Bệnh viện số 2 của Đại học Trung Sơn đã gây kinh động dư luận Trung Quốc khi có nhiều sinh viên/ nghiên cứu sinh đồng loạt bị ung thư. Từ hồ sơ tư liệu hoạt động của phòng thí nghiệm liên quan, có nghi ngờ sự kiện ‘ung thư tập thể’ này là do sự cố trong quá trình nghiên cứu thí nghiệm.

dai hoc Trung Quoc
Bệnh viện số 2 của Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) tại quận Việt Tú thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông. (Ảnh: Chintunglee/Wikimedia Commons)

Tối ngày 6/11, cộng đồng mạng Trung Quốc lại làm nóng dư luận khi chia sẻ một đoạn chat sự kiện ‘ung thư tập thể’ liên quan đến Phòng thí nghiệm Trung tâm Ung thư Vú – Bệnh viện số 2 Đại học Trung Sơn – Trung Quốc, theo đó có nghi ngờ nguyên nhân là do ảnh hưởng của môi trường thí nghiệm và thuốc thử.

Sáng ngày 8/11, bệnh viện liên quan đã đưa ra “Thông báo tình hình” cho biết, những năm gần đây trong số các nhân viên làm việc và học tập tại Phòng thí nghiệm Trung tâm Ung thư Vú của bệnh viện, có 3 người đã mắc ung thư, hiện tại không có sinh viên nào bị ung thư; đồng thời họ trấn an rằng “tình hình hiện tại đã ổn định”“khả năng hồi phục sau phẫu thuật là rất tốt”.

Trong 3 người bị ung thư mà bệnh viện thừa nhận có cô Hoàng, là người đã học lấy bằng tiến sĩ tại bệnh viện (từ năm 2017 – 2022), trong thời gian đó cô tham gia tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Ung thư Vú. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vào tháng 7/2022, cô về làm tại Khoa Phẫu thuật Vú của Bệnh viện này, tham gia vào công việc lâm sàng; tháng 10/2023 cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy và phải phẫu thuật.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đại Lục vào ngày 8/11, em gái của Hoàng xác nhận rằng 3 bệnh nhân trong thông báo của bệnh viện đều là người thường tham gia vào công việc thí nghiệm. Cô cũng tiết lộ tình trạng của chị gái mình đang rất nguy kịch, hiện tại gia đình không muốn can thiệp quá sâu vào chi tiết vụ việc, nhưng mong có cơ hội cứu sống được chị gái.

Phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về ung thư

Theo tư liệu, Phòng thí nghiệm Trung tâm Ung thư của Bệnh viện số 2 thuộc Đại học Trung Sơn chuyên nghiên cứu “cơ chế thúc đẩy ung thư” của các khối u. Những thông tin hiện tại được biết về sự cố ‘ung thư tập thể’, khoa phẫu thuật vú có ít nhất 6 người mắc bệnh ung thư (2 người là tiến sĩ, 1 người là sau tiến sĩ, và 3 người là nghiên cứu sinh), tất cả đều thuộc loại ung thư hiếm gặp.

Người phụ trách phòng thí nghiệm liên quan là Viện sĩ Tống Nhĩ Vệ (Song Erwei – giám đốc bệnh viện) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc; người hướng dẫn nghiên cứu tiến sĩ liên quan là ông Tô Sĩ Thành (Su Shi Cheng) – trợ lý giám đốc bệnh viện, là học trò của ông Tống.

Trên trang web của Đại học Trung Sơn và Bệnh viện số 2 Tôn Trung Sơn có thể tìm được thành quả nghiên cứu của giáo sư Tống và tiến sĩ Tô. Một thông tin vào ngày 19/11/2022 có tiêu đề “Nhóm của Tô Sĩ Thành công bố cơ chế mới mà qua đó các tế bào không phải bạch cầu biểu hiện thụ thể Fcγ cho tín hiệu ung thư”, xác nhận rằng nội dung nghiên cứu của phòng thí nghiệm này có liên quan đến “cơ chế thúc đẩy ung thư”.

Nghi vấn từ ‘người trong nghề’

Một người từng tham gia nghiên cứu dược phẩm ở Trung Quốc giấu tên nói với Epoch Times rằng ông cũng từng làm việc trong phòng thí nghiệm tiến hành nghiên cứu lâm sàng về thuốc, hiểu rõ các quy định của phòng thí nghiệm, ông quyết định chuyển nghề, hiện đang tiến hành nghiên cứu và phát triển mỹ phẩm tại Quảng Châu.

Ông cho biết: “Nghiên cứu lâm sàng thuốc trong phòng thí nghiệm… là công việc khó khăn và nguy hiểm nhất, nhưng thành quả lại vinh danh người khác, nhiều người hướng dẫn tuyển sinh viên làm. Sự việc lớn này tại Bệnh viện Đại học Trung Sơn có khả năng là vấn đề sự cố trong nghiên cứu”.

Ông Zhao cho hay nghiên cứu “cơ chế thúc đẩy ung thư” trước tiên cần mô hình hóa, tiêm một số loại thuốc (thuốc thử hóa học) vào động vật hoặc mô phỏng môi trường gây ung thư, để cho phép tiếp xúc với nhiều loại bức xạ hoặc môi trường dưới ảnh hưởng của kim loại nặng và khí độc hại, từ đó động vật thí nghiệm phát triển thành ung thư và sau đó lại nghiên cứu điều trị.

Quá trình nghiên cứu điều trị cũng là những công việc có rủi ro cao: “Để đảm bảo tỷ lệ thành công của mô hình, nghiên cứu sử dụng các điều kiện và môi trường có khả năng gây ung thư cao. Trong quá trình thử nghiệm, nếu biện pháp quản lý hay bảo vệ không tốt, hoặc xảy ra lỗi vận hành, rò rỉ thuốc thử hoặc tiếp xúc với môi trường mô phỏng… thì rất có thể xảy ra ‘tai nạn’ và gây ung thư cho người nghiên cứu, xác suất rất cao. Thực tế những người tham gia nghiên cứu phải thường trực đối diện rủi ro nguy hiểm!”

Các bệnh khác nhau có thuốc thử khác nhau. Ông ví dụ rằng ung thư vú sử dụng 7,12-Dimethylbenz[a]anthracene (DMBA, một chất độc hại gây ung thư) làm thuốc thử cảm ứng. “Việc nghiên cứu cơ bản về thuốc, dược lý, dĩ nhiên liên quan đến những thí nghiệm như vậy, nhưng phần lớn đều chọn dùng thuốc để tạo mô hình nên dễ gây rò rỉ, ô nhiễm”; “Việc nghiên cứu cơ chế thúc đẩy ung thư nhằm tạo ra những mô hình tốt hơn, phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển thuốc điều trị khối u, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, tùy thuộc vào cách người sử dụng. Trong phòng thí nghiệm có rất nhiều thuốc thử độc hại”.

Nhà bình luận chính trị Đường Tĩnh Viên (Tang Jingyuan) cũng nói với Epoch Times rằng vụ ‘ung thư tập thể’ tại Bệnh viện số 2 Trung Sơn rõ ràng là sự kiện bất thường, phía bệnh viện chỉ thừa nhận có 3 người bị, nhưng con số thực tế có thể nhiều hơn. Việc nhiều người trẻ mắc bệnh ung thư đó là những người có hoàn cảnh làm việc trùng nhau về không gian, thời gian, hiển nhiên không thể giải thích bằng sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Ông nói: “Không thể loại trừ khả năng vụ bị ung thư tập thể này có liên quan đến sự an toàn sinh hóa của phòng thí nghiệm. Nếu thực sự liên quan đến một số vật tư thí nghiệm, thì sẽ không chỉ liên quan đến một phòng thí nghiệm mà có thể liên quan đến nhiều phòng thí nghiệm tương tự. Vấn đề này là vấn đề nguy hiểm nghiêm trọng về an toàn sinh hóa, có thể liên quan đến một loại thuốc thử nào đó được sử dụng trong thí nghiệm hoặc liên quan đến một sản phẩm nhất định được tạo ra bởi thí nghiệm. Vấn đề có thể là do rò rỉ, hoặc có thể là một thiếu sót lớn trong thiết kế của một chương trình thí nghiệm nào đó… Cần được điều tra độc lập làm rõ tình hình”.

Ông cũng cho rằng hệ thống nghiên cứu khoa học của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới lãnh đạo của “Đảng” nên vấn đề can thiệp chính trị và cân nhắc chính trị luôn thao túng. Một khi xảy ra tai nạn an toàn hoặc bê bối học thuật, việc đầu tiên cần làm là ngăn chặn và che giấu sự thật. Kiểu hành xử này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc liên tục xuất hiện các trường hợp ung thư bất thường ở Bệnh viện số 2 Trung Sơn, do sự chậm trễ trong việc chú ý và điều tra an toàn.