(Bài viết của Tiến sĩ Vương Hữu Quần, cựu Giám sát viên Ủy ban Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ, hiện đang sống tại New York, Hoa Kỳ.)

Cận kề Đại hội 20, truyền thông bên ngoài Trung Quốc nổi lên những tiếng nói bất đồng chống lại ông Tập Cận Bình – lãnh đạo đương nhiệm cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Xu hướng này nổi cộm 6 nét chính như sau:

giang trạch dân
Các cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là sân sau điển hình của thế lực tham nhũng hủ bại trong ĐCSTQ (Ảnh tổng hợp của Epoch Times).

1. Tung tin bất đồng ý kiến giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường

Ngày 26/5, Bloomberg đăng bài “Mâu thuẫn Tập-Lý khiến các quan chức Trung Quốc phụ trách kinh tế không biết theo ai”. Bài viết đề cập vì Chủ tịch Tập Cận Bình kiên định thúc đẩy chính sách ‘Zero COVID’, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường lại liên tục thúc đẩy chấn hưng kinh tế, thực trạng giằng co mâu thuẫn Tập-Lý khiến các quan chức cấp cơ sở rơi vào tình thế khó xử.

Ngày 25/5, WSJ (Wall Street Journal) đã đăng bài “Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường truyền tải những thông điệp khác nhau về tác động của đại dịch”. Bài viết cho rằng việc ông Tập nhấn mạnh ‘Zero COVID’ đã khiến tình hình kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn; ông Lý không bao giờ đề cập đến ‘Zero COVID’ mà chỉ nhấn mạnh “ổn định nền kinh tế”, không rõ liệu ông ấy có thể khiến chính sách ‘Zero COVID’ có sự thay đổi đáng kể nào hay không. Lâu nay ông Lý thường xuyên bị gạt ra bên lề, thế nhưng khi nhiệm kỳ sắp kết thúc thì lại có những dấu hiệu cho thấy uy quyền chính trị của ông lại nổi lên.

Ngày 16/5, WSJ đã đăng bài “Lý Khắc Cường bước ra khỏi cái bóng của Tập Cận Bình, nỗ lực phục hồi nền kinh tế Trung Quốc”. Bài viết dẫn nguồn tin thân cận với các quan chức cao nhất ĐCSTQ cho biết, ông Lý Khắc Cường cũng đang cố gắng tác động đến vị trí thủ tướng, mục tiêu của ông ấy là tìm được một thủ tướng không bị lép vế trước ông Tập Cận Bình.

2. Lần thứ 5 Soros công kích Tập

Trong một bữa tối riêng vào ngày 24/5, ‘người khổng lồ’ tài chính Phố Wall là George Soros đã có tuyên bố rằng ông Putin và ông Tập là nguy cơ lớn nhất đối với xã hội mở, Trung Quốc không thể tiếp tục duy trì chính sách ‘Zero COVID’, sai lầm của ông Tập khiến ông ta khó bảo đảm tại nhiệm trong kỳ thứ 3.

Đây là lần thứ 5 ông Soros công kích ông Tập Cận Bình sau các lần vào ngày 13/8 và 30/8 năm ngoái, 8/9 và 31/1 năm nay.

3. “Hồ sơ cảnh sát Tân Cương” trực tiếp nhắm vào ông Tập

Ngày 24/5, Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản có trụ sở tại Washington đã công bố “Hồ sơ cảnh sát Tân Cương”, trình bày chi tiết về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương trong cái mà Bắc Kinh gọi là “trung tâm cải tạo”.

Tiến sĩ Adrian Zenz của Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản cho biết, lô tài liệu đã được chuyển cho ông bởi một hacker không rõ danh tính, người tuyên bố đã tải nó xuống từ máy chủ của cảnh sát Tân Cương. Sau đó, hacker đã chuyển dữ liệu cho hơn chục tổ chức truyền thông như BBC, Der Spiegel của Đức và Le Monde của Pháp.

Phát ngôn viên Price của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vào ngày tài liệu được công bố: “Chúng tôi vô cùng kinh hoàng trước những thông tin và hình ảnh gây sốc; khó có thể tưởng tượng được một chiến dịch đàn áp, bỏ tù, diệt chủng và tội ác chống lại loài người mang tính hệ thống mà không có sự chấp thuận từ cấp cao nhất của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

4. Chu Dung Cơ phản đối Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ 3?

Ngày 15/3, WSJ đăng bài “Hoạt động kinh tế của Trung Quốc bị thu hẹp làm lộ những vết nứt trong quyền lực của ông Tập Cận Bình”. Bài viết dẫn nguồn tin nội bộ ĐCSTQ nói rằng một số lãnh đạo Đảng đã nghỉ hưu nhưng vẫn có tiếng nói chính trị gần đây đã công khai phản đối việc ông Tập có ý phá bỏ nguyên tắc lãnh đạo cao nhất chỉ được tại nhiệm 2 nhiệm kỳ, trong số này có cả cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ.

Ngày 25/3, truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài loan tin: ngày 10/3 ông Chu Dung Cơ đã viết thư cho Ủy ban Trung ương và đưa ra 9 ý kiến nhắm vào ông Tập Cận Bình.

5. Tin đồn ông Tập lâm trọng bệnh

Ngày 14/5, tờ Daily Mail và The Sun của Anh loan tin ông Tập Cận Bình mắc chứng phình động mạch não, vào cuối năm ngoái từng phải đưa đến bệnh viện. Nhưng ông Tập không chịu phẫu thuật kiểu Tây y mà chỉ chỉ muốn chữa theo kiểu y học Trung Quốc (Đông y). Nguồn tin này vào ngày 10/5 của hãng truyền thông có trụ sở tại Ấn Độ là AsiaWorld News. 

Ngày 18/5, lại có nguồn tin ở bên ngoài Trung Quốc cho biết các nguồn tin trong nước Trung Quốc cho rằng ông Tập Cận Bình không chỉ bị phình động mạch não mà còn bị ung thư tuyến tụy giai đoạn 3, tình trạng bệnh tình của ông Tập ngày càng xấu.

6. Tin đồn “chính biến”

Đầu tháng Năm, có những nguồn tin tung tin ông Tập bị đảo chính và buộc phải nhường quyền lực cho ông Lý Khắc Cường, chỉ chờ đến Đại hội 20 là ông Tập công khai tuyên bố rút khỏi quyền lực.

Tại sao những thông tin không hay về ông Tập liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hải ngoại?

Tác giả bài này cho rằng rất có thể là do các đối thủ chính trị của ông đã thúc giục các lực lượng chống ông Tập ở trong và ngoài nước tấn công để ngăn chặn việc ông “tái nhiệm lần thứ 3” tại Đại hội 20 của ĐCSTQ.

Kẻ thù chính trị lớn nhất của ông Tập là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng (thường được gọi phe Giang). Trong 10 năm kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, với danh nghĩa “chống tham nhũng”, ông Tập đã thanh trừng nhiều quan chức cấp cao từng được đề bạt cất nhắc thời Giang và Tăng, khiến gia đình các quan chức bị thanh trừng cũng như các cựu lãnh đạo này căm hận ông Tập đến tận xương tủy.

Ông Tập đã phải “quyết đấu” với phe cánh đó trong suốt 10 năm, Đại hội 20 của ĐCSTQ là cơ hội cuối cùng để phe chống đối lật đổ ông Tập, cũng là cơ hội cuối cùng để phe Giang cài cắm thân tín vào những vị trí quan trọng nhất.

Theo tác giả bài này, những tuyên bố khác nhau gần đây về vấn đề “Tập và Lý không đồng điệu” có thể liên quan đến âm mưu của phe Giang trong việc lựa chọn người tiếp quản chức thủ tướng.

Từ năm 1989 khi ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng vào Trung Nam Hải thì các thế hệ thủ tướng Trung Quốc (gồm Lý Bằng, Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường) đều không phải là người thuộc phe Giang: Ông Lý Bằng là con nuôi của cựu Thủ tướng Chu Ân Lai, ông Chu Dung Cơ được ông Đặng Tiểu Bình bổ nhiệm, ông Ôn Gia Bảo là hệ quả thỏa hiệp của các bên, còn ông Lý Khắc Cường xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Trước đây, phe Giang muốn cho các thân tín của họ là Lý Lam Thanh (lúc là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Phó Thủ tướng) lên chức thủ tướng, nhưng vì bản chất bê bối khiến Lý Lam Thanh không thể lên được. Sau đó phe Giang còn cố gắng đưa thân tín Hoàng Cúc (lúc là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng) lên làm thủ tướng, nhưng Hoàng Cúc không may chết vì bệnh trong thời gian làm Phó Thủ tướng.

Ông Lý Khắc Cường đã giữ chức Thủ tướng trong 2 nhiệm kỳ, theo hiến pháp Trung Quốc thì sau khi hết nhiệm kỳ thứ 2 ông Lý không thể tiếp tục giữ chức thủ tướng. Ai sẽ lên thay? Tất nhiên ông Tập muốn tìm thân tín của mình, còn phe Giang và Tăng lại muốn tìm một người có thể đại diện cho lợi ích của họ. Nhưng dĩ nhiên phe Giang không thể nói thẳng ra, nên phải tạo ra mâu thuẫn giữa ông Tập và ông Lý để họ làm ngư ông đắc lợi.

Nhìn chung không thấy có xung khắc mang tính đối lập giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường trong các vấn đề đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ, chẳng qua vị trí khác nhau nên phát ngôn theo những trọng tâm khác nhau. Ông Lý chịu trách nhiệm thực thi các quyết sách kinh tế nên phát biểu cho thấy tính thực dụng hơn. Ông Lý không có vấn đề chống lại ông Tập. Hơn nữa, ông Lý là thủ tướng yếu thế nhất trong 44 năm kể từ khi ĐCSTQ cải cách và mở cửa nên không thể thách thức quyền lực của ông Tập.

Liên quan đến hội nghị trực tuyến về “cứu nền kinh tế” do ông Lý Khắc Cường chủ trì ngày 25/5, một số người diễn giải “đó là công khai mâu thuẫn giữa Tập và Lý, cho thấy Lý đang lấy lại uy thế”.... Tôi đã từng làm việc trong Ban Giám sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ nên tôi biết rất rõ cách các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đối đãi mối quan hệ giữa những người có quyền lực nhất. Thời ông Chu Dung Cơ làm Thủ tướng, nhiều người nể sợ vì tính tình khá nóng nảy của ông ấy, vậy mà trước nhà độc tài Giang Trạch Dân thì ông Chu Dung Cơ luôn tỏ ra “nhẫn nhịn vì Đảng”.

Trong văn hóa chính trị, ĐCSTQ với nguyên tắc “nhất quán cao theo lãnh đạo hạt nhân” thì ông Lý Khắc Cường không thể đối đầu với “hạt nhân” Tập Cận Bình. Việc tổ chức một hội nghị với 100.000 người từ trung ương đến các tỉnh, quận, huyện mà không có sự đồng ý trước của ông Tập là điều không tưởng. Những gì ông Lý nói tại cuộc họp là không thể tưởng tượng được nếu không được sự chấp thuận trước của ông Tập.

Các cựu lãnh đạo Giang, Tăng, và thân tín của họ không ngừng lợi dụng chủ đề bất hòa giữa Tập và Lý để tung hỏa mù, có thể mục đích là để mượn thế tiến cử chức thủ tướng cho thân tín của họ.

Đối với những tuyên bố công kích ông Tập Cận Bình của ông trùm tài chính Soros, phân tích kỹ cho thấy rất đơn giản đó là “chống Tập Cận Bình chứ không chống ĐCSTQ”. Trong thời kỳ Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân cầm quyền thì Soros đã kết thân với giới quyền quý ĐCSTQ để “lặng lẽ phát tài” ở Phố Wall, đó là khoảng thời gian tuyệt vời mà ông ta luôn nhớ. Mục đích của ông trùm tài chính Soros là hy vọng ông Tập thất thế để có một lãnh đạo ĐCSTQ mới, để ông ta có thể sống lại những giấc mơ cũ với những “người bạn cũ”.

Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương” nêu trên, tuy người công bố cho biết là do tin tặc cung cấp, nhưng tôi nghi ngờ đó là “khẩu súng thần công” chống ông Tập do kẻ thù chính trị của ông Tập tung ra.

Còn các mục thứ 4, 5, 6 nói trên, tôi đã phân tích trong các bài khác nhau trước đây cho biết đó đều là tin giả của phe chống Tập. Chúng cũng giống như bài viết 40.000 chữ “Đánh giá khách quan về Tập Cận Bình” được đăng trên trang 6park của Canada ngày 19/1 năm nay.

Bài “Đánh giá khách quan về Tập Cận Bình” rõ ràng là đến từ phe Giang với quan điểm cơ bản là “chống Tập Cận Bình chứ không chống ĐCSTQ”, mục đích nhằm thúc đẩy người của phe Giang lên thay thế.

Ngay sau khi bài viết đó được công bố, các phương tiện truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài đã liên tiếp đăng tải lại làm dấy lên làn sóng đầu chống Tập Cận Bình vào năm 2022. Việc rầm rộ chia sẻ bài này có thể là kết quả của những nỗ lực tuyên truyền đối ngoại mà Giang và Tăng kiểm soát.

Ngày 22/2, tôi đã đăng trên tờ Epoch Times, “Thế lực chống Tập Cận Bình đang thúc đẩy tấn công ‘chửi mắng Tập’?”, cuối bài tôi viết: “thế tấn công ‘chửi mắng Tập’ sắp tới có thể còn khốc liệt hơn”.

Quả không sai, từ cuối tháng Hai đến ngày 23/6, thế công kích ‘chửi mắng Tập’ liên tục rộ lên nối tiếp nhau, đến mức mong ông Tập lâm trọng bệnh chết cho xong.

Kết

Bây giờ, hầu như tất cả những kẻ “chống Tập Cận Bình nhưng không chống ĐCSTQ” đều có ảo tưởng trở lại thời đẹp đẽ của họ như khi ông Tập chưa lên nắm quyền.

Tuy nhiên, ĐCSTQ 100 năm tuổi cũng đã đi vào giai đoạn cuối của lịch sử triều đại này. Như vẫn thấy tình hình vị hoàng đế cuối cùng của tất cả các triều đại, không ai có thể nghĩ triều đại của họ đang đến những ngày cuối cùng!

Thực trạng hỗn loạn của ĐCSTQ ngày nay hoàn toàn không phải do quyền lực của một người, mà đó là kết quả tất yếu của thực trạng thối nát chung của quan trường đến mức không còn thuốc chữa. Các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng vẫn luôn là bệ đỡ của các phần tử tham nhũng hủ bại nghiêm trọng nhất ở cấp cao nhất của ĐCSTQ, là nguồn gốc của thực trạng suy bại của triều đại, cho dù có thay ai lên thì cũng không thể xoay chuyển được bánh quay của lịch sử.

Vương Hữu Quần
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)