Nguyên ban đầu, “Quân tử” và “tiểu nhân” là dùng để chỉ tầng lớp quý tộc và bình dân, không có hàm nghĩa đạo đức. Tới thời Khổng Tử sáng lập ra học thuyết Nho gia, ông đã cho rằng người có tu dưỡng phẩm đức là người quân tử, trái lại là tiểu nhân. Trong sách “Luận Ngữ” tổng cộng có 20 thiên, từ đầu đến cuối đều phân tích và trình bày về người quân tử và tiểu nhân. Quân tử và tiểu nhân lúc này đã trở thành lý niệm tiêu chuẩn đạo đức của Nho gia. Cuối cùng sau hơn 2.000 năm, lý niệm này vẫn còn tồn tại.

10 tiêu chuẩn phân định quân tử và tiểu nhân
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

1. Lòng dạ

Trong “Luận ngữ. Thuật nhi” viết: “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”, người quân tử có lòng dạ quang minh thoải mái, thần định khí nhàn. Kẻ tiểu nhân tính toán chi li, lo được lo mất, thường xuyên lo lắng ủ dột.

Lòng dạ của người quân tử vĩnh viễn là trong sáng, cởi mở, vô luận là lúc hoan hỉ hay gian nan khó khăn đều vui tươi thoải mái, lạc quan mà không mù quáng, đối với người khác bằng lòng khoan dung, không có thù hận, cho nên họ có thể “ngẩng mặt lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không hổ với đất”. Trái lại, trong lòng tiểu nhân luôn nung nấu sự tình nào đó, hoặc là cảm thấy người khác có lỗi với mình, hoặc là cảm thấy xã hội này thật bất công, hoặc là cảm thấy có gì đó bất lợi với mình, hoặc là tính toán muốn làm gì bất lợi cho người khác.

2. Kết giao

Trong “Luận ngữ. Vi chính” viết: “Quân tử chu nhi bất bỉ, tiểu nhân bỉ nhi bất chu”, quân tử hòa mình với mọi người nhưng không cấu kết, móc ngoặc còn kẻ tiểu nhân thì cấu kết nhưng không hòa mình với mọi người.

Quân tử vô luận là kết giao cùng người nào đều sẽ dùng tâm công bằng chính trực để đối đãi, đối xử như nhau với mọi người, không lập bang kết phái. Trái lại, kẻ tiểu nhân lại luôn thích cùng với những người giống như mình kết bè kết cánh, loại trừ những người bất đồng quan điểm.

3. Tiêu chuẩn

Trong “Luận ngữ. Lý nhân” viết: “Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi”, điều quân tử coi trọng chính là đạo nghĩa, còn điều tiểu nhân coi trọng chính là lợi ích.

Khi gặp một vấn đề hoặc phải lựa chọn, người quân tử trước tiên sẽ đánh giá nó theo tiêu chuẩn đạo đức và cuối cùng đưa ra lựa chọn. Còn kẻ tiểu nhân khi gặp phải chuyện gì thì điều đầu tiên họ nghĩ đến là làm thế nào để kiếm được lợi. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa quân tử và tiểu nhân khi suy xét về một vấn đề hoặc đưa ra lựa chọn.

4. Quan điểm đúng sai

Trong “Luận ngữ. Nhan Uyên” viết: “Quân tử thành nhân chi mĩ, bất thành nhân chi ác. Tiểu nhân phản thị”, người quân tử giúp người làm việc tốt, không thúc đẩy người làm việc xấu còn kẻ tiểu nhân thì trái ngược lại.

Người quân tử phẩm đức cao thượng có lòng nhân ái, phàm là sự tình của người khác phù hợp với đạo nghĩa thì người quân tử không chỉ vui mừng khi thấy họ thành công mà còn sẵn sàng làm hết sức mình để giúp đỡ người khác đạt được những mục tiêu cao đẹp, đóng góp vào sự tiến bộ và thành công của người khác. Nhưng nếu là việc trái đạo nghĩa, đi ngược lại đạo đức và pháp luật thì người quân tử nhất định sẽ không tiếp tay cho người khác làm.

5. Ngôn hành

Trong “Luận ngữ. Tử Lộ” viết: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”, nghĩa là người quân tử có thể dùng đạo nghĩa bao dung những ý kiến và ý tưởng bất đồng, xây dựng không khí hài hòa. Còn kẻ tiểu nhân lại quen với việc lựa ý hùa theo quan điểm của người khác về các vấn đề, hùa theo lời của người khác nhưng lời nói và trong tâm của mình lại bất nhất.

Người quân tử có thể dễ dàng dung nhẫn những ý kiến bất đồng, hơn nữa cũng không giấu diếm những quan điểm bất đồng của mình, chia sẻ với mọi người một cách chân thành, cởi mở. Điều này khác với kẻ tiểu nhân, họ luôn che giấu suy nghĩ của mình hoặc bản thân họ không có cách nghĩ riêng, luôn bằng mặt mà không bằng lòng. Ở bề ngoài, kẻ tiểu nhân đón ý nói hùa với người khác, thuận theo người khác nhưng trong lòng lại có mưu mô, thậm chí tính kế hại người.

6. Khí chất

Trong “Luận ngữ. Tử Lộ” viết: “Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái”, người quân tử bình thản ung dung mà không kiêu ngạo, kẻ tiểu nhân kiêu ngạo mà không bình thản ung dung.

Người quân tử bên ngoài trang nghiêm bên trong tâm tình bình thản, khí định thần nhàn, không có cảm giác kiêu căng ngạo mạn. Trái lại, kẻ tiểu nhân thì luôn ngạo mạn, tự cao tự đại.

7. Phương hướng sinh mệnh

Trong “Luận ngữ. Hiến vấn” viết: “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt”, người quân tử ngày càng tiến bộ hướng lên phía trước, còn kẻ tiểu nhân ngày càng trầm luân hướng xuống phía dưới. Người quân tử tuân theo thiên lý, ngày càng thông thái uyên bác còn kẻ tiểu nhân thuận theo dục vọng con người nên ngày càng sa vào bùn lầy.

Cổ nhân nói, chí phải đặt ở nơi cao xa. Con người có hai phương hướng, hướng lên trên là “thượng đạt” và hướng xuống dưới là “hạ đạt”. Hướng lên là hướng thiện, không ngừng sửa chữa sai lầm, theo đuổi đạo nghĩa. Hướng xuống là không biết sửa đổi, không biết tu thân dưỡng tính, ngày càng sa sút. Hướng lên thì luôn khó khăn, phải trả giá rất nhiều công sức còn tụt xuống dưới thì rất dễ dàng nhưng kết quả lại là hủy diệt chính mình.

8. Truy cầu

Trong “Luận ngữ. Lý nhân” viết: “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ; quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ”, người quân tử suy nghĩ và lo lắng là đức hạnh còn kẻ tiểu nhân suy nghĩ là lo lắng là điền trạch, bổng lộc và chức quyền. Người quân tử suy xét là không thể làm trái pháp luật còn kẻ tiểu nhân suy xét là làm sao để đạt được lợi ích.

Quân tử luôn tuân theo đạo nghĩa và pháp luật, trong khi kẻ tiểu nhân chỉ quan tâm đến lợi nhuận, dù có bị trừng phạt cũng không quan tâm. Chính vì sự suy xét khác nhau nên hành động cũng khác nhau và kết quả cuối cùng lại càng khác biệt. 

9. Nhân phẩm

Trong “Luận ngữ. Vệ Linh Công” viết: “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”, quân tử yêu cầu chính là bản thân mình còn kẻ tiểu nhân thì luôn yêu cầu người khác.

Khi xảy ra vấn đề hay có mâu thuẫn thì người quân tử luôn xem xét hành động của mình trước tiên, tìm kiếm thiếu sót ở mình mà sửa chữa nên không ngừng tiến bộ. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại, họ không bao giờ xem xét lại bản thân, luôn đẩy lỗi lầm và trách nhiệm của mình cho người khác, tìm kiếm sự hoàn hảo từ người khác, đương nhiên sẽ không tiến bộ.

10. Lựa chọn

Trong “Luận ngữ. Vệ Linh Công” viết: “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hĩ”, người quân tử lúc cùng đường vẫn kiên trì nguyên tắc, còn kẻ tiểu nhân thì sẽ làm điều xằng bậy, làm ẩu làm càn.

Vào lúc khốn cùng thất vọng, có thể kiên trì giữ vững nguyên tắc hay không không chỉ phân biệt quân tử và tiểu nhân mà còn là cách phân biệt quân tử và ngụy quân tử. Càng là ở vào hoàn cảnh tối gian khổ thì càng có thể nhìn ra bản chất của một người.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: