Trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm của Trung Hoa, những vị quân sư “biết Thiên hiểu Địa”, trợ giúp Thiên tử khai sáng các triều đại hưng thịnh thường có lai lịch bất phàm. Những kế sách, lời tiên đoán, các sáng tác, cách bày binh bố trận và các đạo lý nhân sinh mà họ để lại vẫn khiến người đời sau vừa kinh ngạc vừa thán phục.

dự ngôn
(Hình minh họa: Qua xuehistory.com)

Dưới đây là 5 vị truyền kỳ quân sư, mỗi người trong số họ đều có thể được coi là “thần nhân”.

1. Thủy tổ quân sư Khương Tử Nha (1156 – 1017 TCN)

Khương Tử Nha tên thật là Khương Thượng, tự là Tử Nha, tên thường gọi là Khương Tử Nha. Ngoài ra cũng có ghi chép rằng, tổ tiên của ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy họ là Lã.

Theo sử sách Khương Tử Nha sống thọ đến 139 tuổi và từng phụ tá cho 6 vị vua nhà Chu. Bởi vì ông là thủy tổ của nước Tề nên còn được gọi là Thái Công Vọng, hay gọi theo cách thông thường là Khương Thái Công.

Vào những năm đầu nhà Tây Chu, ông được Chu Văn Vương phong làm Thái sư (chức quan võ) được tôn xưng là Sư Thượng Phụ. Khương Tử Nha phò tá Chu Vũ Vương diệt nhà Thương lập nhà Chu. Nhờ có công lao to lớn mà ông được phong cho đất Tề và trở thành thủy tổ của nước Tề thời Chu.

Trong lịch sử Trung Hoa, Khương Tử Nha là nhà chính trị, nhà quân sự và mưu lược nổi tiếng nhất. Nhiều đời sau này, Khương Tử Nha được tôn là Võ Thánh, bậc thầy về binh gia. Ông được hậu nhân phong là thiên thu quân sư trong lịch sử. Truyền thuyết Đạo gia có ghi chép, Khương Tử Nha trong nhiều năm tu luyện cuối cùng viên mãn thăng thiên thành Tiên. Các đời sau này đều xây dựng chùa chiền thờ cúng ông.

2. Quân sư thời Thục Hán: Gia Cát Lượng (181 -234)

Gia Cát Lượng tên tự là Khổng Minh, là thừa tướng Thục Hán thời kỳ Tam Quốc. Ông là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà văn và nhà phát minh trứ danh trong lịch sử Trung Hoa.

Thuở thiếu niên, ông vừa làm ruộng vừa đi học ở ngoại ô thành Tương Dương, Kinh Châu. Người dân địa phương xưng ông là Ngọa Long, Phục Long. Ông được Lưu Bị mời ra làm quan, theo Lưu Bị trên khắp các chiến trường, thành lập nhà Thục Hán và được phong làm Thừa tướng.

Năm 223 sau khi Lưu Bị chết, Lưu Thiền kế vị Hoàng đế Thục Hán, Gia Cát Lượng được phong tước vị Võ Vương Hầu, trở thành người lãnh đạo quân sự chính trị quan trọng nhất của Thục Hán. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông được phong làm Trung Võ Hầu. Người đời sau thường gọi ông là Gia Cát Võ Hầu hay Võ Hầu. Trong văn hóa truyền thống của Trung Hoa, Gia Cát Lượng là nhân vật trung thần, bậc trí giả tiêu biểu bậc nhất.

3. Quân sư triều nhà Minh: Lưu Cơ (1311 – 1375)

Lưu Cơ tự là Bá Ôn, là nhà mưu lược quân sự kiệt xuất cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh. Ông vừa là nhà chính trị, tác gia và nhà tư tưởng, thông kinh sử hiểu thiên văn, tinh binh pháp. Ông là người Hán và là công thần khai quốc triều nhà Minh. Lưu Cơ có công phò tá Chu Nguyên Chương hoàn thành đế nghiệp. Ông luôn tận tâm tận lực giữ cho quốc gia được yên bình. Do ông nổi danh thiên hạ, nên người đời sau thường so sánh ông với Gia Cát Lượng.

Lưu Cơ từ nhỏ đã thông minh khác thường, thiên phú cực cao. Ông ham học, suy nghĩ sâu xa, thích đọc sách, vô cùng thích đọc kinh điển Nho gia, sách “Chư tử bách gia”. Đối với thiên văn, địa lý, binh pháp, thuật số ông đều dốc lòng nghiên cứu và rất tâm đắc.

Trí nhớ của ông vô cùng tốt, đọc sách đọc như gió, xem qua là thuộc. Ngoài ra ông có cách hành văn rất đặc sắc, cách viết văn không giống người thường. Thầy giáo của Lưu Bá Ôn từng nói với ông nội của ông rằng: “Một ngày nào đó, đứa bé này sẽ làm rạng danh gia tộc nhà ông, làm hưng thịnh gia tộc họ Lưu”. 

Triệu Thiên Trạch, danh sĩ Tây Thục khi bình luận về ông đã so sánh ông như là Gia Cát Lượng và khẳng định chắc chắn một ngày nào đó Lưu Bá Ôn sẽ là người đại tài nổi danh thiên hạ.

Quả nhiên, về sau Lưu Bá Ôn đã trở thành quân sư đại tài. Chẳng những vậy ông còn là vị cao nhân đắc Đạo, để lại cho đời sau nhiều lời tiên đoán chuẩn xác, nổi danh nhất là “Thiêu Bính Ca”.

4. Quân sư nhà Hán: Trương Lương (186 – 250 TCN)

Trương Lương tự là Tử Phòng, là mưu thần của Hán Cao Tổ Lưu Bang, là nhà quân sự, chính trị kiệt xuất thời Tần mạt, đầu Hán. Ông là người có công lớn trong việc khai quốc vương triều Hán.

Trương Lương được xưng là “Sơ Hán Tam Kiệt”, tức là một trong ba người tài giỏi xuất chúng thời đầu nhà Hán (Bao gồm: Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà). Với mưu trí kiệt xuất, ông đã phò tá cho Lưu Bang đoạt được thiên hạ, gây dựng cơ nghiệp nhà Hán. Trương Lương được phong làm Lưu Hầu.

Sau khi hoàn thành được việc lớn, ông đã lui thân. Sau khi Trương Lương qua đời, ông được phong làm Văn Thành Hầu. Từ đó về sau, người đời xưng ông là “mưu thánh”. Trong “Sử Ký” cũng viết về cuộc đời của ông với tựa đề “Lưu Hầu thế gia”.

Trong “Thái Bình Quảng Ký” có ghi chép, Trương Lương về sau tu thành Tiên, thường cùng Thái Thượng Lão Quân ngao du tiên cảnh. Cháu trai của Trương Lương là Trương Đạo Lăng cũng đắc Đạo thành Tiên.

5. Hòa thượng, quân sư của Minh Thành Tổ: Diêu Quảng Hiếu (1335 – 1418)

Diêu Quảng Hiếu hồi nhỏ tên là Thiên Hy, pháp danh là Đạo Diễn, hiệu là Độc Am Lão Nhân. Diêu Quảng Hiếu là tăng nhân, nhà thơ, nhà chính trị nổi danh thời cuối nhà Nguyên, đầu nhà Minh, là quân sư đắc lực của Minh Thành Tổ.

Trong lịch sử Trung Hoa, Phật giáo rất thịnh hành nên số lượng tăng nhân là vô cùng nhiều. Các triều đại của Trung Hoa thay đổi liên tục, nên có thể nói số lượng quân sư tài hoa, xán lạn cũng không ít. Nhưng vừa là quân sư tài trí, lại tu hành siêu trần thoát tục thì lại vô cùng hiếm có. Diêu Quảng Hiếu là một trong số vị tăng nhân kỳ lạ thần bí nhất.

Vào thời Vua Thái Tổ nhà Minh, từ những năm cuối niên hiệu Hồng Vũ đến những năm Vĩnh Lạc, vũ đài chính trị của Trung Hoa có nhiều thay đổi bất thường, kinh tâm động địa, Diêu Quảng Hiếu thân là hòa thượng khoác áo cà sa nhưng lại đưa ra sách lược chuẩn xác, thân ngồi trong trướng nhưng lại có thể chỉ huy thiên quân vạn mã ở bên ngoài, quyết định thắng thua ngoài ngàn dặm. Ông chính là một trong những công thần khai quốc có công lao to lớn bậc nhất của Minh Thành Tổ.

An Hòa

Xem thêm: