTQ tàn nhẫn như thế nào. Từ góc độ nào đó có vẻ như mong muốn của bà ấy có ý định tốt vì muốn bảo vệ những vận động viên Mỹ.

Nhưng chúng ta phải tính đến hậu quả khách quan của mong muốn ấy. Hệ quả khách quan là các vận động viên Mỹ sẽ không lên tiếng về các vấn đề của vận động viên Bành Soái (Peng Shuai), cũng như họ sẽ không lên tiếng về các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông và toàn Trung Quốc. Vốn dĩ đây là quyền và lợi ích hợp pháp của các vận động viên, trên thực tế khi những khẩu hiệu và biểu ngữ như vậy được trưng trên sân Olympic thì chính ĐCSTQ mới sợ hãi nhất. Nếu có tiếng nói nào đó của các vận động viên đối với những vi phạm của ĐCSTQ thì sẽ là sự hỗ trợ rất tốt cho vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, cho các học viên Pháp Luân Công, người dân Tân Cương và Hồng Kông, cũng như tất cả những người bị áp bức ở Trung Quốc, như vậy tôi nghĩ hiệu ứng mang lại sẽ vô cùng tích cực. Tất nhiên họ không cần phải đặc biệt mạo hiểm vì có nhiều lựa chọn: có thể treo biểu ngữ, biểu tình hoặc lên tiếng ôn hòa vẫn có thể phát huy nhiều công dụng mà nhà cầm quyền không thể làm được gì trước cảnh công khai như vậy. Vì vậy tôi nghĩ rằng tuyên bố của bà Pelosi tưởng như đang bảo vệ những vận động viên Mỹ này nhưng thực tế, hãy thử nghĩ xem, có phải tuyên bố của bà ấy đúng ý đồ của ĐCSTQ, giúp ĐCSTQ bịt miệng vận động viên Mỹ? Nói cách khác, hiệu quả của lời hô hào này chẳng phải có lợi cho ĐCSTQ?”.

Thế vận hội thất bại nhất trong lịch sử

Cuối cùng Tiến sĩ Tạ Điền nói rằng Thế vận hội Mùa đông vẫn chưa kết thúc, nhưng trong mọi trường hợp, đây là Thế vận hội thất bại của ĐCSTQ: “ĐCSTQ đã chi rất nhiều tiền và mời rất nhiều nước nhỏ ở Trung Á, bỏ ra 500 triệu USD để mời các nhà lãnh đạo này tham gia trong bối cảnh đang bị thế giới tẩy chay về ngoại giao và chính trị. Thực chất ĐCSTQ muốn dùng chiêu bài này để tô vẽ cảnh thái bình nhưng đã thất bại. Về mặt kinh tế chúng tôi chỉ nói rằng đó là một tổn thất lớn, và bước tiếp theo thực sự càng vô nghĩa. Cũng giống như kết quả của Thế vận hội Mùa đông, hiện nay vì dịch bệnh và vì vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ khiến nhiều người không muốn hoặc không quan tâm đến. Vì vậy tôi nghĩ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh này sẽ là thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Tịnh Nhữ, Vision Times
(Ý kiến trong bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Tạ Điền.)

Xem thêm: